
Kiên quyết phòng chống tham nhũng, tiêu cực
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực được tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện. Nhờ đó, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân được nâng lên, tạo hiệu quả rõ rệt trong xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, củng cố niềm tin của nhân dân, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Theo đó, tỉnh đã chú trọng quán triệt, tuyên truyền, triển khai nghiêm túc, đầy đủ, toàn diện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Đặc biệt là các quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới và các thông báo kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Tỉnh đã chủ động ban hành nhiều văn bản phù hợp với thực tiễn, như Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 10/2/2022 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 16/11/2023 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; xử lý các vụ án, vụ việc về tham nhũng, chức vụ, kinh tế, tiêu cực... Đồng thời, thành lập sớm và duy trì hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tỉnh một cách nền nếp, bài bản, khoa học, hiệu quả.
Ngoài ra, Quảng Ninh cũng chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; quan tâm công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức trong các cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh. Củng cố, kiện toàn mô hình tổ chức cơ quan điều tra 2 cấp, đi đôi với bổ sung lực lượng điều tra viên, cán bộ điều tra đáp ứng đủ số lượng; bảo đảm thực hiện nhiệm vụ phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng. Cơ quan thanh tra các cấp thực hiện nhiệm vụ phòng chống tham nhũng, tiêu cực qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được chú trọng, tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm như đầu tư công, tài sản công, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài chính, ngân sách…
Để công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn đạt hiệu quả cao, tỉnh cũng đẩy mạnh công tác phòng ngừa tham nhũng một cách đồng bộ, toàn diện, gắn kết với từng nhiệm vụ chính trị cụ thể, phòng ngừa bằng hệ thống tổ chức, bằng các quy chế hoạt động, bằng phối hợp hành động; chủ động kiểm tra, giám sát ngay trong quá trình tổ chức thực hiện. Trong đó vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, đại biểu dân cử, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được phát huy.
Ban thanh tra nhân dân và ban giám sát đầu tư của cộng đồng, các tổ hòa giải thường xuyên được củng cố, kiện toàn, hoạt động hiệu quả. Từ năm 2020 đến nay, 177 ban thanh tra nhân dân đã tổ chức giám sát 1.246 cuộc, kiến nghị xử lý 261 vụ việc; 1.784 ban giám sát đầu tư của cộng đồng đã tổ chức giám sát các công trình, dự án tại địa bàn, phát hiện sai phạm và kiến nghị khắc phục xử lý kịp thời; duy trì 1.452 tổ hòa giải, hòa giải thành công 4.672 vụ việc, góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ổn định xã hội và phát triển kinh tế.
Cơ chế phối hợp phát hiện, chuyển giao, xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực cũng được thực hiện hiệu quả. Qua kiểm tra, thanh tra, các cơ quan có thẩm quyền đã chuyển cơ quan điều tra các cấp xử lý 8 vụ việc, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên theo quy định của pháp luật, có tác dụng lớn trong răn đe, cảnh tỉnh, phòng ngừa trong đó có các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo, được cơ quan có thẩm quyền của Trung ương giao. Chú trọng thực hiện các biện pháp thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, chức vụ, kinh tế, tiêu cực.
Trong nhiệm kỳ, cơ quan tiến hành tố tụng 2 cấp của tỉnh đã khởi tố, điều tra 149 vụ/357 bị can về tham nhũng, chức vụ, kinh tế, tiêu cực (cao hơn 5 lần nhiệm kỳ 2015-2020), trong đó có cán bộ, đảng viên đương chức, nghỉ hưu. Điển hình như vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Nhận hối lộ” xảy ra tại Sở GD&ĐT; vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện Sản Nhi…
Những kết quả đáng ghi nhận trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã góp phần quan trọng xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh ngày càng trong sạch, vững mạnh, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền và chế độ; góp phần giữ được địa bàn ổn định, giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong hệ thống chính trị để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Ý kiến ()