Đôi điều từ một cái tên
Lâu nay, mỗi khi nhắc đến một trong những “kiệt tác” của tự nhiên trên Vịnh Hạ Long là hòn Gà Chọi, người ta luôn phải “mở ngoặc”: Hay còn gọi là hòn Trống Mái. Hoặc ngược lại, khi gọi nó là hòn Trống Mái thì phải chua thêm: Hay còn gọi là hòn Gà Chọi!
Một sự vật mà có hai, thậm chí tới ba, bốn tên gọi cũng là chuyện bình thường trong ngôn ngữ; nhất là với tiếng Việt, một ngôn ngữ nặng về sắc thái biểu cảm, thì lại càng hay xảy ra hiện tượng này. Chỉ là một ngôi chùa, một đình, miếu v.v.. nhưng bên cạnh cái tên nôm na, dân dã, lại có cả “tên chữ” theo Hán - Việt v.v.. Và chẳng ai bận tâm rằng tên nào thì đúng, tên nào thì sai cả. Vấn đề là sử dụng chúng trong từng hoàn cảnh như thế nào cho phù hợp mà thôi!
Nhưng với tên gọi hòn Gà Chọi (hay Trống Mái) thì có phần hơi khác một chút! Bản thân tên gọi hòn Gà Chọi hay hòn Trống Mái đều là theo cách gọi dân dã, mô phỏng hình dáng của đảo; tự nó không có sự phân biệt về sắc thái biểu cảm kiểu như “tên nôm” và “tên chữ” của các đình, chùa v.v.. Ai gọi như thế nào cũng được, chỉ là theo thói quen. Tuy nhiên, dẫu chưa có một khảo sát thống kê cụ thể, nhưng tôi dám chắc, cả trong đời sống sinh hoạt cũng như trong văn nghệ, nhất là trong ca dao, dân ca v.v.. của ngư dân các làng chài trên Vịnh Hạ Long, cái tên gọi hòn Gà Chọi được dùng phổ biến hơn là Trống Mái. Điều này cũng dễ hiểu, bởi nếu theo tượng hình, rõ ràng 2 hòn đảo giống 2 chú gà đang chọi hơn là đang... yêu nhau!
Chuyện sẽ chẳng đáng bận tâm nếu đây không phải là một “kiệt tác” của tự nhiên như đã nói ở trên. Vì là “kiệt tác” nên hình ảnh và tên gọi của nó lâu nay vẫn hay được dùng như một biểu tượng cho Vịnh Hạ Long. Và thế là nẩy sinh “mâu thuẫn”; có người cho cái tên gọi hòn Gà Chọi có vẻ “hiếu chiến”, có vẻ “thích đấu đá”... nên phải gọi là hòn Trống Mái mới hay, mới thể hiện “sự lãng mạn, huyền ảo” của thắng cảnh Hạ Long v.v.. và v.v.. Theo tôi, đó chỉ là cách suy diễn khiên cưỡng. Chất thơ, sự lãng mạn của Hạ Long đâu phải thể hiện ở cái tên gọi; chưa kể nét kiêu hùng của “hai chú gà trống” mà thiên nhiên tạo tác ra giữa mênh mông sóng nước, càng ngắm càng thấy sinh động, càng thấy thú vị. (Không biết có chủ quan không, nhưng thực sự tôi không thể nào liên tưởng nổi đây là 2 “cặp uyên ương gà” đang... yêu nhau!). Nói cách khác, dân gian đã gọi thế nào, xin hãy giữ như thế, đừng nên suy diễn, áp đặt theo “lối nghĩ thời nay” một cách khiên cưỡng...
Nhân dịp đang có cuộc thi sáng tác biểu tượng cho du lịch Quảng Ninh nói chung, Vịnh Hạ Long nói riêng, xin lạm bàn đôi điều từ một cái tên. Nếu có gì chưa tới, xin được chỉ giáo!
Trung Luận
Ý kiến ()