
Lan tỏa phong trào “Bình dân học vụ số”
Với mong muốn không để ai bị bỏ lại phía sau trong công cuộc chuyển đổi số, hiện Quảng Ninh đang đẩy mạnh các giải pháp lan tỏa phong trào “Bình dân học vụ số”, qua đó giúp công dân làm quen và thích nghi với thời đại số.
Sau hơn 3 năm triển khai chuyển đổi số, với sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị nên công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt được nhiều kết quả quan trọng. Người dân đã dần tiếp nhận và làm chủ nhiều tiện ích số trong đời sống. Để tiếp tục đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số và thực hiện Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Quảng Ninh đang tích cực triển khai nhiều hoạt động thiết thực, trong đó, phong trào “Bình dân học vụ số” đang được lan tỏa rộng rãi.
TP Hạ Long là địa phương đầu tiên trong toàn tỉnh phát động phong trào "Bình dân học vụ số" với mong muốn phổ cập tri thức, kỹ năng số cho đến gần hơn với mọi người dân, từ CBCCVC đến học sinh, người lao động và các nhóm yếu thế để không ai bị bỏ lại trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Sau hơn một tháng triển khai, trên địa bàn thành phố đã tổ chức được 43 lớp với 4.410 học viên là CBCCVC, thành viên tổ công nghệ số cộng đồng và tổ dân, khu phố, các đoàn thể, chính trị, xã hội.
Là lực lượng tiên phong trong triển khai các phong trào, Tỉnh Đoàn Quảng Ninh cũng đã sớm hành động để đưa “Bình dân học vụ số” đi sâu vào đời sống. Đến nay, toàn đoàn đã thành lập tổng cộng 150 đội hình, thu hút sự tham gia của gần 3.500 đoàn viên, thanh niên để hướng dẫn người dân cách sử dụng các ứng dụng trên điện thoại thông minh với các tiện ích số như: VNeID, dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, bán hàng qua sàn thương mại điện tử... Dự kiến cuối tháng 5/2025, Tỉnh Đoàn chính thức ra mắt Kênh thông tin điện tử cùng Bộ công cụ “Bình dân học vụ số” trên nền tảng Zalo. Qua đó, góp phần trang bị kiến thức thiết yếu, thúc đẩy hình thành thói quen ứng dụng công nghệ trong đời sống hằng ngày của người dân, nhất là tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Với 367.550 học sinh và 23.230 đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, ngành giáo dục Quảng Ninh được đánh giá có vai trò quan trọng trong thực hiện phong trào “Bình dân học vụ số” . Chính vì thế, ngành cũng sớm triển khai các hoạt động nhằm lan tỏa phong trào này. Với mục tiêu hết năm 2025, 100% cán bộ quản lý giáo dục có năng lực ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong quản lý, điều hành, quản trị trường học; 100% giáo viên, giảng viên sử dụng AI để hỗ trợ giảng dạy và đánh giá học sinh; 50% giáo viên, giảng viên có thể thiết kế nội dung dạy học dựa trên AI, tích hợp AI trong bài giảng số. 100% học sinh trung học và sinh viên trên địa bàn tỉnh được trang bị kiến thức, kỹ năng số để phục vụ học tập, nghiên cứu và sáng tạo, có kỹ năng an toàn trong học tập và tương tác xã hội trong môi trường số. Đến nay, các trường học trên địa bàn tỉnh đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên và các buổi học ngoại khóa cho học sinh để tuyên truyền về phong trào "Bình dân học vụ số" nhằm giúp giáo viên và học sinh tiếp cận công nghệ và khai thác tốt lợi ích của công nghệ góp phần thúc đẩy sáng tạo và cải thiện, nâng cao chất lượng học tập.
Cùng với các ngành và các địa phương, Công an tỉnh cũng đã phát động phong trào “Bình dân học vụ số” trong toàn lực lượng với mục tiêu nâng cao năng lực số, kiến thức công nghệ, kỹ năng sử dụng các ứng dụng số, dữ liệu số trong công tác chuyên môn. Trong năm 2025, Công an tỉnh triển khai sâu rộng phong trào “Bình dân học vụ số”, “Bình dân học AI” trong toàn ngành, thông qua việc triển khai mạng lưới “Đại sứ số”, để phổ cập kỹ năng số cho cán bộ, chiến sĩ qua mô hình “Người hướng dẫn - Người học”. Mỗi đơn vị, Công an xã, phường, thị trấn bố trí ít nhất một nhân sự hỗ trợ, hướng dẫn khi người dân đến làm thủ tục hành chính nhưng không đủ kỹ năng thao tác trên Cổng dịch vụ công trực tuyến.

Với sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh, các cấp, các ngành đẩy mạnh lan tỏa phong trào “Bình dân học vụ số” sẽ giúp người dân, đặc biệt là những đối tượng ít có điều kiện tiếp cận công nghệ, có thể nắm bắt và làm chủ công nghệ số, từ đó tham gia sâu hơn vào nền kinh tế số, xã hội số.
Ý kiến ()