
Khi người dân là chiến sĩ
Phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới" ở các xã, phường biên giới tỉnh Quảng Ninh thời gian qua đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Người dân không chỉ đồng hành cùng lực lượng công an và biên phòng tuần tra, kiểm soát, mà còn chủ động tham gia giữ gìn ANTT, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ nơi mình sinh sống.
Đồng hành cùng lực lượng chức năng

Chúng tôi đến thôn Phình Hồ (xã Hải Sơn) một ngày đầu tháng 7, giữa cái nắng gắt buổi trưa. Ông Choỏng Sao Chắn, người uy tín của thôn, đang cùng CBCS Đồn Biên phòng Bắc Sơn đi tuần tra dọc tuyến biên giới và 2 cột mốc 1358 và 1359 trên địa bàn, chia sẻ: "Mặc dù đã gần 60 tuổi nhưng từ khi Tổ tự quản đường biên, cột mốc của thôn được thành lập, tôi luôn tham gia tích cực với tâm niệm đóng góp một phần công sức cùng BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Đi làm rừng, tôi đều ghé qua cột mốc, dọn cỏ, kiểm tra xung quanh; thấy gì lạ là báo ngay cho BĐBP. Tổ tự quản của thôn gồm 5 thành viên, hằng tuần, hằng tháng tích cực tham gia cùng BĐBP tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc”.
Hình ảnh những người dân vừa đi rừng, vừa tranh thủ kiểm tra đường biên, cột mốc; cùng những chiến sĩ quân hàm xanh tuần tra phát quang, dọn đường biên, cột mốc đã trở nên quen thuộc trên tuyến biên giới xã Hải Sơn. Đó là biểu hiện của tinh thần trách nhiệm của mỗi người dân nơi đây.

Hàng chục năm nay, ông Lỷ A Chặng, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Lục Chắn (xã Hải Sơn), luôn kiên trì vận động bà con cùng tham gia bảo vệ đường biên, góp phần thay đổi bộ mặt an ninh thôn xóm. Cùng CBCS Đồn Biên phòng Pò Hèn đi tuần tra trên tuyến biên giới, ông Chặng tâm sự: Trước đây, khu vực biên giới thôn khá phức tạp về ANTT. Từ khi Tổ tự quản đường biên, cột mốc của thôn được thành lập, thường xuyên tham gia cùng BĐBP tuần tra, bảo vệ biên giới; tuyên truyền cho người dân khu vực biên giới các quy định của Nhà nước về biên giới, đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là vận chuyển hàng hóa, xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới. Giờ đây Lục Chắn trở thành điểm sáng về tinh thần cảnh giác, tự quản".
Ông Chặng luôn là người bạn thân thiết, là "cánh tay nối dài" của Đồn Biên phòng Pò Hèn, cùng tuần tra, tuyên truyền, hành động. Trung tá Nguyễn Thế Cường, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pò Hèn, cho biết: “Ông Chặng là điểm tựa của phong trào tự quản đường biên, cột mốc. Ông giúp lan tỏa ý thức bảo vệ biên giới đến từng hộ dân trong thôn, xã”.
Các xã biên giới khác, như Vĩnh Thực, Móng Cái 1, Móng Cái 2, Quảng Đức, Hoành Mô…, phong trào được triển khai sâu rộng. Các mô hình tự quản đường biên, cột mốc, an ninh tự quản trên biển được triển khai hiệu quả, thu hút đông đảo người dân tham gia; trong đó người uy tín tại các thôn, bản có vai trò đặc biệt quan trọng.
Ông Phoòng Nhục Phí (người Dao, thôn Nà Lý, xã Quảng Đức), nguyên Bí thư Đảng ủy xã, dù đã 68 tuổi vẫn không nghỉ ngơi. Ngày ngày ông cùng dân quân tuần tra biên giới, vừa phát quang đường mòn, vừa giải thích, vận động bà con tránh mê tín, giữ gìn thuần phong mỹ tục. Ông cũng là người đi đầu trong phát triển kinh tế bằng mô hình trồng keo, sắn, chăn nuôi, giúp thôn Nà Lý giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo.

Tại bản Nà Sa (xã Hoành Mô), gia đình ông Voòng Phúc Hiệp là một trong những hộ đầu tiên tham gia Tổ tự quản đường biên, cột mốc của bản ngay từ ngày thành lập. Ông cùng các thành viên trong Tổ tích cực cùng BĐBP và người dân tham gia tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc, để tuyến biên giới nơi đây luôn ổn định, không để xảy ra vi phạm.
Thượng tá Nguyễn Thanh Hoàng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoành Mô, cho biết: Đơn vị đã phối hợp với nhân dân xây dựng thế trận phòng chống buôn lậu, vận chuyển hàng trái phép. Từng đoạn đường, từng bờ rào biên giới đều có người dân bảo vệ, góp phần không nhỏ vào công tác quản lý hơn 43km đường biên giới do đơn vị quản lý. Các mô hình tự quản đường biên, cột mốc không chỉ là biểu hiện của tinh thần yêu nước, mà còn là cách xây dựng thế trận lòng dân vững chắc.

Ở xã Vĩnh Thực, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Vạn Gia đã tham mưu thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả của các tổ dân quân thường trực, tổ tự quản an ninh trên biển... Nhờ đó “Thế trận biên phòng toàn dân được siết chặt, gắn với thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân”, Trung tá Trần Đại Dương, Chính trị viên đơn vị, cho biết. Hiện Đồn duy trì 7 tổ tự quản ANTT với 55 thành viên, 4 tổ tàu thuyền đoàn kết với 42 phương tiện.
Đang cùng các thành viên Tổ tự quản ANTT của thôn và Công an xã đi kiểm tra tình hình ANTT tại khu neo đậu tàu, thuyền của xã, ông Hứa Thanh Bình, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 2 (xã Vĩnh Thực), chia sẻ: “Tổ tự quản ANTT của thôn chú trọng phòng ngừa là chính; ban đêm tuần tra, ban ngày tuyên truyền. Người dân xã đảo luôn nhận thức rõ giữ an ninh là giữ nhà mình, bảo vệ biên giới là bảo vệ Tổ quốc”.
Nhiều mô hình, hành động thiết thực
Quảng Ninh có hơn 118km đường biên trên bộ, gần 200km biên giới biển. Địa bàn trải dài, dân cư phân tán, lại có nhiều dân tộc thiểu số nên công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới gặp không ít khó khăn.
Từ khi thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ "Về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới", phong trào nói chung, các mô hình tự quản đường biên, cột mốc nói riêng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thể hiện rõ qua sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.

Từ năm 2020 đến nay, BĐBP Quảng Ninh đã phối hợp tổ chức hơn 1.800 buổi tuyên truyền pháp luật, thu hút hơn 61.000 lượt người tham gia; phối hợp cùng chính quyền địa phương thành lập và duy trì 497 tổ tự quản đường biên, cột mốc với gần 5.600 thành viên đang ngày đêm cùng BĐBP “gác cổng” cho sự bình yên biên cương. Những mô hình như “Tổ tự quản đường biên, cột mốc”, “Tổ tàu thuyền an toàn”, “Bến bãi bình yên”… ngày càng phát huy hiệu quả. Nhiều già làng, trưởng bản, người có uy tín đã trở thành “cánh tay nối dài” của Đảng, chính quyền, BĐBP trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là các quy định về biên giới đến gần dân, giúp dân hiểu đúng, làm đúng.
Nhân dân vùng biên không chỉ tích cực phối hợp với lực lượng biên phòng trong tuần tra, phát hiện, tố giác tội phạm, mà còn nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, xây dựng khu vực biên giới ổn định, hòa bình, hữu nghị. Nhờ sự đồng thuận và tinh thần trách nhiệm cao của người dân, tình hình ANTT, chủ quyền lãnh thổ trên tuyến biên giới Quảng Ninh được giữ vững.

Mô hình tự quản đường biên, cột mốc tại các địa phương biên giới của tỉnh đã trở thành biểu tượng của tinh thần tự giác, đoàn kết, gắn bó máu thịt giữa nhân dân với LLVT nơi biên giới. Sự chuyển mình của một dải biên giới yên bình, trù phú hôm nay là kết quả từ những bước chân không mỏi, những trái tim không ngơi nghỉ của hàng nghìn “cột mốc sống” nơi biên cương. “Mỗi khi đặt tay lên cột mốc biên giới, tôi thấy mình càng phải có trách nhiệm hơn trong bảo vệ đường biên, cột mốc”, ông Lỷ A Chặng nói. Ông đã cùng hàng nghìn người dân khác đang từng ngày, từng giờ hành động không mệt mỏi cùng BĐBP giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia trong từng hơi thở.
Ý kiến ()