Không đào núi lấp biển
Tại kỳ họp của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tháng 10 vừa qua, một quan điểm, chủ trương được đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ kết luận được đông đảo dư luận quan tâm và đồng tình. Đó là, từ nay việc phát triển quỹ đất không được thực hiện bằng cách phá đồi, lấp biển mà phải triển khai bằng các giải pháp thân thiện với môi trường.
Công bằng mà nói, trong những năm qua, việc mở rộng quỹ đất ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh bằng cách san đồi, lấp biển đã góp phần tạo ra nhiều mặt bằng, không gian rộng lớn. Trên cơ sở đó, nhiều khu đô thị mới hiện đại, nhiều khu - cụm công nghiệp đã được xây dựng, hình thành. Áp lực về quỹ đất phục vụ cho nhu cầu xây dựng các công trình, nhà ở của các cơ quan, đơn vị, tổ chức và người dân cũng bớt căng thẳng hơn, nhất là với một địa bàn đất chật, người đông như TP Hạ Long. Tuy nhiên, bình tĩnh lại và phân tích, xem xét một cách khoa học thì có thể thấy cái giá phải trả của cách làm này cũng không nhỏ. Điển hình nhất là môi trường, cảnh quan ở nhiều khu vực đã bị xâm hại, tàn phá, biến dạng. Nếu ai đó đã từng quan sát từ biển vào, hay từ trên cao xuống mới thấy xót xa khi nhiều quả đồi bị băm nát, đào bới nham nhở như những vết lở loét trên một cơ thể cường tráng; và những cửa sông, con suối, dòng chảy bị bồi lắng đất cát; những cánh rừng ngập mặn bị vùi lấp... Một hậu quả nhãn tiền hiện nay đang phải gánh chịu và khắc phục với chi phí bỏ ra không nhỏ là luồng lạch vào vùng nước Cảng Cái Lân thường xuyên bị bồi lắng. Đây là hậu quả từ việc lấn biển tạo quỹ đất cho các khu đô thị Cao Xanh - Hà Khánh, Vựng Đâng. Cũng từ những tác động này mà môi trường sinh thái, độ trong của nước ở các vùng ven biển cũng bị ảnh hưởng, nhiều loài động, thực vật không còn môi trường lý tưởng để tồn tại, phát triển...
Chủ trương, quan điểm không phá đồi, lấp biển khi tạo quỹ đất của tỉnh sẽ cứu cho nhiều quả đồi, cánh rừng không bị tàn phá trong tương lai. Môi trường, cảnh quan ở nhiều khu vực sẽ được phục hồi. Và một điều lớn hơn nữa là ý thức chung sống thân thiện với môi trường trong các tổ chức, đơn vị và người dân được nâng lên. Những kinh nghiệm, bài học trong quá trình phát triển cũng được nhận diện và ghi nhớ, đặc biệt là trong công tác lập quy hoạch, giám sát và quản lý quy hoạch...
Trong tương lai, để phục vụ cho yêu cầu phát triển với điều kiện quỹ đất hạn hẹp chúng ta phải có kế hoạch đầu tư, phát triển các quỹ nhà chung cư cao tầng, các công trình nhà trên đồi thân thiện với cảnh quan, môi trường; di chuyển, tập trung cơ sở sản xuất vào các khu - cụm công nghiệp, cách xa vùng dân cư để dành quỹ đất cho các công trình phúc lợi, công cộng...
Thanh Tùng
Ý kiến ()