Xây dựng chính quyền từ cơ sở
69 năm trước, ngày 19-8, Cách mạng Tháng Tám giành chính quyền đã thành công và tiến tới Quốc khánh 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Mốc son lịch sử này mãi mãi là niềm tự hào của người dân Việt Nam.
Giành được chính quyền, thành lập nhà nước là để mưu cầu tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Ngày 17-10-1945, trong thư gửi Uỷ ban Nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, Hồ Chủ tịch nhắc nhở:
“Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Nhưng nếu được độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì…
Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật.
Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm.
Việc gì có hại đến dân, ta phải hết sức tránh.
Chúng ta phải yêu dân, kính dân, thì dân mới yêu ta, kính ta”.
Ngay từ khi giành chính quyền, thành lập nước, chúng ta đã khẳng định nước ta là một nước “dân chủ”, người dân làm chủ, chính quyền của dân, vì dân, do dân.
Khi chúng ta thực hiện công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hoá - hiện đại hoá, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bên cạnh những thành tựu to lớn cũng nảy sinh những khó khăn, bất cập, tiêu cực, nhất là ở cơ sở, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Trước tình hình này, ngay từ năm 1998, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 30-CT/TW về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở. Triển khai thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW, đã có nhiều văn bản pháp quy về thực hiện quy chế dân chủ cho một số loại hình cơ sở; các cơ quan, đơn vị đã tích cực xây dựng quy chế, quy định; các thôn, bản, làng, tổ dân phố xây dựng hương ước, quy ước thực hiện dân chủ trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.
Mặc dù có nhiều tiến bộ, song việc thực hiện dân chủ ở cơ sở không phải nơi nào cũng làm tốt. Tại Kết luận số 65-KL/TW ngày 4-2-2010, Ban Bí thư đã đánh giá: “Một số nơi cán bộ lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền mất đoàn kết; tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chưa được ngăn chặn kịp thời; tình hình khiếu kiện của nông dân, đình công, bãi công của công nhân diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến lòng tin của nhân dân đối với cấp uỷ, chính quyền”.
Đánh giá những hạn chế về việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ninh cũng thẳng thắn chỉ rõ: “Việc giải quyết những bức xúc của nhân dân ở một số địa phương, cơ sở chưa kịp thời, dứt điểm, vẫn còn thiếu dân chủ, chưa khách quan dẫn đến đơn thư khiếu kiện kéo dài, vượt cấp, đông người, nhất là trong lĩnh vực đền bù giải phóng mặt bằng, tranh chấp đất đai, quy hoạch, xây dựng các công trình công cộng… Hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng ở xã, phường, thị trấn còn hạn chế, hiệu quả chưa cao. Quy ước, hương ước, thoả ước lao động tập thể chưa kịp thời được bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với quy định của Luật và thực tiễn tình hình địa phương, cơ sở” (Kết luận số 57-KL/TU ngày 30-7-2014 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ).
Hôm nay đọc lại lời nhắc nhở và mong muốn của Bác Hồ, chúng ta càng thấm thía và biết ơn Người. Muốn chính quyền cơ sở vững mạnh thì chúng ta phải đẩy mạnh xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở phải gắn với việc thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Lời nhắc nhở của Hồ Chí Minh 69 năm qua đối với những người trong hệ thống bộ máy chính quyền rất giản dị, nhưng vẫn còn nguyên tính thời sự về mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân.
Nguyên Đan
Ý kiến ()