
Tận dụng thời cơ để phát triển bứt phá
"Tận dụng thời cơ, khai thác dư địa để phát triển" không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành phương châm hành động xuyên suốt của tỉnh thời gian qua; càng trở nên đặc biệt khi triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Quyết liệt, chủ động từ sớm
Ngày 16/6/2025 Quốc hội bấm nút thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), chính thức xác lập mô hình 2 cấp hành chính (tỉnh và xã) từ ngày 1/7/2025. Đây được coi là dấu mốc quan trọng, tạo bước ngoặt về cải cách tổ chức bộ máy hành chính trong cả nước. Đứng trước ngưỡng cửa lịch sử, Quảng Ninh là một trong những địa phương đầu tiên triển khai vận hành thử nghiệm sớm mô hình này. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch chi tiết, sắp xếp lại 171 xã, phường, thị trấn còn 54 đơn vị hành chính (30 phường, 22 xã, 2 đặc khu). Đây không đơn thuần là một cuộc sắp xếp lại địa giới hành chính hay tinh giản biên chế, mà thực chất là bước cải cách căn cơ về quản trị địa phương, nhằm mở ra không gian phát triển mới, trao quyền và trách nhiệm lớn hơn cho cấp xã, đồng thời khẳng định tầm nhìn chiến lược “phát triển nhanh và bền vững” mà tỉnh đã kiên trì theo đuổi nhiều năm qua.
Trước hết, cần nhìn nhận rõ bối cảnh và yêu cầu cấp bách của công cuộc cải cách. Quảng Ninh có địa hình phức tạp, trải dài hơn 250km bờ biển, nhiều vùng núi, hải đảo, biên giới cả trên đất liền và trên biển với Trung Quốc. Trong nhiều năm, các đơn vị hành chính cấp xã bị chia nhỏ, manh mún, dẫn đến bộ máy cồng kềnh, ngân sách phân tán, quy hoạch thiếu đồng bộ, năng lực quản trị địa phương bị giới hạn. Theo thống kê của UBND tỉnh, trước khi sáp nhập, toàn tỉnh có 171 xã, phường, thị trấn với hơn 2.700 CBCC cấp xã, trong đó có không ít địa phương chỉ quản lý vài nghìn dân nhưng lại phải duy trì đủ bộ máy lãnh đạo, gây lãng phí ngân sách và nguồn nhân lực.

Vì vậy, từ trước khi Quốc hội chính thức thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) ngày 16/6/2025, cho phép tổ chức mô hình chính quyền 2 cấp, Quảng Ninh đã chủ động lập kế hoạch chi tiết, nhanh chóng triển khai. Chỉ trong nửa đầu năm 2025, tỉnh đã ban hành hàng loạt nghị quyết, kế hoạch, đề án cụ thể về sắp xếp địa giới hành chính, tổ chức bộ máy nhân sự, rà soát và sử dụng cơ sở vật chất công, chuẩn bị hạ tầng số cho chính quyền điện tử và dịch vụ công trực tuyến. Theo số liệu chính thức công bố tại lễ ra mắt mô hình mới ngày 30/6/2025, Quảng Ninh giảm được gần 68% số đơn vị hành chính cấp xã so với trước đây - một con số ấn tượng, thể hiện quyết tâm chính trị rất cao. Cùng với đó, tỉnh đặc biệt quan tâm đến bài toán sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất công sau sáp nhập. Hơn 500 trụ sở xã, phường cũ được rà soát; 228 trụ sở được giữ lại làm trụ sở xã, phường mới; 148 trụ sở chuyển đổi cho nhu cầu dân sinh như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa cộng đồng. Gần 124 khu đất công được đưa vào kế hoạch đấu giá, dự kiến thu về hàng nghìn tỷ đồng ngân sách để tái đầu tư hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị, nâng cao chất lượng sống của người dân.
Những địa phương hợp nhất không chỉ có diện tích lớn hơn, mà còn tập trung hóa dân cư, nguồn lực, ngân sách, bộ máy lãnh đạo, tiết kiệm ngân sách chi thường xuyên để dành nguồn lực rất đáng kể tái đầu tư cho phát triển hạ tầng, dịch vụ công và các lĩnh vực dân sinh. Sở Nội vụ đã phối hợp Ban Tổ chức Tỉnh ủy sắp xếp lại gần 2.800 vị trí việc làm của CBCC cấp xã cũ, đảm bảo nguyên tắc “đúng người, đúng việc, đúng vị trí”. Đồng thời giải quyết chế độ nghỉ việc, chuyển ngành, bố trí lại phù hợp vị trí công việc xong trước ngày 30/6/2025.
Quảng Ninh là một trong những tỉnh đi đầu trong xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số ở cấp xã. 54 xã, phường, đặc khu mới đều vận hành hệ thống quản lý đất đai, hộ tịch, thuế, đầu tư công… qua phần mềm tập trung, kết nối Cổng Dịch vụ công quốc gia. 18 lớp tập huấn cho gần 2.000 lượt cán bộ đã được tổ chức trong tháng 5 và 6/2025, giúp cán bộ xã mới nắm vững quy trình, nhiệm vụ và quyền hạn theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi. Điều này cho thấy cải cách chính quyền 2 cấp không chỉ là chuyện “gộp xã, giảm biên chế”, mà thực sự đã tạo ra một cách thức quản trị địa phương hiện đại hơn, gần dân hơn và minh bạch hơn. Quyền hạn được phân cấp mạnh cho cấp xã với hơn 1.000 nhóm nhiệm vụ trước đây thuộc cấp huyện, đã trao cho chính quyền cơ sở vai trò “chính quyền thực thi” thay vì chỉ là “cánh tay nối dài” của cấp huyện.

Quảng Ninh đã chuẩn bị một cách bài bản, công phu và quyết liệt cho cuộc cải cách lớn nhất về tổ chức chính quyền cấp xã trong nhiều thập kỷ. Tỉnh đã không chỉ thực hiện sáp nhập trên giấy tờ, mà biến nó thành cơ hội để xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và tạo ra không gian phát triển rộng lớn, đồng bộ và hiện đại hơn cho tương lai. Điều làm nên thành công bước đầu của mô hình này ở Quảng Ninh là quyết tâm chính trị rất cao và sự chuẩn bị công phu, bài bản của cả hệ thống chính trị từ tỉnh xuống xã, phường.
Không chỉ là thành tích hành chính, mà còn phản ánh quyết tâm rất rõ ràng của Quảng Ninh: Giảm chi phí quản trị để dành nguồn lực đầu tư phát triển; mở rộng không gian địa giới cho các đơn vị cấp xã để quản lý thống nhất hơn, đồng bộ hơn, trao quyền và trách nhiệm lớn hơn cho chính quyền cấp xã. Đây chính là bước chuyển căn cơ để mở ra không gian phát triển rộng lớn hơn cho từng đơn vị hành chính, xây dựng bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn hơn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, hiện thực hóa khát vọng phát triển nhanh và bền vững, khai thác triệt để dư địa của địa phương trong bối cảnh mới.
Cơ hội phát triển mới
Nằm ở cửa ngõ phía Tây của tỉnh, phường Hoàng Quế được kỳ vọng là động lực phát triển kinh tế đa ngành của cả khu vực, với những tiềm năng, lợi thế không thể phủ nhận đến từ dư địa phát triển của những xã, phường cũ trước đây. Các phường cũ: Hoàng Quế, Yên Đức, Hồng Thái Đông và Hồng Thái Tây có vị trí liền kề nhau, với nhiều điểm tương đồng về văn hóa, lịch sử và đời sống kinh tế - xã hội. Trong đó, phường Hoàng Quế có truyền thống phát triển công nghiệp - dịch vụ; Hồng Thái Đông và Hồng Thái Tây là vùng trồng trọt và chăn nuôi trọng điểm; trong khi Yên Đức nổi bật với tiềm năng du lịch cộng đồng. Sau khi sáp nhập 4 đơn vị hành chính cũ thành một phường mới, Hoàng Quế có diện tích 63,8km², dân số gần 32.000 người. Phường nằm trên trục giao thông kết nối Hải Dương - Quảng Ninh, gần CCN Hoàng Quế - Yên Thọ - Mạo Khê, mở ra cơ hội phát triển công nghiệp, dịch vụ, thương mại và nông nghiệp công nghệ cao.

Với định hướng phát triển kinh tế toàn diện, bền vững và khai thác hiệu quả các tiềm năng sẵn có, phường Hoàng Quế đặt mục tiêu trong năm 2025 đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 14,8% trở lên. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, trong đó khu vực nông - lâm - ngư nghiệp chiếm khoảng 20%; CN và TTCN chiếm 36,6%; dịch vụ - thương mại chiếm 43,4%; thu nhập bình quân đạt từ 128,6 triệu đồng/người/năm trở lên. Đây là những chỉ tiêu mang tính đột phá, thể hiện quyết tâm của chính quyền và nhân dân phường Hoàng Quế trong việc nâng cao chất lượng tăng trưởng, cải thiện đời sống, xây dựng địa phương phát triển theo hướng đô thị hiện đại, năng động.
Cũng là một trong những điểm nhấn ở khu vực phía Tây của tỉnh, phường Uông Bí sau sáp nhập được định hướng trở thành hình mẫu cho cách thức một đô thị lõi tận dụng mô hình chính quyền 2 cấp để bứt phá mạnh mẽ về dịch vụ - thương mại. Được thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 phường Quang Trung, Thanh Sơn, Yên Thanh, 3 khu dân cư Đền Công 1, Đền Công 2, Đền Công 3 của phường Trưng Vương (cũ), phường Uông Bí mới có diện tích 50,1km², dân số trên 59.800 người (mật độ 1.198 người/km²). Đây là một trong những phường có quy mô dân cư lớn nhất tỉnh sau khi sắp xếp, là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội của khu vực phía Tây Quảng Ninh.

Ngay sau khi chính thức đi vào vận hành theo mô hình chính quyền 2 cấp, phường Uông Bí đã xác định mục tiêu chiến lược rất rõ ràng: Xây dựng phường thành đô thị trung tâm giàu đẹp, văn minh, hiện đại, có dịch vụ - thương mại phát triển vượt trội, trở thành động lực lan tỏa cho toàn vùng. Việc sáp nhập các phường và triển khai chính quyền 2 cấp đã tạo điều kiện để phường có đủ tiềm lực và quyền hạn trở thành đầu tàu dịch vụ - thương mại của khu vực phía Tây tỉnh, đồng thời giảm chi phí quản trị, tạo ra sự đồng bộ trong đầu tư phát triển và chỉnh trang đô thị. Phường sẽ nỗ lực tận dụng tốt lợi thế sẵn có của khu đô thị hiện hữu trung tâm phía Tây của tỉnh với các khu vực trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí… để đa dạng hóa các sản phẩm thương mại, dịch vụ; thúc đẩy phát triển thêm các loại hình mới bên cạnh các loại hình thương mại, dịch vụ truyền thống nhằm tăng giá trị gia tăng. Nhiều nhiệm vụ vốn trước đây phải chờ cấp huyện quyết định, sẽ nhanh chóng được triển khai trên địa bàn phường trong tương lai, nhờ không gian hành chính mở rộng và bộ máy được trao quyền mạnh mẽ hơn.
Ở khu vực phía Đông của tỉnh, phường Cẩm Phả thực sự là địa bàn trung tâm mới với đầy đủ tiềm năng, lợi thế, dư địa và cơ hội rộng mở. Được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các phường Cẩm Trung, Cẩm Thành, Cẩm Tây, Cẩm Bình, Cẩm Đông, Cẩm Phả tuy tổng diện tích chỉ có 17,52km², nhưng quy mô dân số hơn 61.500 người. Cùng với các doanh nghiệp ngành Than, phường Cẩm Phả có tới hơn 700 doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, gần 3.000 hộ kinh doanh cá thể cùng nhiều cửa hàng tiện ích, siêu thị, tổ hợp kinh tế phát triển mạnh mẽ. Đây cũng là địa bàn hội tụ cả đô thị trung tâm lẫn các khu dân cư ven biển, ven núi và các tuyến giao thông huyết mạch nối Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái… Với mô hình chính quyền 2 cấp đã chính thức đi vào vận hành, phường Cẩm Phả có thể tự quyết định, tự chịu trách nhiệm và tự phát triển. Bộ máy gọn hơn, ngân sách tập trung hơn, diện tích rộng hơn tạo điều kiện để kêu gọi đầu tư lớn, xóa bỏ chia cắt hành chính, hình thành một trung tâm dịch vụ - công nghiệp - du lịch biển quy mô của Quảng Ninh.
Nếu như phường Cẩm Phả là đại diện cho mô hình đô thị công nghiệp - dịch vụ ven biển phía Đông, thì xã Quảng Đức lại minh họa cho cách một vùng biên giới, miền núi tận dụng mô hình 2 cấp để bứt phá nhờ kinh tế cửa khẩu, biên mậu kết hợp với đảm bảo vững chắc an ninh - quốc phòng. Sau khi sắp xếp lại địa giới và tổ chức bộ máy, xã Quảng Đức có diện tích 131km², dân số hơn 12.000 người. Đặc biệt, toàn bộ KKT Cửa khẩu Bắc Phong Sinh với diện tích trên 9.300ha nằm trọn trong địa giới hành chính của xã. Hợp nhất đã giúp Quảng Đức thống nhất quản lý toàn bộ hành lang kinh tế cửa khẩu, KKT Cửa khẩu Bắc Phong Sinh (đang được Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch). Đây là KKT được định hướng phát triển trở thành KKT cửa khẩu quốc tế năng động, thông minh, phát triển các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, logistics và công nghiệp phụ trợ; có sự gắn kết chặt chẽ với các KKT cửa khẩu lân cận như Hoành Mô - Đồng Văn, Móng Cái và KCN Cảng biển Hải Hà.

Trong tầm nhìn đến năm 2030, xã Quảng Đức xác định kinh tế cửa khẩu là “đòn bẩy then chốt” để chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ sang công nghiệp - dịch vụ. Dự thảo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2025-2030 định hướng phát triển mạnh các ngành thương mại, dịch vụ logistics, công nghiệp phụ trợ và sản xuất gắn với hoạt động XNK. Theo đó, phấn đấu đưa tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ chiếm hơn 70% tổng giá trị; thu nhập bình quân đầu người đạt tối thiểu 110 triệu đồng/năm... Để biến tiềm năng thành hiện thực, Quảng Đức xác định bài toán hạ tầng là mấu chốt. Trong nhiệm kỳ tới, xã sẽ ưu tiên nguồn lực đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khu vực cửa khẩu, gồm: Đường gom cửa khẩu, hệ thống cấp thoát nước, điện lưới, hạ tầng số, trung tâm kiểm dịch, nhà làm việc liên ngành, kho ngoại quan, dịch vụ tài chính ngân hàng. Bên cạnh đó, tiếp tục vận hành ổn định Lối thông quan Bắc Phong Sinh - Lý Hỏa, mở rộng thời gian thông quan, chủng loại hàng hóa được phép XNK, đồng thời thúc đẩy các cơ chế hợp tác song phương với phía Trung Quốc nhằm nâng cao hiệu suất cửa khẩu… Qua đó xây dựng Quảng Đức trở thành một trong những trọng điểm phát triển kinh tế biên mậu ở miền Đông của tỉnh, thúc đẩy xuất nhập khẩu nông lâm sản, vật liệu xây dựng và hàng tiêu dùng sang Trung Quốc.
Nhìn vào từ các địa phương Hoàng Quế, Uông Bí, Cẩm Phả, Quảng Đức có thể thấy rõ mô hình chính quyền 2 cấp còn là công cụ mạnh mẽ để tỉnh “mở không gian phát triển” cho từng vùng miền. Những phường, xã hợp nhất đều có diện tích rộng lớn hơn, dân số tập trung hơn, bộ máy tinh gọn, chất lượng hơn, nguồn lực tập trung hơn; không gian phát triển trở nên liền mạch, đủ điều kiện để quy hoạch tổng thể, phát triển hạ tầng kết nối và quản trị địa phương tốt hơn... Các địa phương trên toàn địa bàn tỉnh giờ đây có đủ điều kiện để quy hoạch bài bản, kêu gọi đầu tư lớn, phát triển dịch vụ công hiện đại, đặc biệt là vận hành chính quyền số...

Tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự đồng lòng, chung sức của người dân và doanh nghiệp là những điều giúp Quảng Ninh tận dụng thời cơ, khai thác dư địa để bứt phá trong kỷ nguyên mới. Quảng Ninh đang đứng trước một thời cơ lớn chưa từng có để phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh dịch vụ - công nghiệp hiện đại, là cực tăng trưởng quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Trong đó, việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy theo mô hình chính quyền 2 cấp với nhiều điểm ưu việt chính là “chìa khóa” để Quảng Ninh khai thác triệt để dư địa phát triển, tận dụng tối đa thời cơ mới trong kỷ nguyên hội nhập sâu rộng, chuyển đổi số và phát triển xanh, bền vững. Đó cũng là minh chứng rõ ràng cho tầm nhìn xa, ý chí lớn và khát vọng vươn tầm mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ninh đã và đang cùng nhau vun đắp. Một Quảng Ninh mới rộng lớn hơn về không gian, đồng bộ hơn về quy hoạch, hiện đại hơn về quản trị và mạnh mẽ hơn về nội lực đang hình thành từng ngày trên nền móng vững chắc của cải cách chính quyền địa phương, sẵn sàng vươn mình trong kỷ nguyên mới.
Ý kiến ()