
Xuất khẩu sang Thái Lan khởi sắc, nhiều nhóm hàng tăng mạnh
4 tháng đầu năm 2025, nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Thái Lan tăng trưởng ấn tượng, nổi bật là điện tử, nông sản và hóa chất.
Theo số liệu từ Cục Hải quan, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Thái Lan trong 4 tháng đầu năm 2025 đạt 6,87 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Thái Lan đạt 2,67 tỷ USD, giảm nhẹ 0,7%. Dù giảm nhẹ về tổng thể, nhiều mặt hàng vẫn giữ được đà tăng trưởng tích cực, cho thấy xu hướng chuyển dịch thị phần rõ rệt trong một số ngành hàng.
Trong kỳ, Việt Nam xuất khẩu 36 mặt hàng chính sang Thái Lan. Các mặt hàng lớn nhất thuộc nhóm điện tử, khoáng sản.
Dẫn đầu nhóm hàng xuất khẩu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, đạt 475 triệu USD, tăng mạnh tới 106%. Đây là kết quả từ việc mở rộng các cơ sở gia công, lắp ráp linh kiện công nghệ cao của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, đồng thời phản ánh nhu cầu nhập khẩu linh kiện của Thái Lan để phục vụ sản xuất thiết bị điện tử nội địa.

Tiếp theo là nhóm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác với kim ngạch 339 triệu USD, tăng 12,6%; điện thoại và linh kiện với 254 triệu USD, giảm 27,6% cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 209 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ. Dầu thô với 162 triệu USD, giảm 57% cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, mặt hàng dệt may xuất khẩu sang Thái Lan mang về 98,9 triệu USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước; sắt thép với 83,7 triệu USD, tăng 65,7% cùng kỳ năm trước.
Nông sản tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu sang Thái Lan. Tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông - thủy sản đạt 266,3 triệu USD, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cà phê nổi bật với kim ngạch 86,7 triệu USD, tăng 46%.
Mặc dù hạt điều giảm nhẹ 0,3% so với cùng kỳ với giá trị xuất khẩu đạt 15,4 triệu USD, nhưng vẫn duy trì vị trí trong nhóm nông sản có kim ngạch cao.
Kim ngạch xuất khẩu rau quả từ Việt Nam sang Thái Lan đạt 57,3 triệu USD trong kỳ, giảm 2,8% so với cùng kỳ; hạt tiêu với 15 triệu USD, tăng 62% cùng kỳ năm trước...
Bên cạnh các mặt hàng truyền thống, nhiều nhóm hàng có giá trị gia tăng cao cũng ghi nhận mức tăng ấn tượng. Hóa chất đạt 37,7 triệu USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước (106%). Đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng tới 206%, đạt 9,7 triệu USD phản ánh tiềm năng của các ngành hàng tinh chế, kỹ thuật cao.
Bên cạnh các tín hiệu tích cực, một số mặt hàng xuất khẩu ghi nhận mức sụt giảm mạnh như thủy tinh và sản phẩm từ thủy tinh (giảm 89,9%, còn 2,44 triệu USD), chất dẻo nguyên liệu (giảm 59,4%, đạt 22,2 triệu USD) và sản phẩm hóa chất (giảm 68,6%, còn 41,2 triệu USD). Các mức giảm này phần nào cho thấy thách thức về giá cả, chi phí logistics cũng như cạnh tranh từ các đối thủ trong khu vực.
Ý kiến ()