
Giám sát chất lượng sản phẩm chăm sóc sức khỏe
Trước thực trạng thị trường thuốc, mỹ phẩm và thực phẩm bảo vệ sức khỏe ngày càng đa dạng nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ hàng giả, hàng kém chất lượng, Trung tâm Kiểm nghiệm tỉnh đóng vai trò nòng cốt trong việc kiểm tra, giám sát chất lượng các sản phẩm lưu hành trên địa bàn. Qua đó đã phát hiện, cảnh báo kịp thời nhiều sản phẩm giả, kém chất lượng, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Trung tâm bám sát chỉ tiêu được giao để xây dựng kế hoạch giám sát, lấy mẫu kiểm tra chất lượng thuốc, mỹ phẩm và thực phẩm bảo vệ sức khỏe, chủ động giám sát hậu kiểm sau khi sản phẩm lưu hành. Theo đó, các nhóm giám sát được phân công cụ thể lấy mẫu theo từng tháng, quý. Đối tượng lấy mẫu kiểm nghiệm gồm các công ty kinh doanh, sản xuất dược; bệnh viện, trung tâm y tế; các nhà thuốc, quầy thuốc doanh nghiệp và tư nhân.
Công tác lấy mẫu kiểm nghiệm được định hướng dựa trên danh sách hoạt chất, dược liệu ưu tiên theo chỉ đạo của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, Cục Quản lý dược, Sở Y tế. Trong đó chủ yếu kiểm nghiệm các thuốc trong danh mục đấu thầu cung ứng cho các bệnh viện và trung tâm y tế của tỉnh; nhóm thuốc chiếm tỷ trọng lớn trong phòng, chữa bệnh; các nhóm thuốc chứa hoạt chất kém bền vững, dược liệu dễ bị giả mạo, nhiều tạp chất…; thông tin cảnh báo về sản phẩm bảo vệ sức khỏe không đạt tiêu chuẩn chất lượng, sản phẩm có trộn hoạt chất không có trong thành phần công bố từ Cục An toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, Trung tâm thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan trong công tác kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn toàn tỉnh; tham gia các đợt thanh, kiểm tra đột xuất về công tác dược do Sở Y tế triệu tập.

Trong 3 năm qua (2022-2024) Trung tâm hoàn thành và vượt các chỉ tiêu kế hoạch kiểm tra, giám sát và kiểm nghiệm mẫu được giao; tổng số tăng từ 945 mẫu (2022) lên 1.256 mẫu (2024). Qua công tác kiểm tra cho thấy, các cơ sở kinh doanh và sản xuất thuốc đạt GDP, GPP, GSP và duy trì các quy định về đảm bảo chất lượng thuốc; tuy nhiên vẫn còn tình trạng một số nhà thuốc, quầy thuốc không hợp tác với đoàn kiểm tra. Trung tâm đã phát hiện các mẫu không đạt chất lượng, báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định. Các chỉ tiêu không đạt rất đa dạng, bao gồm định lượng, giới hạn nhiễm khuẩn, chất cấm trong mỹ phẩm (propyl paraben, methyl paraben), khối lượng viên, độ hòa tan, hàm lượng nước…
Để thực hiện tốt chức năng kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc, mỹ phẩm và thực phẩm bảo vệ sức khỏe, Trung tâm luôn chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ về mọi mặt cho cán bộ kiểm nghiệm viên, kỹ thuật viên; thường xuyên cử cán bộ tham dự các lớp tập huấn, đào tạo về năng lực kiểm nghiệm thuốc; cập nhật ứng dụng kỹ thuật mới trong phân tích dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm; tăng cường đào tạo, đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ, đào tạo cán bộ sau đại học nhằm đáp ứng yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực.

Hoạt động nghiên cứu khoa học được Trung tâm xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Nhiều đề tài có tính ứng dụng cao đã được triển khai, giúp tối ưu hóa kỹ thuật và giảm chi phí phân tích. Tiêu biểu như: Xây dựng phương pháp định lượng vi khuẩn E. coli trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe; nghiên cứu ứng dụng phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao, định tính và định lượng hydroquinon trong mỹ phẩm kem bôi da; nghiên cứu xây dựng phương pháp phát hiện một số thuốc giảm đau chống viêm trộn trái phép trong chế phẩm đông dược bằng phương pháp sắc ký lớp mỏng; xây dựng phương pháp định lượng Coliform bằng kỹ thuật đếm khuẩn lạc trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe… Kiểm nghiệm viên Ngô Lê Mai Quế (Phó phòng phụ trách kiểm nghiệm đông dược - dược liệu - vi sinh trung tâm), chia sẻ: "Việc tham gia triển khai các đề tài nghiên cứu, xây dựng quy trình nội bộ cho các chỉ tiêu phức tạp như phát hiện chất cấm hay định lượng hoạt chất mới, giúp chúng tôi nâng cao năng lực, làm chủ kỹ thuật. Qua đó góp phần đảm bảo mỗi sản phẩm được kiểm nghiệm đều đáng tin cậy, bảo vệ sức khỏe cộng đồng".
Từ năm 2015 Trung tâm duy trì Hệ thống quản lý chất lượng theo chuẩn mực ISO/IEC 17025; từ năm 2021 Hệ thống quản lý GLP (Thực hành tốt phòng kiểm nghiệm thuốc). Hằng năm Trung tâm được các tổ chức công nhận đánh giá giám sát định kỳ và đánh giá lại.
Giám đốc Trung tâm Phạm Thị Hồng Oanh cho biết: Hiện thị trường thuốc, mỹ phẩm và thực phẩm bảo vệ sức khỏe ngày càng đa dạng về chủng loại, hoạt chất, công nghệ sản xuất hiện đại và tinh vi hơn rất nhiều. Điều này đặt ra yêu cầu cao hơn đối với công tác kiểm nghiệm, hệ thống máy móc, thiết bị kỹ thuật phải được đầu tư tương xứng để theo kịp. Chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn từ các cấp, ngành trong việc nâng cao năng lực kiểm nghiệm, nhằm phục vụ tốt hơn công tác bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Ý kiến ()