20
18
/
1100563
Vượt sóng, nuôi "sâm biển" ở đảo Phất Cờ
longform
Vượt sóng, nuôi "sâm biển" ở đảo Phất Cờ

Cover

Rong sụn được coi là sâm biển và sử dụng nhiều trong ngành y dược, chế biến thực phẩm, mỹ phẩm, công nghệ sinh học… Loài rong này được các nhà khoa học di trồng từ Philippines sang Nhật rồi trồng thành công ở nhiều tỉnh phía Nam nước ta, như: Nha Trang, Ninh Thuận… nhưng mãi tới gần đây mới được một ngư dân ở Vân Đồn lần đầu tiên nuôi trồng thành công. 

Ảnh trong văn bản

Từng được nghe về việc nhân giống rong sụn ở Vân Đồn từ lâu nhưng chúng tôi nhanh chóng lãng quên, do chưa một ai thành công. Bẵng đi đến đầu tháng 7 vừa qua, chúng tôi nhận được thông tin loài rong quý này đã được nuôi thành công và chuẩn bị sản xuất thương phẩm, liền háo hức tới thăm.

Chúng tôi được giới thiệu ra đảo Phất Cờ (xã Hạ Long, huyện Vân Đồn) gặp ông Bính. Giữa hè, dù đi từ sớm nhưng mặt trời đã lên nóng rát, hắt những tia nắng vàng rực xuống mặt vịnh Bái Tử Long. Cả không gian mặt nước lấp lánh như những hạt ngọc. Sau chừng 15 phút, chúng tôi đến Phất Cờ, cập vào giàn nuôi dưới chân một trái núi lớn.

Đảo Phất Cờ án ngữ mặt Nam Bái Tử Long, che chắn cho vùng nước yên bình, vừa tạo dòng nước luân chuyển, khiến nước ở vùng này trong vắt, xanh ngọc. Chiếc xuồng cao tốc nhè nhẹ giảm tốc độ, ghé bè. “Khu vực nuôi trồng rong không cho phép đi nhanh, ảnh hưởng tới sinh trưởng của rong” - ông Bính vừa giong xuồng vừa giải thích với chúng tôi.

Cover

Vừa tham quan vườn nuôi trồng rong sụn, câu chuyện về người đầu tiên nuôi thành công loài rong này ở vùng biển Vân Đồn dần được gợi mở. Ở xã ven biển Hạ Long, nhiều người biết ông Nguyễn Sỹ Bính, bởi ông là người dày kinh nghiệm và cũng là người từng bán nhà đầu tư vào nuôi trồng hàu và các loại thủy hải sản khác.

Sương gió, bán mặt cho biển là cách mà ông Bính vẫn nói về phận mình, chẳng thế mà người đàn ông cả đời gắn bó với biển này dường như già hơn hẳn cái tuổi 56 của mình. Ông Bính dong dỏng cao, gương mặt sương gió, da ngăm đen, cháy nắng, giọng vang, to đặc trưng của người vùng biển.

Ông kể, năm 2021, sau một hội nghị, ông tình cờ được dúi cho túi rong và được giới thiệu là sâm biển, vật nuôi ngoại lai, có giá trị kinh tế cao. Vốn tò mò, qua tìm hiểu ông biết đó là rong sụn, đang được thị trường hết sức ưa chuộng. Rong sụn có thể trồng ở thủy vực, mặt nước ven biển và đảo chìm ở độ sâu 0,5 đến 10 mét, độ mặn từ 28-32‰, vùng nước yên tĩnh, ít chịu ảnh hưởng của sóng gió, nước luôn được luân chuyển và đặc biệt đã nuôi thành công ở các tỉnh miền Trung và Nam Trung Bộ. Riêng ở Quảng Ninh thì chưa hề có ai.

Nghe tới đây ông rất háo hức. Những ngày đầu khi loay hoay chưa biết cách nuôi trồng ra sao, thì rong treo dưới biển đã bị cá rìa… “chén” gần hết, nhưng số rong còn sót lại vẫn sinh trưởng tốt nên ông Bính cho rằng có thể nuôi được rong ở đây. Vì thế, ông quyết định đặt mua thêm 120kg rong giống. Giá thành rong giống khá rẻ, chỉ chừng 5.000 đồng/kg nhưng cộng cả chi phí vận chuyển máy bay, tới tay ông giá thành lên đến 40.000 đồng/kg. Cùng với chi phí lưới, khung đáy ngăn cá rìa..., số tiền vốn bỏ ra ban đầu đã hơn 100 triệu đồng.

Cover

Chi phí quá lớn khiến ông lại phải mày mò tìm lời giải cho bài toán tiết kiệm tối đa chi phí mà vẫn nuôi thành công rong sụn, tránh cá rìa. Qua bao lần trăn trở, ông quyết định di chuyển rong từ ven bờ ra giữa biển, trồng rong đại trà, chấp nhận cho cá rìa ăn để giữ rong. Nghe câu chuyện có vẻ “hoang đường” nhưng lại là kinh nghiệm xương máu của ông. "Khi trồng rong đại trà trên diện tích mặt nước ngoài xa, cá rìa chỉ ăn hết 10-15% số rong sụn ở rìa ngoài, trong khi đó tiết kiệm được nhiều chi phí do không mất tiền đầu tư khung đáy, lưới…" - ông Bính giải thích. 

Theo kinh nghiệm của bản thân, ông nhận thấy cá rìa, kẻ thù chính của rong sụn, thích kiếm ăn gần bờ là nơi nguồn rong rêu dồi dào, lại nhiều chỗ ẩn nấp. Đưa rong sụn là nuôi xa bờ mặc dù vẫn trở thành nguồn thức ăn của cá nhưng hạn chế tối đa số lượng rong bị tổn thất mà lại giúp rong có môi trường nước sạch, luân chuyển, sinh trưởng rất nhanh.

Sau đó, ông Bính tiếp tục đổi mới phương thức nuôi rong sụn bằng cách mở mật độ, giãn khoảng cách cao hơn quy định, lên đến 40cm/dây; tận dụng giá thể nuôi nhuyễn thể đang suy thoái để nuôi trồng rong nhằm tiết kiệm chi phí…

Cover

Ông chia sẻ về quyết định mạo hiểm khi nuôi rong sụn, ném tiền xuống biển cho cá ăn, ban đầu bị coi là gàn. Gia đình, vợ con phản đối dữ dội. Nhưng cuối cùng, bằng kinh nghiệm bản thân và những kiến thức tích lũy dần dần từ chính trải nghiệm thực tế giúp ông nuôi trồng thành công rong sụn. Ở vùng biển thuộc xã Hạ Long có những điều kiện thuận lợi để cây rong phát triển, như: nước biển đạt độ mặn từ 28-32‰, nhiệt độ dao động từ 27-35 độ C.

Ở những địa phương khu vực miền Trung và Nam Trung Bộ, nuôi rong khu vực gần bờ có độ sâu đạt từ 10-15m. Vùng vịnh như khu vực biển xã Hạ Long đưa rong ra xa bờ, độ sâu chỉ tương đương mà tận dụng được dòng chảy, hiện tượng nhật triều và nguồn khoáng chất dồi dào... là những yếu tố thuận lợi mà thiên nhiên ban tặng, mở ra triển vọng phát triển, nhân rộng mô hình nuôi rong sụn.

Ảnh trong văn bản

Lái xuồng đưa tôi ra vườn rong và khu vực ngân hàng giống rong sụn, ông Bính hồ hởi khoe: Dường như rất hợp với độ mặn, nắng gió ở đảo Phất Cờ này, rong thường có màu xanh mắt ngọc vô cùng đẹp mắt. Điều này chứng tỏ nguồn nước ở đây rất sạch, rất phù hợp nuôi loài rong được mệnh danh là sâm biển này, mở ra triển vọng nhân rộng bán cho các đối tác trong nước và xuất khẩu.

Cover

Thế nhưng hành trình nuôi rong không hề thuận lợi. Cuối năm 2021, từ số 120 kg giống mua về, ông Bính đã nhân rộng vườn rong với sản lượng khoảng 4 tấn. Rong sụn vốn khó tính nay đã thích nghi với môi trường nơi đây. Nhưng niềm vui được chia sẻ cho bạn bè, đối tác chưa tày gang thì rong sinh trưởng nhanh, cho sản lượng lớn nhưng không tiêu thụ được khiến ông Bính thất vọng. Bao hăm hở, say mê, nay ông để vườn rong hoang, cho cá rìa ăn. Vào mùa đông lạnh giá, vườn rong ông dày công chăm nuôi tan tác, chết gần hết, chỉ còn vài dây, chừng 200-300kg. 

Thế nhưng trời không phụ lòng người, tháng 6/2022, ông Bính được đối tác là Tập đoàn nhựa Super Trường Phát (Trường Phát) thông báo đã ký kết được những hợp đồng “khủng”, tiêu thụ 2.000 tấn rong tươi với Long Hải và hàng nghìn tấn rong khô xuất khẩu đi Trung Quốc.

Như được tiếp thêm sức lực, từ số giống còn sót lại, ông Bính cùng đối tác đã nhân rộng vườn rong lên 4ha, cho khả năng thu hoạch từ 10-15 tấn rong/vụ. Cho tới thời điểm này, ông quyết định hợp tác với đối tác Trường Phát để khai thác vụ rong biển đầu tiên, rồi lựa chọn 20% số rong khỏe, sinh trưởng tốt đưa vào ngân hàng giống. Theo đó, HTX của ông Bính đồng thời sẽ lập trang trại nghiên cứu, nuôi trồng và chuyển giao kỹ thuật cho bà con.

“Mô hình nhân giống, nuôi rong sụn ở đảo Phất Cờ đã được các nhà khoa học ra thực tế, kiểm nghiệm và khẳng định sự thành công. Thời gian tới, song song với việc triển khai các máy móc thiết bị lọc nước, trạm nuôi trồng, ngân hàng giống tại chỗ, Tập đoàn sẽ tạo điều kiện hỗ trợ hết sức cho người dân để cùng tham gia nuôi trồng, bao tiêu đầu ra, đảm bảo sản lượng cung cấp cho đối tác, đồng thời phối hợp với các nhà khoa học, Viện nghiên cứu hoàn thành quy hoạch vùng nuôi ở Vân Đồn” - anh Đặng Xuân Tiến, Trưởng Bộ phận Dự án, phụ trách dự án ở Vân Đồn của Trường Phát chia sẻ. 

Cover

Theo đó, Trường Phát sẽ triển khai vùng nuôi rộng với sự tham gia của người dân. Đơn vị sẽ hỗ trợ, ưu đãi vật tư, giá thể, hỗ trợ giống (thậm chí hỗ trợ toàn phần nếu gặp thiên tai, địch họa), bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch và cho phép người dân bán ra thị trường ngoài khi giá bán vượt quá 10% so với giá thu mua của đơn vị.

Theo tính toán của một ngư dân dạn dày, ông Bính cho biết: 1ha trồng rong sụn cho 3 vụ/năm với giá ở mức thấp nhất chừng 2.500 đồng/kg tươi cũng cho doanh thu trên 580 triệu đồng. Nếu nuôi hàu, với cùng thời gian giá bán khoảng 5.000/kg cũng chỉ cho doanh thu 400 triệu đồng.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Hà Văn Quang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hạ Long, đánh giá: Chúng tôi đánh giá cao mô hình này, đặc biệt việc nuôi trồng rong và hàu, cá vừa giúp bổ sung thức ăn cho nhau vừa làm sạch môi trường biển. Bởi xưa nay các loại rong biển vốn được coi là cỗ máy làm sạch môi trường nước. Nếu đem lại hiệu quả, sẽ đem lại thêm nguồn thu nhập, thêm vật nuôi mới, tiềm năng cho người dân trên địa bàn xã và huyện Vân Đồn”.

Cover

Tạm biệt đảo Phất Cờ, chúng tôi được ông Bính báo tin vui khi sẽ tiến hành thu hoạch những tấn rong biển đầu tiên trong mẻ khoảng 6 tấn đầu xuất bán cho đối tác Long Hải. Đồng thời, Tập đoàn Trường Phát cùng các Viện nghiên cứu, nhà khoa học sẽ phối hợp, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch vùng nuôi trồng khoảng 200ha để xác lập chỉ dẫn địa lý cụ thể, điều kiện cần thiết để đưa sản phẩm chính quy xuất khẩu đi xa hơn.

Nhìn khuôn mặt sạm sương gió giãn ra, chúng tôi hiểu tâm huyết của ông Bính mong đưa về vùng biển Vân Đồn vật nuôi mới để tăng thêm thu nhập, giảm sự phụ thuộc vào phát triển nuôi hàu, cải thiện nguồn nước vùng vịnh Bái Tử Long đang dần thành hiện thực...

Tạ Quân

Trình bày: Hùng Sơn

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu