
Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao
Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh xác định “Tập trung phát triển nguồn nhân lực là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, lâu dài trong phát triển kinh tế - xã hội”. Thực hiện Nghị quyết Đại hội, những năm qua tỉnh đã triển khai đồng bộ công tác đào tạo, nhất là đào tạo nghề, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh có gần 700.000 người trong độ tuổi lao động, chiếm khoảng 50% dân số. Hằng năm có hàng nghìn người bước vào độ tuổi lao động. Hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thời gian qua các sở, ban, ngành và địa phương trong tỉnh đã tổ chức phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò quan trọng của nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, trong phát triển kinh tế - xã hội; tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Nhà nước về công tác đào tạo nghề, nhất là đối với lao động nông thôn, đối tượng chính sách, lao động thuộc hộ nghèo; đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS và THPT gắn với đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Tỉnh quan tâm dành nguồn ngân sách để đầu tư cho giáo dục đào tạo và dạy nghề; đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở dạy nghề; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên; đồng thời chỉ đạo thực hiện tốt công tác dạy nghề cho người lao động.
Toàn tỉnh hiện có 44 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và cơ sở tham gia hoạt động GDNN, gồm: 6 trường cao đẳng, 1 trường trung cấp, 13 trung tâm GDNN-GDTX; 2 trường đại học; 22 đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp có tham gia hoạt động GDNN. Đội ngũ giáo viên dạy nghề được tỉnh quan tâm, bổ sung về số lượng, nâng cao về chất lượng. Tổng số 2.017 giáo viên dạy nghề cơ hữu, dạy nghề tại các cơ sở GDNN; trong đó số nhà giáo đạt chuẩn là 1.904 người, chiếm 94,4%.
Các ngành nghề đào tạo ngày càng được mở rộng theo nhu cầu xã hội và được chú trọng nâng cao về chất lượng. Trên địa bàn tỉnh đang thực hiện đào tạo hơn 140 ngành, nghề theo 7 nhóm lĩnh vực chính, như: Mỏ - hỗ trợ nghề mỏ, vận hành, điện nước - sửa chữa - cơ khí, nông - lâm - ngư nghiệp, du lịch - dịch vụ, công nghệ thông tin và nghề khác. Trong đó có 19 ngành nghề thế mạnh của tỉnh được Trung ương xác định là ngành nghề trọng điểm (7 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế; 6 nghề cấp độ khu vực ASEAN; 15 nghề cấp độ quốc gia).
Hằng năm các cơ sở GDNN rà soát, đổi mới, hoàn thiện chương trình đào tạo, tăng cường biên soạn đề cương bài giảng, giáo trình phù hợp với đối tượng người học; chú trọng các giờ giảng thực hành, tích hợp; duy trì thường xuyên hoạt động dự giờ, tổ chức hội giảng cấp khoa, cấp trường và tích cực tham gia hội giảng cấp tỉnh. Để học viên tốt nghiệp nhanh chóng tiếp cận với thực tế, các trường luôn quan tâm đến các điều kiện thực hành, thực tập của người học; trang bị kỹ năng thành thạo và phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp; gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo và giải quyết việc làm.
Ở khu vực nông thôn, công tác đào tạo nghề gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, với nhiều nhóm nghề phù hợp với thị trường lao động… Các địa phương tích cực tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT; phát huy hiệu quả các trung tâm học tập cộng đồng; nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nghề, chuyển giao KHKT, góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.

Kết quả tuyển sinh đào tạo của các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh tăng hằng năm. Năm 2021 tổng quy mô tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh là 38.199 người, đến năm 2024 tăng lên 40.725 người, tăng chủ yếu ở các ngành nghề: Mỏ - hỗ trợ nghề mỏ, CNTT, điện nước - sửa chữa - cơ khí. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng lên từ 85,5% năm 2021 lên 87% năm 2024; trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 51%, luôn duy trì trong tốp 5 cả nước. Tỷ lệ lao động có việc làm hoặc có năng suất đạt cao, trong đó 4 năm liên tiếp (2020-2023) đứng đầu Vùng Đồng bằng sông Hồng. Tỷ lệ thất nghiệp liên tục giảm từ 3,29% năm 2020 còn 2,16% năm 2024, thấp hơn bình quân chung cả nước. Đặc biệt, trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động qua đào tạo ngày càng được cải thiện, góp phần nâng tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, lao động có việc làm qua đào tạo, đảm bảo cung ứng lao động tốt nhất cho doanh nghiệp để ổn định sản xuất, tạo doanh thu, giải quyết việc làm, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh.
Quảng Ninh hiện có quy mô nền kinh tế ngày càng lớn mạnh, nằm trong nhóm đứng đầu cả nước. Để đáp ứng yêu cầu giai đoạn đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới, đòi hỏi tỉnh phải có sự đột phá hơn nữa trong phát triển nguồn nhân lực. Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2030 dân số toàn tỉnh khoảng 2,64 triệu người; nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về trình độ, chất lượng phát triển giáo dục, đào tạo, một trong những trung tâm giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của vùng, tỉnh học tập tham gia mạng lưới thành phố/tỉnh học tập toàn cầu UNESCO. Thực hiện mục tiêu này, tỉnh đang tập trung xây dựng các nhóm giải pháp phát triển nguồn nhân lực phù hợp với giai đoạn phát triển mới. Trong đó xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực; tăng cường công tác quy hoạch đào tạo nghề; đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo; tăng cường liên kết với doanh nghiệp và thị trường lao động; thu hút đầu tư cho hạ tầng giáo dục, KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số… Tỉnh xác định nguồn lực đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực được tập trung vào các khâu trọng yếu nhất, then chốt nhất, không dàn trải; phát triển nguồn nhân lực phải đảm bảo tận dụng tối đa nguồn nhân lực hiện có để có cơ chế tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ phù hợp.
Ý kiến ()