Nguyên nhân... ai cũng biết!
Sáng 19-10, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp rút kinh nghiệm về công tác quản lý tài nguyên và môi trường qua hai vụ việc xảy ra trong tháng 9 vừa qua, tại Nhà máy Xi măng Lam Thạch (phường Phương Nam, TP Uông Bí) và Mỏ đá vôi Đồng Đặng của Công ty TNHH Hưng Thịnh (xã Sơn Dương, huyện Hoành Bồ).
Cuộc họp do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đọc và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Huy Hậu chủ trì, nhưng TP Hạ Long, TP Uông Bí, huyện Hoành Bồ và huyện Đông Triều, những địa phương nguy cơ để xảy ra gây ô nhiễm môi trường rất lớn lại chỉ cử Phó Chủ tịch UBND dự họp. Ngay tại cuộc họp này, Chủ tịch UBND tỉnh đã phê bình Chủ tịch UBND các địa phương trên, vì chưa nhận rõ trách nhiệm tham gia cuộc họp quan trọng này.
Tại cuộc họp, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có báo cáo về nội dung nói trên. Tuy nhiên, với những nguyên nhân vụ việc mà báo cáo chỉ ra, thì những ai quan tâm đến bảo vệ môi trường cũng có thể biết trước. Cụ thể như những nguyên nhân gây bụi của Nhà máy Xi măng Lam Thạch đã có từ lâu và dễ thấy mà phải đến khi xảy ra “vụ việc” mới được nói tới: Công nghệ sản xuất của nhà máy thuộc loại cũ, dễ xảy ra sự cố hỏng hóc, mỗi khi xảy ra sự cố đều phát sinh một lượng bụi rất lớn phát tán vào môi trường xung quanh; các công đoạn xúc bốc, vận chuyển vật liệu từ bãi chứa vào máy nghiền nguyên liệu đều là dây chuyền hở, rất dễ phát bụi; hệ thống chống bụi của nhà máy nếu bị mất điện đột ngột mà không có giải pháp kịp thời thì việc xử lý bụi sẽ không đạt yêu cầu...
Ai cũng có thể biết, đã nổ mìn khai thác đá gần khu dân cư thì có nguy cơ gây bụi, nứt nhà ở, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân. Xi măng lò đứng, thiết bị lại quá cũ, thì vận hành trơn tru cũng đã gây bụi, khi xảy ra sự cố thì thật thảm họa. Quan trọng là chúng ta phải làm tốt công tác đánh giá tác động môi trường trước khi quyết định thi công dự án và công quan trắc môi trường trong quá trình sản xuất.
Tình hình chung hiện nay là, trước một vụ việc tương tự như trên, người dân thì buộc doanh nghiệp phải xử lý ngay, nếu không thì cản trở sản xuất. Còn doanh nghiệp thì đồng ý nhưng phải chờ quyết định của chính quyền thì mới có cơ sở để xử lý. Chính quyền thì phải đợi tham mưu, đề xuất của cơ quan chức năng. Trong khi đó cơ quan chức năng thì trước đó đã kết luận “...vẫn ở mức cho phép”, giờ thì biết làm sao đây, khi mà bằng mắt thường cũng thấy... “vấn đề”! Sự phức tạp hoá ở hai vụ việc nói trên của Quảng Ninh cũng nằm trong tình hình chung này.
Rút kinh nghiệm từ hai vụ việc nói trên, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định: Trách nhiệm này thuộc về công tác quản lý Nhà nước của cấp chính quyền cơ sở, cần được chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong thời gian tới. Đồng thời doanh nghiệp nào vi phạm cần nghiêm túc xử lý nghiêm, có biện pháp khắc phục hậu quả kịp thời, không để tình trạng gây ô nhiễm môi trường xảy ra trên địa bàn.
Nguyên Đan
Ý kiến ()