Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết sau khi Trung ương thông qua đề án sáp nhập tỉnh, xã, Bộ Chính trị sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai công việc này vào 16/4.
Tại Hội nghị giao ban công tác tháng 3, triển khai nhiệm vụ công tác quý II và tháng 4 tổ chức chiều 1/4, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết theo lộ trình, Đảng ủy Chính phủ sẽ báo cáo Ban Chấp hành Trung ương tại hội nghị lần thứ 11 để thông qua đề án sáp nhập tỉnh, xã, không tổ chức cấp huyện. Hội nghị ngày 16/4 cũng sẽ xác định các nhiệm vụ liên quan đến việc sắp xếp lại Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tòa án và viện kiểm sát.
Theo Bộ trưởng, từ 1/5, các tỉnh, thành phố trên cả nước sẽ bắt đầu gửi đề án sắp xếp về Bộ Nội vụ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét. Bộ Nội vụ sẽ hỗ trợ các bộ, ngành điều chỉnh các văn bản pháp luật để phù hợp với mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Bộ đặt mục tiêu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội các công việc liên quan đến sáp nhập tỉnh, xã và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp trước ngày 30/6. "Ngày 1/7 là mốc để chính quyền cấp xã bắt đầu vận hành, ngày 30/8 là thời điểm toàn bộ hệ thống chính trị sau khi sắp xếp và tổ chức lại sẽ chính thức đi vào hoạt động đồng bộ", Bộ trưởng Trà khẳng định.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Media Quốc hội
Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị nhanh chóng hoàn thành danh mục các nghị định cần sửa đổi để đảm bảo vận hành hiệu quả chính quyền địa phương hai cấp, cũng như việc phân cấp, phân quyền. Từng đơn vị tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo kết hợp với các biện pháp thủ công để rà soát các văn bản pháp luật cần điều chỉnh, bổ sung và trình ban hành sớm sau khi Hiến pháp sửa đổi và Luật Tổ chức chính quyền địa phương được Quốc hội thông qua.
Bên cạnh đó, bà cũng đề nghị rà soát các chính sách liên quan đến phụ cấp, phụ cấp đặc thù, lương tối thiểu vùng để có những đề xuất sửa đổi các nghị định cụ thể, đặc biệt trong bối cảnh sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và tổ chức lại cấp xã.
Trước đó, ngày 28/3 tại Đà Nẵng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã thông tin việc Trung ương sẽ họp và tính toán các phương án sắp xếp tinh gọn bộ máy vào đầu tháng 4. Theo dự kiến ban đầu, cả nước sẽ còn khoảng 34 tỉnh, thành phố sau khi sắp xếp từ 63 tỉnh, thành hiện tại; không còn đơn vị hành chính cấp huyện; và sáp nhập còn khoảng 5.000 đơn vị hành chính cấp xã.
Theo dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo, 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh dự kiến giữ nguyên hiện trạng, bao gồm Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. 52 địa phương còn lại, bao gồm cả 4 thành phố trực thuộc Trung ương là TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ, thuộc diện phải sắp xếp.
Ý kiến ()