
Giáo dục Quảng Ninh sau tiếp quản Vùng mỏ
Sau tiếp quản Vùng mỏ (ngày 25/4/1955), chính quyền non trẻ của ta có rất nhiều việc phải làm, những công việc cấp bách cần giải quyết. Trong bối cảnh đó, giáo dục được xác định là một trong những nền tảng quan trọng nhất để xây dựng và phát triển địa phương.
Sau khi Vùng mỏ được tiếp quản, Vùng mỏ đối diện với tình trạng giáo dục bị gián đoạn, nhiều trường học bị tàn phá, thiếu thốn nghiêm trọng về giáo viên, cơ sở vật chất, tài liệu giảng dạy. Học sinh phần lớn xuất thân từ gia đình công nhân, người lao động trong mỏ.
Trước tình trạng đó, chính quyền và ngành Giáo dục đã nhanh chóng huy động nguồn lực để khôi phục các trường học, tuyên truyền vận động người dân cho con em tới trường. Nhiều phong trào xóa mù chữ, bổ túc văn hóa đã được triển khai rộng khắp các địa phương, nhất là vùng công nhân mỏ và khu vực đồng bào dân tộc thiểu số.

Những năm 1956-1957, Vùng mỏ bắt đầu xây dựng hệ thống giáo dục 3 cấp học, củng cố đội ngũ giáo viên. Chính sách khuyến học được chú trọng, nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục trong việc xây dựng, vực dậy kinh tế - xã hội sau chiến tranh.
Trong giai đoạn đầu sau tiếp quản, nhiều cơ sở giáo dục quan trọng đã được thành lập và khôi phục. Trường cấp I, cấp II được xây dựng tại các khu vực đông dân cư như Hòn Gai, Cẩm Phả, Uông Bí, nhằm đảm bảo con em công nhân mỏ và người lao động có cơ hội học tập. Giai đoạn 1955-1963, nhiều trường học quan trọng đã ra đời, góp phần xây dựng nền giáo dục địa phương.
Thành lập năm 1956, ngay sau ngày giải phóng Vùng mỏ, Trường cấp II-III Cẩm Phả (nay là trường THPT Cẩm Phả) đã góp phần không nhỏ trong sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà trong chặng đường 70 năm xây dựng và trưởng thành. Năm 1956, Trường chỉ có một lớp 5, tới năm học 1958-1959 có thêm hai lớp 5, một lớp 6, một lớp 7. Cơ sở vật chất của Trường còn rất thiếu thốn. Nhà trường không có văn phòng, không có phòng thí nghiệm… Đến năm học 1960-1961, Trường có thêm một lớp 8. Trong những năm này, giáo viên và học sinh của Trường hình thành một “đội quân” xây dựng, trồng trọt tăng gia sản xuất. Trong những tháng ngày sơ tán của giáo viên, học sinh nhà trường trước sự bắn phá ác liệt của máy bay Mỹ, thầy trò phải đi tìm địa điểm để làm các phòng học sơ tán, làm lán cho giáo viên…
Dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn trong những năm đầu thành lập và cả giai đoạn chiến tranh ác liệt, Trường THPT Cẩm Phả vẫn kiên trì bám trụ, từng bước phát triển, khẳng định vai trò là một trong những cơ sở giáo dục trọng điểm của tỉnh. Tinh thần vượt khó ấy không chỉ thể hiện qua những lớp học dựng tạm giữa rừng trong thời chiến, mà còn tiếp nối trong hành trình đổi mới giáo dục, xây dựng cơ sở vật chất hiện đại sau này.
Thầy giáo Trần Mạnh Thắng, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Với truyền thống 70 năm kiên cường và phát triển, Trường THPT Cẩm Phả đã vươn lên trở thành một trong những ngôi trường có chất lượng giáo dục hàng đầu của tỉnh. Thế hệ thầy, cô và học trò hôm nay tự hào khi được giảng dạy, học tập trong ngôi trường khang trang, hiện đại, nơi đã đào tạo nên nhiều thế hệ học sinh ưu tú, đóng góp cho sự phát triển của quê hương, đất nước.

Trường cấp II, III Khu Hồng Quảng (nay là Trường THPT Hòn Gai) được thành lập năm 1959, không chỉ là ngôi trường cấp III đầu tiên của tỉnh, mà còn là cái nôi đào tạo nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo, học sinh xuất sắc, cá nhân tiêu biểu trong các lĩnh vực.
Nói về những năm đầu thành lập trong bối cảnh Vùng mỏ nỗ lực vực dậy kinh tế sản xuất, nhà giáo Nguyễn Đình Sô, cựu giáo viên trường THPT Hòn Gai, cho biết: “Sau khi thành lập, nhà trường còn thiếu thốn và khó khăn rất nhiều. Đặc biệt vào những năm 1965-1966, chiến tranh rất ác liệt, thầy và trò chúng tôi vừa học vừa sơ tán vào Giáp Khẩu, tự đào hầm, tự dựng lớp rất vất vả. Trong gian khó, thầy và trò nhà trường vẫn quyết tâm hoàn thành chương trình học; thế hệ học sinh của Trường thời đó có rất nhiều người thành đạt”.
Ngoài các trường học lớn được hình thành, các lớp học bổ túc dành cho người lớn, nhất là công nhân mỏ, cũng được mở rộng để nâng cao trình độ văn hóa. Các trường mẫu giáo, nhà trẻ dần hình thành, giúp con em công nhân có điều kiện học tập ngay từ nhỏ, hỗ trợ phụ huynh an tâm lao động sản xuất.
Vượt qua những khó khăn ban đầu sau khi tiếp quản Vùng mỏ, Quảng Ninh dần dần định hình một hệ thống giáo dục ổn định, phục vụ nhu cầu học tập của con em người lao động. Đây là giai đoạn quan trọng, tạo bệ phóng phát triển lâu dài cho ngành Giáo dục tỉnh nhà trong những thập kỷ sau.
Nhìn lại hành trình giáo dục Quảng Ninh sau tiếp quản Vùng mỏ năm 1955, đây là giai đoạn để lại nhiều bài học về khát vọng học tập, tinh thần vượt khó và sự quyết tâm đầu tư cho giáo dục với tư cách là nền tảng cho tương lai.
Ý kiến ()