
Cổ phục Việt trên vùng đất thiêng Yên Tử
Đến với Yên Tử trong khoảng 2 năm trở lại đây, du khách sẽ thấy thấp thoáng những nếp váy, áo dài xưa thướt tha bên hồ, dưới bóng tùng hay trên những con đường dạo thanh cảnh dưới chân núi. Đó là những mẫu cổ phục được Công ty CP Phát triển Tùng Lâm trang sắm phục vụ du khách với mong muốn lan toả vẻ đẹp văn hoá Việt trên vùng đất thiêng Yên Tử…
Không gian dưới chân Yên Tử trong nhiều năm qua đã được doanh nghiệp đầu tư, tái hiện những kiến trúc mang phong cách thời Trần từ hệ thống nghỉ dưỡng sang trọng của Legacy cho tới những nếp nhà lô xô bình dị của khu Làng Nương. Những trang phục cổ dường như rất hợp với không gian này. Từ đây, nhiều bộ ảnh đã ra đời, gợi lại vẻ đẹp hoài cổ với phong cách sang trọng, thanh lịch cho người mặc. Không chỉ là các cô gái trẻ theo trend, dòng cổ phục này cũng được nhiều phụ nữ trung niên, nhiều gia đình lựa chọn để trải nghiệm, ghi lại những khoảnh khắc đẹp khi về với Yên Tử.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, các bộ cổ phục này được doanh nghiệp đặt may từ một số nhà cung cấp có tiếng trong nước chuyên thiết kế về trang phục truyền thống xưa của người Việt. Chị Ngô Thị Hường, một đại diện của Cổ trang Đại Việt Quán, là đơn vị cung cấp phần lớn trang phục cổ cho Tùng Lâm, chia sẻ: Các trang phục cổ này được chúng tôi phỏng dựng lại dựa trên nhiều nguồn tài liệu về trang phục của người Việt thời Lý - Trần và thời Lê Trung Hưng, như: Tranh, ảnh, tượng, ghi chép, sách…
Việc thiết kế hay phục dựng hoàn toàn theo nguyên mẫu là điều rất khó và gần như khó có thể thực hiện được trong thời điểm này với các trang phục thời Lý - Trần và Lê Trung Hưng vì lượng tư liệu rất ít, không còn hiện vật hoặc có hiện vật nhưng không thể tiếp cận trực tiếp vì các hiện vật được trưng bày trong các bảo tàng, chỉ có thể nhìn qua tranh/ảnh chụp. Vì vậy, chúng tôi chỉ có thể cố gắng phỏng dựng theo sát nguyên mẫu nhất có thể.

Không chỉ về kiểu dáng, việc sử dụng các chất liệu cũng có sự sáng tạo, linh hoạt phù hợp điều kiện hiện nay. Chị Hường cho hay, chất liệu sử dụng để may cổ phục khá đa dạng, như: linen, sa, tơ tằm nhuộm thủ công, lụa, gấm… Các bộ cổ phục bên cạnh những chất liệu truyền thống thì đơn vị cũng sử dụng các chất liệu hiện đại, có sự sáng tạo trong thiết kế hoa văn và phối hợp màu sắc phù hợp với thẩm mỹ hiện nay. Các phụ kiện đi kèm gồm có nón được nghệ nhân Việt Nam làm thủ công, dây buộc tóc phỏng theo tượng, vòng ngọc…
“Mục tiêu khi thiết kế các bộ cổ phục của chúng tôi là cố gắng giữ được dáng áo cổ, phỏng dựng những trang phục sát nhất với những tài liệu chúng tôi tiếp cận và nghiên cứu được. Tuy nhiên cũng đưa vào thêm những chất liệu hiện đại, có sự tinh chỉnh trong thiết kế hoa văn, màu sắc, để cổ phục có thể dễ dàng được lan tỏa và đón nhận hơn, cũng như được ứng dụng tốt hơn trong đời sống hiện đại” - chị Hường khẳng định.
Như vậy là khi ngắm nhìn những bộ cổ phục nơi đây, du khách có thể hình dung về phom dáng phục trang xưa của ông cha ta. Tuy nhiên, các trang phục này cũng có những màu sắc mới, gắn liền với đời sống hôm nay. Sau khi đầu tư, hiện gian hàng cổ phục của Tùng Lâm tại khu vực trung tâm Làng Nương Yên Tử đã được xã hội hoá, giao cho cá nhân vận hành. Dịch vụ này khách có thể thuê tự do, hoặc nằm trong các gói dịch vụ khi khách nghỉ dưỡng tại Legacy, Làng Nương của Tùng Lâm theo thời điểm.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Phạm Thị Mai - người đã gắn bó với vùng đất Yên Tử nhiều năm qua, cũng là người quản lý, vận hành trực tiếp gian hàng cổ phục này, chia sẻ: Số lượng cổ phục trong gian hàng rất nhiều, phong phú về màu sắc, kiểu dáng cũng đa dạng, phù hợp theo độ tuổi, phong cách nhiều đối tượng du khách. Chính vì vậy, khi tiếp cận với khách, chúng tôi sẽ có những trao đổi, tư vấn làm sao để khách có thể tìm được bộ trang phục phù hợp nhất mà không phải lựa chọn nhiều. Khách thuê mà báo sớm, chúng tôi có thời gian sẽ cho trang phục vào sấy khô, làm thơm, mềm mại để sáng khách đến lấy, có bộ trang phục thơm, ấm để mặc, nhất là vào mùa đông...
Chị bảo: Cổ phục muôn màu, cũng có nét khác biệt so với trang phục hiện nay, mặc lên người là thấy vẻ đẹp có sự thay đổi, nom sang trọng, có nét cổ nên cũng cần tết tóc theo nếp xưa, sang trọng hơn một chút, như tết tóc bằng hoa, búi trễ hoặc dùng thêm búi tóc cho khách có tóc mỏng… Chúng tôi thường nắn nót từng cuộn tóc để có thể tôn lên đường nét đẹp nhất của khuôn mặt khách, để khách toả sáng nhất. Mình làm theo ý mình, để khách ngắm, nếu khách thích thì giữ lại, còn không thì mình lại tháo ra, chiều ý khách, rất tỉ mỉ như thế.
Cùng với tết tóc, chúng tôi cũng hỗ trợ khách trang điểm nhẹ nếu khách yêu cầu nhanh hoặc tỉ mỉ, tinh tế hơn nếu khách có thời gian, muốn cầu toàn hơn, với mục tiêu bao giờ cũng là làm sao để khách hài lòng, ưng ý nhất, từ đó có được những bức ảnh rạng rỡ nhất, đẹp nhất...
Ý kiến ()