20
18
/
795608
Hoành Bồ - Dấu ấn nửa nhiệm kỳ
longform
Hoành Bồ - Dấu ấn nửa nhiệm kỳ


Qua hơn 2 năm thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, Đảng bộ, nhân dân huyện Hoành Bồ đã và đang phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.


Nỗ lực đưa các xã thoát khỏi diện ĐBKK

Về thôn Phủ Liễn, xã Đồng Sơn vào một ngày trung tuần tháng 6, chúng tôi cảm nhận được sự chuyển mình mạnh mẽ của vùng đất vốn nghèo khó từ bao đời nay. Khác với trí nhớ của tôi về Phủ Liễn những năm trước, thôn nghèo giờ đã thay da đổi thịt với diện mạo nông thôn tươi mới, trù phú và nhiều màu sắc. Phủ Liễn hôm nay có nhiều nhà mái ngói mọc lên, nhiều trường học được đầu tư, nhiều công trình hạ tầng được xây dựng; nhất là các tuyến đường giao thông được thi công giúp rút ngắn khoảng cách với bên ngoài.

Anh Lý Sinh Tân, Trưởng thôn phấn khởi cho biết: Tuy cách trung tâm xã chỉ 7km nhưng trước đây, hễ nói đến đi Phủ Liễn ai nấy đều thấy ái ngại. Đường giao thông thôn lúc ấy chỉ là đường đất, nắng thì bụi, mưa thì lầy lội. Giao thông khó khăn khiến việc thông thương buôn bán bị hạn chế. Người dân đã nghèo càng nghèo khó hơn. Vài năm trở lại đây, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, Phủ Liễn có được trợ lực để bứt phá vươn lên. Bộ mặt nông thôn ngày càng phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể. Nếu như năm 2016, thôn có 25 hộ nghèo với mức thu nhập bình quân đạt gần 13 triệu đồng/người/năm thì đến 2018 chỉ còn 18 hộ nghèo với mức thu nhập trên 14 triệu đồng/người/năm. 40% người dân có nhà cửa khang trang, trên 50% có xe máy đi lại.

Là một trong số 3 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn (ĐBKK) của huyện, thời gian qua, Đồng Sơn tập trung dồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Đến nay, xã đã được đầu tư, đưa vào sử dụng 6 công trình hạ tầng với kinh phí trên 7 tỷ đồng; đầu tư trên 1 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất cho 78 hộ nghèo, trong đó vốn nhà nước hỗ trợ gần 900 triệu đồng, vốn đối ứng trên 200 triệu đồng. Cùng với đó, xã đẩy mạnh hướng dẫn bà con kỹ thuật chăn nuôi, thú y, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, vật nuôi; đồng thời, phổ biến cách thức tổ chức sản xuất, tiếp cận thị trường. Nhờ đó, đến cuối năm 2017, toàn xã chỉ còn 85 hộ nghèo, 104 hộ cận nghèo.

Phủ Liễn ngày mới.
Phủ Liễn ngày mới.

 

Một trong những mục tiêu quan trọng Đại hội Đảng bộ huyện Hoành Bồ lần thứ XXIV đặt ra là sớm đưa các xã thoát khỏi diện ĐBKK, trong đó, 2 xã Đồng Lâm, Đồng Sơn thoát khỏi diện ĐBKK vào cuối năm 2019, Kỳ Thượng vào cuối 2020. Theo đó, huyện xây dựng đề án hỗ trợ phát triển sản xuất cho cả giai đoạn 2017-2020; thành lập đoàn kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình 135 của các xã; tăng cường tuyên truyền về phong trào thi đua phấn đấu đưa các xã ra khỏi diện ĐBKK. Từ nguồn vốn thực hiện đề án, huyện đã giải ngân trên 26 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng; 2,2 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất; 60 triệu đồng đào tạo, tập huấn kiến thức cho cán bộ xã, thôn và người dân. Qua đó, huyện hỗ trợ phát triển sản xuất cho 186/449 hộ nghèo, cận nghèo; giảm 134/76 hộ nghèo; xây mới 7/15 công trình giao thông, 5/7 công trình thủy lợi, 2/5 trường học; hỗ trợ nhà ở cho 14/14 hộ nghèo...

Cuối năm 2017, 2 xã Đồng Lâm, Đồng Sơn chính thức thoát khỏi diện ĐBKK; sớm hơn 2 năm so với kế hoạch.


Đột phá để vươn tầm

Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, Hoành Bồ đã phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, nỗ lực, quyết tâm đổi mới, đề ra chủ trương lãnh đạo đúng, sát; huy động mọi nguồn lực của cả hệ thống chính trị và xã hội nên đã hoàn thành khá toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong nửa nhiệm kỳ.

Tiêu biểu có thể kể đến như: Tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế tăng 17,5%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra 3,5%; tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp 15,1%, vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra bình quân tăng 13,8%/năm; tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất ngành xây dựng 36%/năm, tăng cao so với Nghị quyết đề ra; tốc độ tăng trưởng giá trị bình quân ngành nông nghiệp đạt 6,8% (mục tiêu Nghị quyết là 6%/năm); thu ngân sách hằng năm vượt kế hoạch tỉnh giao, tốc độ tăng thu bình quân 18%/năm (Nghị quyết đề ra là 13-14%/năm)...

Hoạt động sản xuất tại Nhà máy gạch Hoành Bồ.
Hoạt động sản xuất tại Nhà máy gạch Hoành Bồ.

 

Thực hiện Đề án 196, trong 2 năm 2016 - 2017, huyện hỗ trợ đất ở, nước sinh hoạt cho 1.169 lượt hộ với kinh phí 8.369 triệu đồng; hỗ trợ tiền mặt và hiện vật trực tiếp cho 758 hộ nghèo, 3.179 nhân khẩu vùng khó khăn. Trong hai năm rưỡi, tổng vốn đầu tư cho khu vực nông thôn là 1.517.515 triệu đồng (ngân sách nhà nước 605.050 triệu đồng, huy động xã hội hóa 912.651 triệu đồng), đã thực hiện 29 dự án phát triển sản xuất, xây mới 27,5km đường nông thôn, cứng hóa 7,2km mương, nâng tỷ lệ đường nông thôn được bê tông hóa là 73,6%, tỷ lệ kênh mương được xây kiên cố 66,7%. Nhờ đó, đời sống của nhân dân các dân tộc trong huyện ngày càng được cải thiện với thu nhập bình quân đạt 34,6 triệu đồng/năm (tăng 3,6 triệu đồng/người so năm 2015).

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được triển khai đồng bộ, trung bình đạt 13,8 tiêu chí/xã, trong đó có 2 xã đã đạt 19 tiêu chí trở lên. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến. Trong đó, giáo dục và đào tạo được coi là một trong những nội dung chiến lược nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Hiện huyện có trên 24/37 trường đạt chuẩn quốc gia (vượt chỉ tiêu đề ra 4 trường). Công tác an sinh xã hội được đảm bảo; chế độ, chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện đầy đủ…


Chiến lược dài hơi cho tương lai

Theo đánh giá của Ban Thường vụ Huyện ủy, hiện năng lực nội tại nền kinh tế của huyện còn thấp, mới là tiềm năng; nguồn lực để thực hiện các mục tiêu chiến lược còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, các thành phần kinh tế tuy có bước phát triển nhưng chưa có chiều sâu. Cụ thể: Công nghiệp nặng về khai thác tài nguyên; thương mại - dịch vụ chưa có đột phá; sản xuất nông nghiệp còn manh mún, năng suất, chất lượng chưa cao, ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế; phát triển du lịch mới chỉ ở bước khởi đầu đặt nền móng... Chính vì vậy, Hoành Bồ đang đứng trước nhiều thách thức lớn trong nửa nhiệm kỳ còn lại.

Góc đô thị Trới hiện nay.
Một góc đô thị Trới hiện nay.

 

Với phương châm hành động “Quyết tâm, quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả” cùng khát vọng “Đột phá để phát triển, phát triển thì phải đột phá”, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành nghị quyết đề ra mục tiêu: Đến năm 2025, nâng cấp huyện lên thị xã với 8 phường (Trới, Lê Lợi, Vũ Oai, Sơn Dương, Dân Chủ, Quảng La, Bằng Cả, Thống Nhất) và 5 xã (Tân Dân, Hòa Bình, Đồng Lâm, Đồng Sơn, Kỳ Thượng); đến năm 2021, Hoành Bồ sẽ tự cân đối ngân sách; xây dựng Hoành Bồ là đô thị vệ tinh, cửa ngõ phía Bắc của TP Hạ Long, vùng đệm của TP Hạ Long, Cẩm Phả. Dù đặt ra chiến lược dài hơi cho địa phương, song huyện không thay đổi chỉ tiêu thực hiện; chỉ thay đổi biện pháp, giải pháp tổ chức thực hiện cho sát hợp với tình hình mới.

Ông Nguyễn Anh Tú, Bí thư Huyện ủy Hoành Bồ, cho biết: Để đạt được những mục tiêu này, huyện tập trung thực hiện những giải pháp mang tính đột phá: Rà soát, điều chỉnh các quy hoạch kinh tế -xã hội, quy hoạch vùng và nguồn nhân lực; rà soát nguồn lực, tiến hành tinh giản bộ máy, biên chế để dành những vị trí tinh giản cho nhân tài thu hút về huyện; sắp xếp lại các cơ quan chuyên môn đảm bảo thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; chú trọng phát triển du lịch theo 3 hướng: Du lịch văn hóa tâm linh, du lịch trải nghiệm, du lịch văn hóa lịch sử; quy hoạch hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng cảng biển dịch vụ gắn với phát triển đô thị...

Ngô Dịu

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu