
TP Uông Bí: Doanh nghiệp than, điện tiên phong chuyển đổi số
Các doanh nghiệp ngành Than, ngành Điện trên địa bàn thành phố đã xây dựng, ứng dụng nhiều giải pháp CNTT vào khâu quản lý, quản trị, điều hành doanh nghiệp.
Từ năm 2020 Công ty Than Uông Bí - TKV triển khai viết nhật lệnh sản xuất trên môi trường phần mềm, thay vì viết tay như trước. Viết nhật lệnh sản xuất là khâu đặc biệt quan trọng của một buổi giao ca. Khâu này được thực hiện trên cơ sở kết quả nhận bàn giao hiện trường của ca trước, kế hoạch sản xuất của ngày bắt đầu làm việc. Đây là căn cứ để quản đốc phân xưởng giao việc cho từng vị trí lao động, quán triệt chặt chẽ những yêu cầu về công tác an toàn. Vì vậy cũng là khâu mất nhiều thời gian nhất của buổi giao ca.
"Nếu theo quy trình cũ, công tác viết nhật lệnh bằng tay ở các phân xưởng như K21 diễn ra từ 1 đến gần 2 tiếng đồng hồ. Nay bằng phần mềm ca lệnh sản xuất, thao tác viết tay được xóa bỏ, thời gian dành cho công tác này rút ngắn chỉ còn 10 phút", anh Nguyễn Văn Nam, thợ lò Phân xưởng K21, cho biết.
Trong quy trình giao ca, nhật lệnh sản xuất cũ, phó quản đốc phải điểm danh gọi tên người lao động, sau đó mới giao việc, phổ biến biện pháp kỹ thuật an toàn. Với những phân xưởng đông người, đây là khâu mất rất nhiều thời gian, không đảm bảo tính chính xác, minh bạch. Từ tháng 6/2021, ứng dụng tích hợp vân tay, công nhân khi đến nhà giao ca tự điểm danh bằng phần mềm nhận diện khuôn mặt và ký lệnh sản xuất bằng vân tay. Phần mềm này sẽ tự động kết nối vào ca lệnh của phó quản đốc, tạo thuận lợi cho các bước triển khai công việc tiếp theo. Đến nay 100% các phân xưởng trong Công ty đã được lắp đặt thiết bị nhận diện khuôn mặt và vân tay (88 máy); thời gian nhận diện khuôn mặt và vân tay chỉ từ 1-2 giây, đảm bảo độ chính xác tuyệt đối.
Không chỉ phục vụ giao ca nhật lệnh, hệ thống phần mềm và thiết bị công nghệ nhận diện khuôn mặt, nhận diện dấu vân tay trong các mỏ hầm lò còn thể hiện tính năng kết nối đồng bộ dữ liệu thông tin của cán bộ, người lao động tại các bộ phận khác, như nhà ăn, nhà đèn, cửa ra - vào lò.
"Thông tin của cán bộ, người lao động chỉ cần nhập một lần sẽ được sử dụng nhiều lần tại nhiều bộ phận có kết nối dữ liệu với nhau. Các công đoạn rườm rà của hình thức cũ được xóa bỏ, như phiếu ăn, phiếu lấy - trả đèn lò, thẻ quẹt ra - vào cửa lò…", anh Đàm Minh Tiến, Phòng Cơ điện Vận tải, Công ty Than Nam Mẫu - TKV, cho biết.
Chuyển đổi số cùng những giải pháp công nghệ đã giúp các đơn vị ngành Than tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao hiệu quả, hiệu suất công việc, sẵn sàng hội nhập xu thế phát triển.

Phó Tổng Giám đốc TKV Nguyễn Huy Nam cho biết: Đến nay tất cả các đơn vị ngành Than vùng Uông Bí đã áp dụng những hệ thống tập trung, như Hệ thống giám sát lưu chuyển dòng than, với mục tiêu cung cấp các thông tin về khối lượng và chất lượng than tại bất kỳ điểm nào trong quy trình sản xuất, tiêu thụ tại các đơn vị một cách đầy đủ, trực quan và có thể phân tích được; Hệ thống quản lý và khai thác dữ liệu địa chất - giúp xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung, tích hợp các dữ liệu quản lý tại Tập đoàn và kết nối dữ liệu từ các đơn vị vào một ngân hàng dữ liệu địa chất để đảm bảo tính liên tục dữ liệu từ nguyên thủy đến khai thác sử dụng, truy vấn tài nguyên; Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp để chuẩn hoá lại quy trình nghiệp vụ quản lý văn bản điều hành, tích hợp chữ ký số và tiến tới liên thông văn bản toàn Tập đoàn.
Công ty Nhiệt điện Uông Bí, chuyển đổi số vừa là xu thế phát triển tất yếu, vừa là nhiệm vụ cấp bách. Công ty đang áp dụng 11 ứng dụng phần mềm nghiệp vụ trong tất cả các lĩnh vực. Công tác văn phòng là các phần mềm Digital-Office, HRMS, E-Learning. Sản xuất là các phần mềm “Nhật ký vận hành điện tử, phiếu công tác, lệnh công tác điện tử”, PMIS. Lĩnh vực tài chính là phần mềm ERP. Cơ sở dữ liệu được quản lý tập trung tại Tổng Công ty và hợp nhất các cơ sở dữ liệu trong toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Việc áp dụng các phần mềm giúp cho các đơn vị, phòng, ban nghiệp vụ rút ngắn thời gian xử lý công việc, tăng năng suất và hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ. Những lợi ích chuyển đổi số cũng giúp Công ty Nhiệt điện Uông Bí nâng cao hiệu quả công tác bảo dưỡng, sửa chữa, vận hành và quản lý thiết bị. Từ đó các tổ máy của Công ty vận hành an toàn, ổn định, hiệu quả, đảm bảo dòng điện luôn được phát đầy đủ, liên tục lên lưới điện quốc gia phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân và các đơn vị trong nước.
Ý kiến ()