
Đẩy mạnh tiết kiệm, chống lãng phí theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Không chỉ là tấm gương sáng, mẫu mực trong thực hành tiết kiệm, mà trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc tiết kiệm, chống lãng phí để tăng gia sản xuất, tích trữ thêm vốn cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Cụ thể hoá tư tưởng của Người, những năm qua tỉnh Quảng Ninh luôn quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mọi lĩnh vực của đời sống. Từ đó, góp phần phát huy cao nhất mọi nguồn lực hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân...
Kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn xác định đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kết luận về phòng, chống lãng phí.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Ban Bí thư (khóa XI) ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Bộ Chính trị (khóa XIII) ban hành Chỉ thị 27-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh: Trước yêu cầu tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác phòng, chống lãng phí đang đứng trước yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị liên quan đến nội dung này, trong đó nổi bật là Chỉ thị số 23-CT/TU về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cùng với đó, yêu cầu đội ngũ cán bộ chủ chốt toàn tỉnh, các sở, ngành, địa phương quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội, của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Chú trọng xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể để thực hiện công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phân công, phân cấp cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị, từng cán bộ, công chức, viên chức, gắn với công tác kiểm tra, đánh giá thường xuyên, đảm bảo việc thực hiện hiệu quả, có chất lượng; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
UBND tỉnh cũng đẩy mạnh thực hiện các nhóm giải pháp trong chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ và tỉnh giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tỉnh đã thực hiện cơ cấu lại các khoản chi ngân sách, yêu cầu sử dụng có hiệu quả ngay từ khâu phân bổ và trong quá trình quản lý, điều hành ngân sách; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công...
Đặc biệt, quan tâm cắt, giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, triệt để cắt, giảm chi thường xuyên, nhất là chi mua sắm công, đi công tác, để dành chi cho đầu tư phát triển, nhất là các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, thiết yếu; tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công, triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động, đổi mới quản trị, công nghệ, cơ cấu lại sản phẩm, ngành, nghề, cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh; triển khai phương án sắp xếp lại, xử lý toàn bộ tài sản công, trụ sở làm việc không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích, không để lãng phí, thất thoát tài sản của Nhà nước.
Quảng Ninh cũng đã triển khai công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi quản lý của tỉnh, phân công nhiệm vụ cụ thể, chi tiết cho các cơ quan, đơn vị, địa phương; tính đến nay đã thực hiện sắp xếp 801/1.002 cơ sở, đạt 79,94% kế hoạch. Tiến hành rà soát, thanh tra, kiểm tra toàn diện công tác giao đất, cho thuê đất, quản lý đất rừng, đất nuôi trồng thủy sản hộ gia đình, cá nhân; rà soát, xử lý các dự án đầu tư có sử dụng đất, mặt nước chậm tiến độ, vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường công khai, minh bạch hoạt động công vụ, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cải cách hành chính, nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ CBCCVC; thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch trong tiếp nhận, giải quyết TTHC, cắt giảm tối đa TTHC, thời gian xử lý, tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, xóa bỏ cơ chế “xin - cho”. Triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương, chỉ đạo của Trung ương về sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, giảm tổ chức bên trong, bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; điều chuyển, thay thế những CBCCVC có năng lực yếu kém, vi phạm kỷ luật, kỷ cương, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc.
Đến nay, tỉnh đã hoàn thành việc kiện toàn tổ chức của 100% sở, ngành theo quy định; ban hành kế hoạch tinh giản biên chế, số lượng người làm việc hưởng lương ngân sách, đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2023-2026. Trong cải cách TTHC, môi trường đầu tư, kinh doanh, các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên cập nhật TTHC, đơn giản hóa quy trình, cắt giảm thời gian giải quyết TTHC từ 30% đến 60%. Hiện toàn tỉnh có hơn 9.000 doanh nghiệp, tổ chức đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử.
Với những giải pháp căn cơ, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong giai đoạn 2022-2024, các cấp ngân sách đã bổ sung 8.912 tỷ đồng chi đầu tư công từ các nguồn tiết kiệm chi thường xuyên, tăng thu, kết dư, nguồn tài chính hợp pháp khác (năm 2021 trước khi ban hành Chỉ thị số 23-CT/TU tiết kiệm 1.776 tỷ đồng), đảm bảo tỷ lệ chi đầu tư phát triển trên tổng chi ngân sách địa phương trên 55% theo kế hoạch. Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính với các đơn vị sự nghiệp công lập (tổng số đơn vị được giao tự chủ tài chính đến nay là 330 đơn vị, tăng 271 đơn vị so với trước khi Chỉ thị số 23/CT-TU ban hành). Tổng số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách giao năm 2024 là 22.992 người, giảm 978 người so với số giao năm 2022 (trước khi ban hành Chỉ thị số 23-CT/TU là 23.970 người)…
Ý kiến ()