
Đầu tư phát triển vùng dân tộc thiểu số
Quảng Ninh có trên 162.500 người dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm hơn 12,3% dân số toàn tỉnh và sinh sống rải rác trên 85% diện tích tự nhiên. Với hàng loạt chương trình mục tiêu quốc gia và chính sách của tỉnh được triển khai đồng bộ, diện mạo vùng DTTS của tỉnh đã thay đổi rõ nét.
Hạ tầng kinh tế - xã hội là một trong những trọng điểm được đầu tư mạnh mẽ. Riêng năm 2024, tỉnh đã triển khai 168 dự án đầu tư hạ tầng thiết yếu bằng nguồn ngân sách tỉnh, trong đó có 62 dự án thuộc Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, miền núi. Trong đó lĩnh vực giao thông có tới 54 công trình được hỗ trợ đầu tư từ nguồn vốn Nghị quyết số 12/2022/NQ-HĐND, giúp nối liền các vùng sâu, vùng xa với khu vực trung tâm, thúc đẩy giao thương và phát triển sản xuất. Tỉnh đã đầu tư 183 hạng mục công trình trường học, đặc biệt chú trọng tại vùng DTTS.

Năm 2025, tỉnh đặt ra mục tiêu cụ thể trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Nghị quyết 06-NQ/TU và Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh năm 2025. Theo đó đặt ra mục tiêu tiếp tục xây dựng, hoàn thành 13 trung tâm văn hoá thể thao cấp xã; xoá bỏ 100% nhà ở tạm, nhà dột nát mới phát sinh cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo ở vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh…
Tổng vốn ngân sách tỉnh bố trí thực hiện Chương trình năm 2025 vùng DTTS là 786,887 tỷ đồng; tính đến hết ngày 11/3/2025 đã giải ngân trên 24,397 tỷ đồng.
Quảng Ninh là địa phương đầu tiên hoàn thành mục tiêu Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trước 3 năm. Đến cuối năm 2024, toàn tỉnh chỉ còn 8 hộ nghèo và 1.237 hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều riêng của tỉnh, trong đó số hộ DTTS chiếm lần lượt 69,5% và 53,48%. Chính sách BHYT cho người dân được thực hiện hiệu quả, 100% người dân tại các xã mới thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn vẫn được hỗ trợ BHYT đến hết năm 2025…
Theo kết quả khảo sát năm 2024, thu nhập bình quân của đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo năm 2024 là 83,790 triệu đồng/người/năm, tăng 14,2% so với năm 2023.

Giáo dục cho học sinh DTTS được đầu tư đồng bộ cả về cơ sở vật chất lẫn nội dung, chương trình. Đến nay, 100% cơ sở giáo dục đảm bảo điều kiện triển khai chương trình mới; tỷ lệ phổ cập giáo dục và xóa mù chữ đạt cao. Tỉnh có 6 trường phổ thông Dân tộc nội trú với hơn 1.700 học sinh, trong đó 98% là học sinh DTTS. Chất lượng học tập, nuôi dưỡng, chăm sóc học sinh nội trú ngày càng được nâng cao, với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 100% và trên 90% học sinh DTTS tiếp tục học lên trình độ cao hơn.
Học sinh Bàn Thị Hương, lớp 7A, Trường TH-THCS Kỳ Thượng (TP Hạ Long) cho biết: Nhờ cơ sở vật chất trường, lớp được đầu tư khang trang, sạch đẹp nên chúng em cũng hào hứng hơn trong học tập. Em mong các anh, chị, em, các bạn trong độ tuổi học sinh ở vùng DTTS trên địa bàn tỉnh đều được học dưới mái trường khang trang.
Đáng chú ý, chương trình tăng cường tiếng Việt cho trẻ em DTTS tiếp tục được đẩy mạnh với sự tham gia của 100% giáo viên và học sinh vùng dân tộc. Các hoạt động này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, mà còn hỗ trợ tích cực cho công tác bảo tồn văn hóa, ngôn ngữ của đồng bào. Hạ tầng y tế vùng DTTS hiện nay đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân. Hiện nay, tỉnh tiếp tục đầu tư nâng cấp, sửa chữa các Trạm y tế tuyến xã, nhất là ở vùng DTTS trên địa bàn.
Với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, chính quyền và nhân dân tỉnh đang đồng lòng cùng xây dựng vùng đồng bào DTTS ngày càng phát triển, văn minh.
Ý kiến ()