
Xây dựng Ba Chẽ trở thành trung tâm kinh tế lâm nghiệp và cây dược liệu
Với lợi thế thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với cây lâm nghiệp, huyện Ba Chẽ đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Ba Chẽ thành trung tâm kinh tế lâm nghiệp và cây dược liệu của tỉnh, qua đó tạo sinh kế và thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng sống cho bà con trên địa bàn.
Hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030" và Nghị quyết số 337/NQ-HĐND ngày 24/3/2021 của HĐND tỉnh về "Quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh", hằng năm huyện Ba Chẽ đều thực hiện ký cam kết triển khai trồng rừng gỗ lớn với các đơn vị, doanh nghiệp và chủ rừng trên địa bàn. Giai đoạn 2021-2024, bình quân mỗi năm huyện Ba Chẽ trồng mới được hơn 3.300ha rừng, độ che phủ rừng đạt 72,2%, đưa huyện trở thành địa phương đứng đầu toàn tỉnh về phát triển rừng. Riêng diện tích trồng rừng gỗ lớn là 2.686ha, trong đó diện tích trồng lim, lát, giổi là 1,041ha; còn lại là keo Australia, thông mã vĩ, sồi phảng.
Tận dụng thế mạnh của địa phương, huyện Ba Chẽ cũng tích cực phát triển kinh tế dược liệu để đảm bảo sinh kế, phát triển kinh tế địa phương. Trà hoa vàng, ba kích, cát sâm được kỳ vọng sẽ là những cây dược liệu chủ lực, góp phần tạo sinh kế cho người dân và phát triển kinh tế địa phương. Đến nay, toàn huyện đã trồng được hơn 400ha dược liệu; sản lượng khai thác khoảng 60 tấn tươi/năm. Trong đó, trà hoa vàng (59,7 tấn), ba kích tím (0,3 tấn củ tươi). Toàn huyện có 28 cơ sở chế biến dược liệu, công suất tiêu thụ sản phẩm mỗi năm đạt khoảng 230 tấn.

Với định hướng trở thành trung tâm kinh tế lâm nghiệp và cây dược liệu của tỉnh, huyện đã triển khai nhiều chính sách khuyến khích đầu tư phát triển dược liệu, hỗ trợ về công nghệ, giống vốn, quy trình khoa học công nghệ, chuyển giao kỹ thuật. Hiện nay đã hình thành vùng sản xuất tập trung các loài dược liệu có giá trị kinh tế cao. Các hoạt động xúc tiến hỗ trợ cho các nhà đầu tư, kết nối các dự án và các vùng trồng cũng được chú trọng; việc đầu tư, xây dựng các nhà máy sản xuất thuốc, sản xuất thực phẩm chức năng từ dược liệu cũng được quan tâm.
Theo ông Khiếu Anh Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ, cùng với đẩy nhanh tốc độ che phủ rừng, bảo vệ rừng trồng cây lâu năm và triển khai mạnh mẽ các dự án trồng cây gỗ lớn, huyện đang tiếp tục đẩy mạnh rà soát diện tích đất trống và rừng trồng hiện có để xác định diện tích rừng có thể chuyển hóa sang kinh doanh gỗ lớn, diện tích đất trống có khả năng đưa vào trồng mới theo hướng thâm canh, kết hợp trồng cây dược liệu, tạo thu nhập ổn định, để người dân, nhất là đồng bào vùng DTTS an tâm bám đất, bám rừng. Huyện phấn đấu đến hết năm 2025, diện tích trồng rừng tập trung đạt trên 15.000ha bao gồm cả rừng gỗ lớn.

Hiện nay, Ba Chẽ đã thực hiện cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững trên địa bàn các xã Thanh Lâm, Thanh Sơn, Nam Sơn, Đồn Đạc với tổng số hộ tham gia là 1.003 hộ, tổng diện tích 9.488ha. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân tích cực đưa cơ giới vào đồng ruộng, ứng dụng tiến bộ KHKT, công nghệ cao vào sản xuất. Nhờ vậy năng suất, chất lượng sản xuất đạt cao, nông dân có thu nhập ổn định, đời sống ngày càng được nâng cao.
Ý kiến ()