
Gấp rút giải ngân vốn đầu tư công
Mặc dù tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm cao hơn cùng kỳ 2024, nhưng vẫn chưa đảm bảo so với tiến độ kế hoạch đề ra (đến 30/6/2025, toàn tỉnh giải ngân được 5.484 tỷ đồng, đạt 46% kế hoạch giao đầu năm).
Kết thúc 4 tháng đầu năm, tổng nguồn vốn đầu tư công giải ngân đạt trên 1.500 tỷ đồng, đạt 12,5% kế hoạch giao đầu năm, cao hơn so với cùng kỳ 2024 là 11,6%, trong đó chủ đầu tư cấp tỉnh giải ngân đạt 10% kế hoạch; khối quốc phòng, an ninh, tư pháp giải ngân đạt 3,5% kế hoạch; UBND các địa phương giải ngân đạt 17% kế hoạch.
Hiện có 14/23 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân cao hơn bình quân toàn tỉnh, còn lại 9 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp hơn toàn tỉnh, gồm: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông và nông nghiệp (7%); Bộ CHQS tỉnh (6,8%); Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh (0%); Tòa án nhân dân tỉnh (2,8%); Công an tỉnh (1,4%) và UBND các địa phương: Ba Chẽ (12,2%); Bình Liêu (11,7%); Cô Tô (3,1%); Đầm Hà (10,9%).
Nguyên nhân có tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công chưa đạt như kỳ vọng là do những tháng đầu năm, các chủ đầu tư thường tập trung vào việc thực hiện công tác thanh toán, quyết toán kế hoạch vốn năm 2024, đồng thời tập trung hoàn trả số dư tạm ứng chuyển sang; một số dự án đang thực hiện các thủ tục liên quan đến GPMB. Mặt khác, sau khi được giao kế hoạch vốn năm 2025, các chủ đầu tư đang tập trung để triển khai kế hoạch đấu thầu, kế hoạch triển khai thực hiện thi công để có khối lượng thực hiện tích lũy. Bên cạnh đó, một số dự án phải tạm dừng triển khai thực hiện theo chủ trương sắp xếp bộ máy của Trung ương, như: Công an tỉnh có 3 dự án, với kế hoạch vốn 310 tỷ đồng; 70 dự án do UBND các địa phương làm chủ đầu tư, với kế hoạch vốn gần 400 tỷ đồng, chiếm 5,9% tổng kế hoạch vốn của 13 địa phương.

Với số vốn mới được giải ngân đến hết tháng 4/2025 là 1.500 tỷ đồng, như vậy, trong 2 tháng (5 và 6/2025) toàn tỉnh phải giải ngân tăng thêm 3.992 tỷ đồng, cao gấp 2,68 lần số giải ngân đã thực hiện 4 tháng đầu năm 2025, như vậy kết thúc 6 tháng mới có thể đạt 5.484 tỷ đồng như kế hoạch giao đầu năm. Nghĩa là bình quân trong tháng 5 và 6, toàn tỉnh phải giải ngân khoảng 1.996 tỷ đồng/tháng, trong đó chủ đầu tư cấp tỉnh phải giải ngân đạt 642 tỷ đồng/tháng; khối QP-AN, tư pháp giải ngân đạt 137 tỷ đồng/tháng; các địa phương giải ngân đạt 1.217 tỷ đồng/tháng. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề, đặc biệt là đối với các địa phương, trong bối cảnh cả tỉnh phải thực hiện sắp xếp bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương mà cấp huyện bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Ông Phạm Hồng Biên, Giám đốc Sở Tài chính, cho biết: Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, sớm đưa dòng vốn vào nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, Sở đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh công tác quyết toán, tất toán dự án đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ thi công 75 dự án đang triển khai thực hiện sử dụng vốn ngân sách cấp tỉnh, 565 dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương. Đặc biệt, các chủ đầu tư cần khẩn trương quyết toán chi phí GPMB đối với nhóm dự án đã quyết toán nhưng chưa tất toán, làm cơ sở để tất toán dự án, hoàn thành trước 30/6/2025.

Hiện tại trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 vẫn còn một vài dự án chưa thể khởi công đầu tư xây dựng, do vậy, các chủ đầu tư được giao nhiệm vụ khẩn trương hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư các dự án, làm cơ sở bố trí vốn tại kỳ họp gần nhất của HĐND tỉnh, nhất là các dự án: Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 330, đoạn từ thị trấn Ba Chẽ đến đường tỉnh 342; dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh - cơ sở 2 tại phường Hồng Hà và phường Hà Tu (TP Hạ Long).
Cùng với đó, các sở, ban, ngành liên quan cũng đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, triển khai điều chỉnh các quy hoạch liên quan, làm cơ sở thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư đối với các dự án mới, tập trung vào các dự án quan trọng, trọng điểm, mang tính chất kết nối liên vùng, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng để báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến về chủ trương triển khai, thực hiện thủ tục để phân bổ, giải ngân từ nguồn tăng thu ngân sách nhà nước ngay trong năm 2025.
Ý kiến ()