
Nhiều mô hình gia đình văn hoá, thôn, khu văn hoá
Những năm qua, Quảng Ninh không ngừng làm mới cách tiếp cận trong việc xây dựng đình văn hóa và thôn, khu phố văn hóa với hàng loạt mô hình đa dạng, sáng tạo, góp phần thổi hồn vào cuộc sống cộng đồng, khơi dậy tinh thần đoàn kết và trách nhiệm chung của toàn xã hội.
Ngay từ giai đoạn đầu triển khai (2001-2005), Quảng Ninh đã chú trọng xây dựng các mô hình gia đình điển hình, như “Ông bà gương mẫu, con cháu thảo hiền”, “Gia đình học tập”, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ. Các mô hình này không chỉ khuyến khích con cháu hiếu học, giữ gìn truyền thống mà còn gắn với hoạt động hỗ trợ hộ nghèo, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, như hoạt động đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ người tàn tật, chăm sóc trẻ em cơ nhỡ…

Từ đó đến nay, các ngành, địa phương, tổ chức, đoàn thể đã triển khai rất nhiều mô hình xây dựng đình văn hóa và thôn, khu phố văn hóa. Trên bình diện thôn, khu phố, hàng loạt mô hình tự quản dân cư đã được phát triển, thiết thực với đời sống hàng ngày. Tiêu biểu có “Khu dân cư phòng chống ma tuý, tội phạm”, “Hòm thư tố giác”, “Gia đình văn hóa - Tổ an toàn, Phường bình yên” hay “Khu dân cư không có tội phạm, tệ nạn xã hội” do Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội chủ trì, với quy mô phát triển tại hàng trăm địa bàn cơ sở. Mô hình này giúp nâng cao ý thức cảnh giác, bảo đảm an ninh trật tự, đồng thời khơi dậy tinh thần tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh không đứng ngoài phong trào, duy trì bền bỉ các câu lạc bộ “Xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững” với 142 CLB và 710 tổ tự quản trong các khu dân cư; đồng thời duy trì 165 “Câu lạc bộ Phụ nữ với pháp luật” và 147 “Chi hội Phụ nữ nòng cốt thực hiện pháp luật” với gần 14.000 hội viên tham gia, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật và tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho các gia đình khó khăn.
Không chỉ dừng lại ở hoạt động xã hội - văn hóa, thiết chế văn hóa, thể thao cũng được phát huy tối đa. Trung bình mỗi nhà văn hóa thôn có từ 2-5 câu lạc bộ hoạt động thường xuyên về bóng đá, cầu lông, bóng chuyền hơi, dân vũ… tạo nên không gian giao lưu, rèn luyện thân thể và khơi dậy bản sắc văn hóa dân tộc. Đây cũng là nơi các gia đình, dòng họ tích cực tham gia các chương trình văn nghệ, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần.

Bên cạnh đó, các lực lượng vũ trang, như Hội Cựu chiến binh, Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh, cũng đã phát huy vai trò nòng cốt trong các mô hình văn hóa cộng đồng. Tiêu biểu, Bộ đội Biên phòng phối hợp với Tỉnh Đoàn tổ chức hơn 1.300 buổi “Hãy làm sạch biển” với hơn 110.000 đoàn viên tham gia, thu gom khoảng 3.000 tấn rác thải. Các mô hình “Tổ tự quản ANTT” do cựu chiến binh làm nòng cốt hiện có hơn 2.442 tổ với gần 18.000 hội viên tham gia, đảm bảo trật tự an ninh trên địa bàn…
Một nỗ lực sáng tạo khác đến từ việc thẩm định, xây dựng tiêu chí đánh giá danh hiệu văn hóa được đưa vào hương ước, quy ước thôn, khu phố. Đến nay, toàn tỉnh đã có 1.452/1.452 thôn, khu ban hành quy ước, hương ước; các quy ước luôn được rà soát, bổ sung để phù hợp thực tiễn và quy định hiện hành. Theo kết quả công tác bình xét, đến năm 2024, toàn tỉnh có 96,9% số hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” và 97,9% thôn, khu phố đạt danh hiệu “Thôn, khu phố văn hóa”. Hiện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang phối hợp xây dựng Dự thảo Bộ tiêu chí “Thôn, làng, khu dân cư văn hóa kiểu mẫu” nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào trong giai đoạn tới.
Các mô hình xây dựng gia đình văn hoá; thôn, khu văn hoá đã khơi dậy tinh thần tự giác, trách nhiệm của mỗi gia đình, mỗi cá nhân. Ở những địa bàn đạt chuẩn, người dân tự nguyện hiến đất, đóng góp kinh phí, ngày công xây dựng nhà văn hóa, làm đường, trường học; đồng thời cùng nhau duy trì nếp sống văn minh trong cưới, tang, lễ hội, giảm thiểu mê tín dị đoan… Qua đó đã tạo nên bức tranh sinh động về một Quảng Ninh đoàn kết, văn minh, phát triển bền vững.
Ý kiến ()