
Gỡ điểm nghẽn trong chuyển đổi số
Thời gian qua, chương trình chuyển đổi số quốc gia nói chung và Đề án 06 nói riêng đã được tỉnh Quảng Ninh nỗ lực xây dựng, phát triển và đưa vào cuộc sống, mang lại lợi ích to lớn cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, nội dung quan trọng này vẫn gặp không ít khó khăn, nhất là về nguồn lực thực hiện. Hiện Quảng Ninh đang tích cực triển khai nhiều giải pháp gỡ “điểm nghẽn” để tiếp tục tiến xa hơn trên hành trình chuyển đổi số toàn diện.

Trong triển khai thực hiện chuyển đổi số nói chung và cụ thể là Đề án 06, năm 2024, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch, xác định 17 mục tiêu chung, 7 nhóm nhiệm vụ với 41 nhiệm vụ cụ thể cần thực hiện trên địa bàn tỉnh, phân công rõ trách nhiệm cho từng sở, ban, ngành, địa phương; đăng ký thêm với Tổ công tác Đề án 06 Chính phủ về 13 nhiệm vụ trọng tâm thúc đẩy Đề án 06. Đến nay, cơ bản nhiệm vụ đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức theo đúng mục tiêu, yêu cầu và lộ trình đã đề ra. Nhiều nhiệm vụ đã và đang phục vụ hiệu quả nhu cầu giao dịch, đi lại thường ngày của người dân và doanh nghiệp. Để đạt được những kết quả tích cực đó, giữa năm 2023, tỉnh chủ động nghiên cứu, nhận diện rõ 5 “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án 06. Trong đó, tỉnh xác định “điểm nghẽn” về nguồn lực để triển khai thực hiện các nhiệm vụ cần có chủ trương giải quyết nhanh chóng, kịp thời, nếu không sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các nhiệm vụ của Đề án 06 cũng như chuyển đổi số.
Là địa phương tự cân đối ngân sách, tỉnh Quảng Ninh xác định rõ mục tiêu: Đảm bảo bố trí kinh phí thực hiện chuyển đổi số hoàn toàn từ các nguồn lực ngân sách của tỉnh, không đề xuất hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương. Điều đó không chỉ thể hiện tính chủ động, quyết liệt trong việc tạo nguồn lực quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số, Đề án 06 mà còn là cách để Quảng Ninh triển khai các dự án, đề án, nhiệm vụ CNTT được nhanh chóng, hiệu quả, kịp thời, phù hợp theo quy định về phân cấp quản lý ngân sách hiện hành. Ngoài ra, công tác quản lý, giải ngân các nguồn vốn cũng được đảm bảo chặt chẽ, đúng quy trình, quy định của pháp luật, tránh lãng phí, tiêu cực, tham nhũng, hao tốn nguồn lực ngân sách nhà nước.
Từ khi triển khai Đề án 06 đến nay, công tác đảm bảo bố trí nguồn lực phục vụ chuyển đổi số luôn được tỉnh quan tâm sâu sát hơn. Chỉ tính riêng nguồn vốn chi thường xuyên ngân sách tỉnh, năm 2023 đã bố trí hơn 148 tỷ đồng để triển khai các dự án CNTT, chuyển đổi số theo Đề án 06 và Nghị quyết số 09-NQ/TU (ngày 5/2/2022) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Năm 2024, tỉnh dành nguồn chi thường xuyên bố trí hỗ trợ lực lượng Công an hơn 5,1 tỷ đồng để mua sắm máy móc cho Công an cấp xã hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến và 500 triệu đồng cho hoạt động thường xuyên của Cơ quan thường trực Tổ công tác Đề án 06 các cấp. Năm 2025, tỉnh tiếp tục bố trí hơn 82 tỷ đồng cho các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh để thực hiện các nhiệm vụ phục vụ chuyển đổi số và Đề án 06 trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, trong công tác bố trí nguồn ngân sách thực hiện chuyển đổi số và Đề án 06, tỉnh cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc, như: Một số sở, ban, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm, mạnh dạn trong việc nghiên cứu, đề xuất kinh phí để xây dựng, triển khai các dự án, đề án, hoạt động ứng dụng CNTT phục vụ chuyển đổi số và Đề án 06. Nguyên nhân do tâm lý còn e ngại quy trình, thủ tục, các bước lập hồ sơ phê duyệt các hoạt động ứng dụng CNTT phải trải qua nhiều khâu, nhiều bước phức tạp với nhiều cơ quan, đơn vị xét duyệt, thẩm định; Đề án 06 luôn phát sinh nhiệm vụ mới, gây khó khăn cho việc dự trù, bố trí nguồn kinh phí triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, việc xây dựng một số hệ thống, phần mềm để triển khai nhiệm vụ của chuyển đổi số và Đề án 06 chưa xác định rõ trách nhiệm thuộc về các bộ, ngành Trung ương hay do địa phương tự đầu tư, xây dựng…
Để giải quyết vướng mắc nêu trên, tỉnh hiện đang tích cực đề xuất lên Tổ công tác Đề án 06 Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương nhanh chóng có hướng dẫn cụ thể trong việc đầu tư, xây dựng các dự án, đề án, hệ thống CNTT khi triển khai một nhiệm vụ của chuyển đổi số và Đề án 06; xác định rõ trách nhiệm của bộ, ngành hay địa phương tự thực hiện đầu tư, xây dựng; hướng dẫn rõ nguồn kinh phí triển khai để địa phương chủ động nghiên cứu, thực hiện, tránh đầu tư chồng chéo, lãng phí. Đồng thời, đề xuất xây dựng lộ trình, kế hoạch sớm, rõ ràng, xác định cụ thể về thời gian, thẩm quyền, trách nhiệm, phạm vi triển khai các nhiệm vụ của chuyển đổi số và Đề án 06 để tỉnh chủ động bố trí nguồn kinh phí thực hiện từ đầu năm khi ban hành quyết định giao dự toán phân bổ chi ngân sách cấp tỉnh. Đối với nhiệm vụ phát sinh đột xuất, tỉnh cũng đề nghị Trung ương có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng để làm căn cứ đề xuất HĐND tỉnh duyệt chi kinh phí từ các nguồn dự phòng.
Cùng với việc tích cực đề xuất gỡ khó, bám sát chỉ đạo của Trung ương, để triển khai các hệ thống CNTT phục vụ chuyển đổi số và Đề án 06, bên cạnh việc đầu tư, tỉnh cũng đang chủ động ưu tiên phương án thuê dịch vụ CNTT theo hướng dẫn tại Nghị định số 82/2024/NĐ-CP (ngày 10/7/2024) của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2019/NĐ-CP (ngày 5/9/2019) của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Nhằm đáp ứng yêu cầu giải quyết TTHC trong tình hình mới, tỉnh đã bố trí kinh phí để triển khai dự án “Nâng cấp hệ thống thông tin giải quyết TTHC và Cổng dịch vụ công của tỉnh” phù hợp với định hướng, chiến lược của Trung tâm dữ liệu quốc gia, đặc biệt là nội dung xây dựng và triển khai Cổng dịch vụ công quốc gia theo mô hình tập trung, duy nhất.
Thời gian tới, tỉnh bám sát Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an và các bộ, ngành Trung ương để mời chuyên gia phối hợp, hướng dẫn cụ thể về mô hình, chức năng, thông tin chi tiết về các nội dung nghiệp vụ, kỹ thuật. Qua đó, đảm bảo nâng cấp, xây dựng Cổng dịch vụ công của tỉnh đồng bộ với định hướng của Trung tâm dữ liệu quốc gia, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí.
Ý kiến ()