
Ứng phó dịch bệnh trong thời điểm giao mùa
Giao mùa là lúc thời tiết thay đổi thất thường, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại vi rút, vi khuẩn gây bệnh phát triển. Nhất là khi mùa hè tới bước vào cao điểm nắng nóng, nguy cơ xuất hiện cùng lúc nhiều dịch bệnh truyền nhiễm càng gia tăng. Trước thực tế đó, ngành Y tế tỉnh đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch ngay từ tuyến cơ sở.
Trong nhóm các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ gia tăng trong thời điểm hiện nay, cúm mùa vẫn là một mối quan tâm lớn. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính, dễ lây lan qua đường hô hấp, có triệu chứng tương tự như nhiều bệnh viêm đường hô hấp khác nên việc chẩn đoán và điều trị có thể gặp khó khăn nếu không được phát hiện sớm. Để chủ động phòng bệnh, người dân cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi ho, hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, giữ ấm cơ thể, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để nâng cao thể trạng. Ngoài ra, việc tiêm vắc xin cúm định kỳ, đặc biệt cho nhóm người có nguy cơ cao như trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai cũng rất quan trọng.
Bệnh tay chân miệng ở trẻ em cũng là mối lo trong các trường học, cơ sở giáo dục mầm non. Đây là bệnh dễ lây nếu không chủ động phòng ngừa. Để hạn chế thấp nhất số trường hợp tử vong, không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài, ngành Y tế đã tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe, triển khai tích cực các hoạt động vệ sinh, nâng cao sức khỏe nhân dân, thực hiện “3 sạch”: ăn sạch, uống sạch, ở sạch. Đồng thời, khuyến cáo các trường học bảo đảm bàn tay sạch và đồ chơi sạch, tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân chủ động phòng bệnh.

Đáng chú ý, sởi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, dễ bùng phát ở trẻ chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ liều. Tính đến cuối tháng 4 năm 2025, cả nước đã ghi nhận gần 82.000 trường hợp nghi mắc sởi tại 63 tỉnh, thành phố. Trong đó, số ca dương tính với sởi là 4.027 và đã có 5 trường hợp tử vong liên quan đến bệnh này. Trước nguy cơ dịch quay trở lại, ngành Y tế Quảng Ninh đang triển khai chiến dịch tiêm vắc xin đợt 3 cho trẻ từ 1 đến dưới 5 tuổi trên toàn tỉnh. Theo kế hoạch, mũi 1 hoàn thành trước ngày 30/4/2025 và mũi 2 hoàn thành trước ngày 15/5/2025. Các điểm tiêm chủng được bố trí tại trạm y tế xã, phường, thị trấn và điểm tiêm lưu động ở các trường mầm non, nhóm trẻ tư thục. Phụ huynh cần kiểm tra lại lịch sử tiêm chủng và đưa trẻ đi tiêm đúng lịch để đảm bảo trẻ được bảo vệ đầy đủ trước nguy cơ dịch bệnh.
Vào mùa hè, sốt xuất huyết cũng là một trong những bệnh dễ gia tăng do điều kiện thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều tạo môi trường thuận lợi cho muỗi vằn sinh sôi. Để phòng bệnh, mỗi người dân cần chủ động loại bỏ vật dụng chứa nước đọng quanh nhà, diệt loăng quăng bọ gậy, ngủ màn, mặc quần áo dài tay, dùng hương hoặc kem chống muỗi. Nếu có biểu hiện sốt cao liên tục không rõ nguyên nhân, cần đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh tự điều trị tại nhà gây biến chứng nguy hiểm.

Trước diễn biến phức tạp của các loại dịch bệnh truyền nhiễm thường gia tăng vào thời điểm giao mùa, mùa hè, nhất là trong các dịp nghỉ lễ và mùa cao điểm du lịch, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành chỉ đạo yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương nâng cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Sở Y tế được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan giám sát chặt tình hình dịch tễ, chủ động phát hiện sớm các ca bệnh, xử lý triệt để ngay từ khi dịch mới manh nha, không để bùng phát thành ổ dịch lớn. Đặc biệt chú trọng các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ cao như cúm, sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, ho gà, bạch hầu... với phương châm hành động “4 tại chỗ”: Chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ.
Bên cạnh việc chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị phòng dịch, tỉnh cũng yêu cầu các địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống dịch, chủ động tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em và các nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Công tác vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm, quản lý tốt các khu vực đông người như khu vực cửa khẩu, trường học, khu du lịch, khu công nghiệp... được xác định là những nhiệm vụ trọng tâm để phòng dịch từ xa, từ sớm, từ cơ sở.
Trong bối cảnh mùa hè 2025 đang đến gần, khi hoạt động du lịch và nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, nguy cơ lây lan dịch bệnh theo đó cũng cao hơn. Việc chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch ngay từ sớm là cần thiết, đồng thời đòi hỏi mỗi người dân nâng cao ý thức, cùng phối hợp giữ gìn vệ sinh, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.
Ý kiến ()