"Chất lượng dịch vụ phải được đặt lên hàng đầu"
Du lịch Quảng Ninh đã mở cửa, bình thường hóa lại tất cả các hoạt động. Quảng Ninh cũng là nơi được chọn tổ chức Lễ phát động cấp quốc gia về mở cửa du lịch, thúc đẩy nhiều hoạt động kích cầu sôi động cũng như đón lượng khách kỷ lục dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua.
Dù vậy, để việc mở cửa thành công, khôi phục và lấy lại sức hấp dẫn cho du lịch Quảng Ninh, đón các nguồn khách tiềm năng… vẫn còn nhiều vấn đề cần chú trọng.
Bàn về vấn đề này, PGS.TS Phạm Hồng Long (ảnh), Trưởng Khoa Du lịch, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), người tham gia nhiều chương trình, dự án và dành sự quan tâm lớn đến du lịch Quảng Ninh, đã có cuộc trao đổi cởi mở, thẳng thắn với phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh.
- Trải qua bao khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, theo ông, việc du lịch mở cửa toàn diện và được thúc đẩy, bước đầu nhộn nhịp trở lại có ý nghĩa như thế nào với ngành du lịch Quảng Ninh?
+ Quả thật, dịch Covid-19 đã làm "đóng băng" các hoạt động du lịch, gây tổn thất nặng nề với các doanh nghiệp, ngành du lịch cả nước nói chung và Quảng Ninh nói riêng. Vì thế, ngày 15/3 đánh dấu sự mở cửa và hội nhập trở lại hoàn toàn của du lịch Việt Nam sau 2 năm đóng cửa với thị trường du lịch quốc tế.
Thành quả bất ngờ về lượng khách du lịch tới Quảng Ninh dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 là một khởi đầu, tín hiệu tốt cho du lịch hè. Điều này cũng khiến các doanh nghiệp phấn khởi, lạc quan hơn. Với Quảng Ninh, tỉnh có thế mạnh về du lịch biển đảo, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch đô thị, du lịch biên mậu…, sự mở cửa hoàn toàn trở lại sẽ giúp cho du lịch Quảng Ninh có thể đón tiếp một lượng du khách lớn (cả trong nước và quốc tế) cho mùa du lịch hè, bắt đầu vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.
Hơn thế nữa, sự mở cửa này cũng là bước đi cần thiết, chuẩn bị dài hơi của ngành du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Quảng Ninh nói riêng cho việc đón tiếp lượng khách quốc tế lớn đến vào những tháng cuối năm nay và đầu năm tới, cao điểm của thị trường khách quốc tế.
- Ông đánh giá như thế nào về mức độ sẵn sàng và cách làm của du lịch Quảng Ninh sau mở cửa, cũng là thời điểm bắt đầu cho du lịch hè?
+ Quả thật, tôi rất ấn tượng với thành quả sau mở cửa du lịch của Quảng Ninh. Là người luôn theo sát những chính sách và hoạt động của ngành du lịch Việt Nam, tôi thấy Quảng Ninh là một trong những địa phương luôn đi đầu trong việc đưa ra những chủ trương, chính sách phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đại dịch trong 2 năm vừa qua cũng như thời điểm mở cửa du lịch quốc tế trở lại vào ngày 15/3.
Ngay từ đầu năm 2022, HĐND tỉnh khóa XIV đã thông qua chính sách kích cầu du lịch 6 tháng đầu năm 2022. Theo đó, Quảng Ninh sẽ giảm 50% phí tham quan các điểm đến nổi tiếng tại địa phương như: Vịnh Hạ Long, Bảo tàng Quảng Ninh, khu di tích danh thắng Yên Tử.
Trên thực tế, sau mốc 15/3 tới nay, Quảng Ninh cũng triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa như: Phối hợp với Bộ VH-TT&DL phát động mở lại hoạt động du lịch: "Việt Nam - Trải nghiệm trọn vẹn” gây được tiếng vang lớn; tổ chức nhiều hoạt động du lịch sôi động trong 65 sự kiện kích cầu năm 2022 như: Carnaval Hạ Long, Festival áo dài, Lễ hội ẩm thực, Phố đêm du thuyền và chuẩn bị cho các sự kiện thể thao lớn như SEA Game 31… Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng hướng tới xây dựng những sản phẩm du lịch độc đáo tại mỗi địa phương, mỗi vùng đất và chuẩn bị tốt những điều kiện đón khách. Vì vậy, tôi hy vọng du lịch Quảng Ninh sẽ có một năm 2022 khởi sắc.
- Hệ thống dịch vụ du lịch vẫn còn nhiều vướng mắc sau khởi động lại, theo ông, các doanh nghiệp cần được hỗ trợ như thế nào và nên thay đổi ra sao trong bối cảnh mới?
+ Trong 2 năm đại dịch vừa qua, với sự ảnh hưởng nghiêm trọng của ngành du lịch và các doanh nghiệp du lịch, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách và giải pháp hỗ trợ ngành du lịch về thuế, phí, trợ cấp cho người lao động. Ở thời điểm này, việc hoạt động trở lại đón lượng khách đông cũng là kết quả khả quan và cũng là phép thử rất cần thiết.
Và vấn đề quan tâm nhất của doanh nghiệp không phải là về thuế, phí, hay các gói hỗ trợ nữa, mà quan trọng nhất là vấn đề thiếu hụt nhân lực làm du lịch có năng lực, trình độ và kinh nghiệm. Do vậy, theo tôi các bên liên quan, đặc biệt là cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nhân lực và tạo điều kiện cho doanh nghiệp dịch vụ du lịch thu hút được nhân lực cần thiết.
- Sau dịch, thị hiếu du khách đã thay đổi nhiều, theo ông Quảng Ninh cần làm gì, phát huy những loại hình sản phẩm du lịch gì để kích cầu, hút khách trở lại và trở thành điểm đến hấp dẫn?
+ Từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, hàng loạt các thị hiếu tiêu dùng của khách hàng cũng đã thay đổi theo, như thiên về đặt dịch vụ du lịch trực tuyến thay vì trực tiếp; đi du lịch nhóm nhỏ, ít người, riêng lẻ; kỳ nghỉ ngắn ngày; du lịch không chạm; du lịch dã ngoại, sinh thái và thiên nhiên…
Tất cả những thị hiếu và thiên hướng tiêu dùng đó đòi hỏi ngành du lịch Quảng Ninh cũng phải có sự chuẩn bị và thích ứng theo. Với thế mạnh về sản phẩm du lịch biển đảo, văn hóa tâm linh, đô thị, biên mậu thì ngành du lịch Quảng Ninh, đặc biệt là các doanh nghiệp phục vụ du khách sẽ phải đa dạng hình thức gói sản phẩm và hình thức liên kết phục vụ khách du lịch.
Nếu như trước đây là hình thức trọn gói dịch vụ (full package) hay hình thức kinh doanh qua đối tác - B2B (Business to Business) phát huy thế mạnh, thì ở thời điểm này gói dịch vụ đơn lẻ hoặc combo (kết hợp một vài dịch vụ như đi lại và lưu trú…), hình thức kinh doanh trực tiếp với khách hàng - B2C (Business to Customer) cần được Quảng Ninh coi trọng.
- Theo ông, Quảng Ninh cần làm gì để hút khách quốc tế, gần hơn là khu vực Đông Nam Á, châu Á và sau đó là khách châu Âu, dòng khách chi trả cao, quen thuộc của du lịch Quảng Ninh khi nhiều sản phẩm (khách sạn, tàu du lịch trên vịnh…) vẫn chịu dư âm, tác động mạnh?
+ Sau mốc 15/3, du lịch Quảng Ninh nói riêng, Việt Nam nói chung đang đón đa dạng khách quốc tế từ châu Âu, Mỹ, Đông Nam Á... và có cả những dòng khách mới. Tuy nhiên, để đón tiếp tốt lượng khách quen, đặc biệt là du khách quốc tế có khả năng chi trả cao, thì rõ ràng chất lượng dịch vụ cung ứng tới khách hàng phải được đặt lên hàng đầu.
Do vậy, tôi cho rằng, trước mắt ngành du lịch Quảng Ninh không nhất thiết phải đi theo chiến lược thu hút số lượng lớn dòng khách này mà cần phải phục hồi lại chuỗi giá trị cung ứng du lịch (ẩm thực, lưu trú, đi lại, vui chơi giải trí, tham quan, mua sắm…) rồi mới tính đến mở rộng thị trường về mặt số lượng.
Tiếp theo, nếu Quảng Ninh hướng vào thị trường khách du lịch mục tiêu nào (Đông Nam Á, châu Á và châu Âu) thì cần có những chính sách ưu đãi thị trường; chiến dịch xúc tiến truyền thông, quảng bá hướng đích, trực tiếp vào những thị trường đó, bằng cả hình thức trực tuyến và trực tiếp thông qua các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước sở tại, các hội chợ xúc tiến du lịch và đặc biệt là qua các chương trình xúc tiến du lịch thương mại song phương.
- Ngoài nguồn khách trên, theo ông du lịch Quảng Ninh có thể khai thác nguồn khách tiềm năng nào khác không?
+ Thời gian đầu sau mở cửa du lịch hiện nay khó đón lượng khách nước ngoài lớn ngay, bởi các hãng lữ hành quốc tế thường đặt dịch vụ sớm từ vài tháng đến một năm. Việc không có khách Đông Bắc Á và khách châu Âu hạn chế do xung đột Nga - Ukraina, tiếp tục khiến du lịch chưa thể phục hồi hoàn toàn.
Vì thế, Đông Nam Á là dòng khách tiềm năng nhất mà du lịch Việt Nam có thể tập trung thu hút, với lợi thế khoảng cách địa lý, giao thương, thủ tục xuất nhập cảnh thông thoáng... Đặc biệt, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Phillipines đều có dân số lớn và nhu cầu du lịch quốc gia lân cận như Việt Nam ngày càng tăng. Thị trường Singapore, Campuchia vốn ổn định đến Việt Nam thì càng phải thu hút họ hơn.
Và SEA Games 31 sẽ là cơ hội tuyệt vời để quảng bá với khách Đông Nam Á. Ngoài ra, vẫn cần quan tâm, tập trung cho thị trường khách châu Âu, châu Mỹ, Ấn Độ, Trung Đông tiềm năng. Đối với thị trường này, công tác xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch, những chính sách ưu tiên về thủ tục miễn thị thực là "chìa khóa" để họ lựa chọn điểm đến du lịch Việt Nam, Quảng Ninh.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Ý kiến ()