
Phụ nữ làm kinh tế giỏi
Hội phụ nữ các cấp tỉnh thực sự trở thành cầu nối vững chắc, đồng hành cùng hội viên trong tiếp cận các nguồn lực, chuyển giao khoa học kỹ thuật, phát triển mô hình kinh tế, góp phần nâng cao đời sống gia đình và cộng đồng.
Xác định hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, các cấp hội phụ nữ tỉnh chủ động nắm bắt nhu cầu của hội viên, làm cầu nối giữa hội viên với các nguồn lực, như vốn vay ưu đãi, chuyển giao kỹ thuật, xây dựng mô hình sinh kế phù hợp. Không dừng lại ở việc hỗ trợ về vật chất, Hội còn kịp thời động viên, tư vấn, hướng dẫn giúp chị em từng bước vượt qua khó khăn, chủ động vươn lên làm giàu chính đáng.
Câu chuyện vượt khó vươn lên làm giàu của chị Đỗ Thị Lợi (thôn Chợ, xã Thống Nhất) với mô hình chăn nuôi bò sinh sản, là một điển hình. Cách đây 5 năm, gia đình chị còn gặp không ít khó khăn. Chị quyết tâm xây dựng mô hình chăn nuôi bò sinh sản, ban đầu chỉ với 3 cặp bò mẹ con. Chị đã chủ động tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi, tận dụng tối đa nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương.
Những ngày đầu chị không tránh khỏi khó khăn do chưa am hiểu về vốn, giống, kỹ thuật chăn nuôi, giá cả thị trường biến động. Với tinh thần kiên trì học hỏi, tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, đặc biệt qua Hội LHPN xã làm cầu nối, chị Lợi đã nhiều lần được vay nguồn vốn hỗ trợ của Ngân hàng CSXH. Sau 5 năm, đàn bò của gia đình đã phát triển lên 50 con; mỗi năm mang lại nguồn thu nhập trên 200 triệu đồng. Nhờ đó cuộc sống của gia đình chị ngày càng nâng cao, con cái được học hành đầy đủ.
Trên địa bàn xã Thống Nhất còn nổi bật với các mô hình kinh tế vườn đồi, tiêu biểu là trang trại của chị Trần Thị Vân (thôn Đình). Với diện tích 3ha đất vườn đồi, chị Vân phát triển các loại cây ăn quả thanh long ruột đỏ, vải, ổi, bưởi da xanh, na, là những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương.
Nhờ chăm chỉ lao động, áp dụng tốt các kỹ thuật trồng và chăm sóc cây, vườn cây của chị Vân cho thu hoạch ổn định, lãi từ 150-200 triệu đồng/năm. Chị Vân còn tạo việc làm thường xuyên cho 3-5 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định. Mô hình kinh tế vườn tổng hợp của chị Vân không chỉ giúp gia đình vươn lên làm giàu chính đáng, mà còn trở thành địa chỉ tin cậy để nhiều hội viên phụ nữ trong xã đến tham quan, học hỏi, làm theo.
Một tấm gương khác là chị Vũ Thị Huyền (thôn Đồng Ý, phường An Sinh). Nhiều năm qua chị Huyền phát triển vườn na hơn 1ha, mang lại thu nhập từ 200-300 triệu đồng/năm. Bão Yagi năm 2024 khiến 1/3 diện tích vườn bị gãy đổ, chị vẫn không nản chí. Chị kiên trì khôi phục, chăm sóc diện tích còn lại và đầu tư trồng mới, cùng với sự hỗ trợ của hội phụ nữ các cấp, đến nay vườn na của chị đã hồi phục, tiếp tục cho thu nhập ổn định.

Những kết quả đạt được từ phong trào phụ nữ phát triển kinh tế không chỉ giúp chị em cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống, mà còn góp phần nâng cao vị thế phụ nữ trong gia đình và xã hội; nhiều chị trở thành trụ cột kinh tế của gia đình, tự tin tham gia các hoạt động cộng đồng, tích cực đóng góp xây dựng quê hương.
Ý kiến ()