
Quảng Ninh tham dự hội nghị "Gặp gỡ Hàn Quốc"
Ngày 14/5, tại tỉnh Hưng Yên, Bộ Ngoại giao phối hợp với tỉnh Hưng Yên, Đại sứ quán Đại Hàn Dân Quốc tại Việt Nam tổ chức hội nghị “Gặp gỡ Hàn Quốc” năm 2025. Đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, dự và phát biểu tại hội nghị.
Cùng dự có ngài Choi Youngsam, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo 21 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc cùng gần 200 doanh nghiệp, nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc. Đồng chí Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, tham gia tọa đàm tại hội nghị.

Phát biểu chào mừng, đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, khẳng định: Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng, đánh dấu 10 năm ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), 10 năm tổ chức chuỗi sự kiện "Gặp gỡ Hàn Quốc" tại Việt Nam. Mối quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã đạt được những bước tiến vượt bậc, là đối tác chiến lược toàn diện từ năm 2022.
Tính tới nay, Việt Nam và Hàn Quốc đã trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của nhau trên nhiều lĩnh vực. Hàn Quốc hiện đứng thứ nhất về đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với 10.128 dự án, tổng vốn đăng ký trên 92 tỷ USD; đứng thứ hai về hợp tác phát triển (ODA), lao động và du lịch và đứng thứ ba về hợp tác thương mại. Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc tại ASEAN, chiếm 30% đầu tư và 50% tổng kim ngạch thương mại giữa Hàn Quốc và ASEAN. Hai nước đang hướng tới mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2025 và 150 tỷ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng, bền vững.

Năm 2025, mục tiêu chiến lược của Việt Nam là tăng trưởng đạt 8%, tạo đà, tạo lực, tạo thế, tạo nhịp để đạt tăng trưởng 2 con số những năm tiếp theo; đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Để hiện thực hóa các mục tiêu đó, Việt Nam đang tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều nhóm giải pháp, đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực, trên tinh thần “thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị và nhân lực thông minh” để giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Đồng chí tin tưởng rằng, tại hội nghị "Gặp gỡ Hàn Quốc" năm 2025, các địa phương và các doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc sẽ cùng thảo luận, tăng cường hợp tác và sẽ có những bước tiến mới về đầu tư ở các lĩnh vực như đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi giá trị bền vững, trong đó trọng tâm là chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chất bán dẫn, năng lượng thân thiện với môi trường, công nghệ sinh học, đô thị thông minh…

Trong khuôn khổ hội nghị, đại diện các địa phương, doanh nghiệp, nhà đầu tư của Việt Nam - Hàn Quốc đã cùng tọa đàm, thảo luận nhằm giới thiệu các tiềm năng, lợi thế, đưa ra các kinh nghiệm, giải pháp hóa giải những khó khăn để tiếp sức cho các cơ hội mới, thúc đẩy thu hút đầu tư, tăng cường hợp tác để Việt Nam sẽ là “tổ ấm” cho các doanh nghiệp Hàn Quốc phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh.
Phát biểu tại phiên tọa đàm, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, đã khái quát những kết quả đạt được của tỉnh trong thu hút, xúc tiến đầu tư với 7 năm liên tục dẫn đầu PCI. Hiện Quảng Ninh đang có 218 dự án FDI của các nhà đầu tư tới từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 16,77 tỷ USD. Trong đó, Hàn Quốc là 14 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 308,2 triệu USD.

Con số nhà đầu tư Hàn Quốc tại Quảng Ninh hiện còn khá kiêm tốn, vì thế đồng chí mong muốn các nhà đầu tư Hàn Quốc cùng chia sẻ, tham góp với tỉnh những giải pháp trọng tâm nhằm đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư về tỉnh. Quảng Ninh mời gọi và sẵn sàng tạo những điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp Hàn Quốc nghiên cứu triển khai đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh về lĩnh vực là thế mạnh của các doanh nghiệp Hàn Quốc như: Công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, công nghiệp bán dẫn, công nghiệp phụ trợ ô tô, cảng biển, dịch vụ logistics, năng lượng xanh, sạch... Tỉnh đã bố trí sẵn quỹ đất để kêu gọi đầu tư xây dựng KCN dành riêng cho các doanh nghiệp Hàn Quốc thuộc địa bàn khu kinh tế, nơi có cơ chế, chính sách ưu đãi cao nhất cả nước hiện nay.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh sẽ tăng cường hỗ trợ hoạt động xuất khẩu các mặt hàng do doanh nghiệp Hàn Quốc sản xuất tại tỉnh sang các thị trường quốc tế khác; đơn giản hóa và giải quyết nhanh chóng các thủ tục thông quan, xuất nhập khẩu hàng hóa cho doanh nghiệp Hàn Quốc, qua đó từng bước cân bằng cán cân thương mại giữa hai bên. Tỉnh cũng mong muốn được triển khai hợp tác với các công ty lữ hành có uy tín về du lịch của Hàn Quốc trong việc quảng bá hình ảnh Di sản kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử cùng các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng kết hợp khám, chữa bệnh, các sản phẩm du lịch trải nghiệm...
Tại hội nghị, các doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc đã cùng ký kết bản ghi nhớ hợp tác và trao học bổng giúp các em học sinh nghèo hiếu học tiếp tục ước mơ đến trường.

Ngay sau hội nghị, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, đã có buổi tiếp và làm việc với ngài Choi Youngsam, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam, cùng các doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc.
Ý kiến ()