20
18
/
963706
Xây dựng Quảng Ninh giàu đẹp từ thực hiện 3 đột phá chiến lược
longform
Xây dựng Quảng Ninh giàu đẹp từ thực hiện 3 đột phá chiến lược

 

 

Sinh thời, Bác Hồ đã dành cho cán bộ, đảng viên, quân và dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh những tình cảm vô cùng sâu sắc. Dù công việc bận rộn, nhưng Bác vẫn dành thời gian để về thăm Quảng Ninh nhiều lần. Sự ân cần, chỉ bảo của Người trong mỗi lần về thăm đã và sẽ mãi là kim chỉ nam soi rọi trong hành trình phát triển của tỉnh. Nhớ lời Bác dạy năm xưa “Xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh giàu đẹp” và thực hiện di chúc của Người, cán bộ, đảng viên, quân và dân các dân tộc tỉnh qua các thế hệ đã cùng nhau nỗ lực, vượt nhiều khó khăn, thử thách, xây dựng tỉnh ngày càng phát triển. Trong đó, những thành tựu trong thực hiện 3 đột phá chiến lược của tỉnh cho đến thời điểm này có thể coi là đóa hoa tươi thắm kính dâng lên Người...

 

Theo đánh giá của Trung ương, trong thực hiện 3 đột phá chiến lược, Quảng Ninh đã tạo dựng được một hình ảnh mới, năng động, dám nghĩ, dám làm, trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều địa phương trong cả nước tìm hiểu, học tập kinh nghiệm.

Từ sự nhận diện đúng tiềm năng, cơ hội cũng như thách thức trong quá trình phát triển, tỉnh đã xây dựng 3 đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế-xã hội, trọng tâm là: Phát triển kết cấu hạ tầng; xây dựng thể chế và cải cách hành chính; đào tạo nguồn nhân lực. Đáng chú ý, ở mỗi khâu đột phá, tỉnh đều có cách làm riêng, phù hợp với thực tiễn và dự báo được xu thế phát triển trong từng giai đoạn.

Cụ thể, trong phát triển hạ tầng, tỉnh đã mạnh dạn huy động và sử dụng các nguồn lực, tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông, du lịch, dịch vụ. 

 

Quảng Ninh là địa phương tiên phong trong việc đầu tư ngân sách của tỉnh (hoặc ứng vốn cho Trung ương) tập trung vào các dự án, công trình động lực có tính lan toả cao. Điển hình như: Cao tốc Hạ Long-Hải Phòng; Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn; cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Hạ Long - Mông Dương,... Tỉnh cũng là địa phương tiên phong triển khai đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Theo đó, từ năm 2013 đến nay, tỉnh đã có 44 dự án đầu tư về hạ tầng, tổng số vốn 47.000 tỷ đồng, tuy nhiên vốn Nhà nước tham gia chỉ chiếm 10% (chủ yếu tập trung cho công tác GPMB). Như vậy cứ 1 đồng ngân sách bỏ ra có thể huy động được từ 8,9 đồng từ khối tư nhân tham gia đầu tư vào Quảng Ninh.

Hay trong đột phá về xây dựng thể chế và cải cách hành chính, tỉnh đã chủ động, tích cực nghiên cứu, đề xuất với Trung ương hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách thông qua các đề án lớn. Trong đó có: Đề án “Phát triển KT-XH nhanh, bền vững; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh và thí điểm xây dựng hai đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Móng Cái” được Bộ Chính trị cho chủ trương tại Thông báo 108-TB/TW (từ năm 2012) với 7 nhóm cơ chế, chính sách. Đáng chú ý, “đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt” đã được đưa vào Hiến pháp năm 2013 và chương trình xây dựng luật của Quốc hội. Tỉnh mạnh dạn vận dụng hình thức PPP trong đầu tư xây dựng, vận hành các công trình, dự án lớn của tỉnh, góp phần làm cơ sở thực tiễn để Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Trong phát triển nguồn nhân lực, tỉnh chủ trương xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ. Hàng năm tỉnh đã dành nguồn lực thỏa đáng cho phát triển nguồn nhân lực theo Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực và Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện nguồn nhân lực tỉnh đến năm 2020”. Được biết, tổng kinh phí đề án giai đoạn 2015-2018 là 245,3 tỷ đồng. Thực hiện đào tạo, bồi dưỡng từ năm 2011-2015 đạt trên 23.000 lượt, từ 2016-2018 đạt 57.000 lượt cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý nhà nước, trong đó quan tâm đội ngũ cán bộ ở cơ sở (thôn, bản) theo hướng cầm tay chỉ việc cán bộ; tập trung cho lĩnh vực về ngoại ngữ, tiếng dân tộc, quốc phòng - an ninh, kỹ năng nghiệp vụ, chuyên môn...

Song song với đó, tỉnh đã lập, triển khai Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh và Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tập trung xây dựng Trường Đại học Hạ Long từ năm 2014 theo hướng đa ngành và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh.

 

Từ 3 đột phá chiến lược, Quảng Ninh đã có bước phát triển rất mạnh mẽ. Đến nay, tỉnh đã nằm trong nhóm các địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước (năm 2018 đạt 64% với 4 thành phố và 2 thị xã). Hạ tầng giao thông phát triển đẳng cấp với cao tốc, sân bay, cảng biển vươn tầm quốc tế, không chỉ đáp ứng cho nhu cầu phát triển địa phương giai đoạn hiện nay mà có lộ trình dài hơi cho những giai đoạn tiếp sau. Đô thị được chỉnh trang đồng bộ, văn minh, hiện đại, sáng - xanh - sạch đẹp - an toàn; hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông thuộc nhóm các tỉnh đi đầu cả nước; hạ tầng giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, y tế, văn hoá thể thao… được quan tâm đầu tư đồng bộ.

Năm 2018, Quảng Ninh đã đạt giải thưởng ASOCIO dành cho chính quyền số xuất sắc do Tổ chức Công nghiệp Điện toán Châu Á - Châu Đại Dương trao tặng; đứng đầu cả nước trong xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) năm 2017 và năm 2018. Tháng 2/2019, tỉnh đã làm việc với Tập đoàn FPT về định hướng xây dựng Chính quyền số cho tỉnh Quảng Ninh; tháng 4/2019, vận hành thử Trung tâm điều hành Thành phố thông minh cấp tỉnh. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) từ vị trí thứ 20 năm 2012  được nâng lên qua từng năm, năm 2017,2018 dẫn đầu toàn quốc…

Chất lượng chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2010 là 48% đến năm 2018 là 75,2%, dự kiến năm 2020 đạt 85% (thuộc top đầu cả nước). Sinh viên các hệ đào tạo tăng từ 293 người/vạn dân năm 2015 lên 380 người/vạn dân năm 2018; dự kiến năm 2020 đạt 450 người/vạn dân. Cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, theo hướng tăng dần cho khu vực dịch vụ. Về năng suất lao động giai đoạn 2011-2015 tăng 12,4%/năm, giai đoạn 2016-2018 tăng 12,6%/năm, dự kiến giai đoạn 2016-2020 tăng 11,6%/năm.

Chia sẻ kinh nghiệm của Quảng Ninh với các địa phương, Đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy đã khẳng định: Quảng Ninh luôn bám sát chỉ đạo của Trung ương, nhất là đối với những nhiệm vụ khó hoặc chưa có trong tiền lệ; có quyết tâm của cả hệ thống chính trị, trước hết là người đứng đầu, chủ động, tích cực, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Đối với những nhiệm vụ khó, mới hoặc chưa có trong tiền lệ đều được chỉ đạo tuyên truyền sâu rộng, tổ chức thực hiện quyết liệt bằng cách làm bài bản, khoa học; triển khai đến cùng trên cơ sở đảm bảo hiệu quả, hiệu lực; tạo niềm tin cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, cộng đồng các doanh nghiệp.

Khắc ghi lời dạy của Bác năm xưa, Quảng Ninh hôm nay đã có biết bao sự đổi thay kỳ diệu, trở thành sự tự hào của mỗi người dân đất Mỏ, là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư muốn phát triển dự án lớn, lâu dài và là địa chỉ du lịch hấp dẫn không thể thiếu cho du khách trong và ngoài nước. Từ sự đổi mới và sáng tạo không ngừng trong thực hiện 3 đột phá chiến lược, chắc chắn rằng trong tương lai, Quảng Ninh sẽ đạt được nhiều thành tựu hơn nữa.

Bài: Hồng Nhung

Ảnh: PV

Trình bày: Hùng Sơn

[links()]

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu