
Chuẩn hoá cán bộ cấp xã đáp ứng yêu cầu mới
Trong bối cảnh đất nước phát triển hết sức mạnh mẽ, việc nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng cho cán bộ nói chung, đội ngũ cán bộ cấp xã nói riêng là một yêu cầu vô cùng cấp thiết. Xác định rõ điều đó, ngay từ sớm, từ xa, Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp quan trọng, đồng bộ nâng cao chất lượng đội ngũ này, góp phần đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới.
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý xã hội, đồng thời đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với cán bộ, công chức nói chung, cấp xã nói riêng, đòi hỏi cán bộ, công chức phải hiểu biết và có kỹ năng sử dụng các công cụ và ứng dụng công nghệ số, đặc biệt là kỹ năng xử lý khủng hoảng truyền thông, kỹ năng tương tác với người dân và doanh nghiệp trên nền tảng số… Do đó, mục tiêu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, trình độ chuyên môn và năng lực là rất cấp thiết. Chính bởi vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh nói chung, cấp xã nói riêng luôn được đặc biệt chú trọng, quan tâm.
Hằng năm, các đơn vị đã tiến hành rà soát, cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng, trong đó ưu tiên cán bộ cấp cơ sở và cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa đạt chuẩn, cán bộ trong quy hoạch. Ngoài tham gia các lớp đào tạo trong NSNN, nhiều cán bộ, công chức còn sắp xếp công việc, thời gian hợp lý để tham gia các lớp đào tạo ngoài ngân sách, kinh phí do cá nhân tự túc. Qua đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ, công chức đã được trang bị, cập nhật những kiến thức, kỹ năng đáp ứng tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh lãnh đạo quản lý, chức danh nghề nghiệp; đồng thời rèn luyện đạo đức, thái độ thực hiện công vụ, góp phần nâng cao năng lực công tác, chất lượng và hiệu quả làm việc.
Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, các đơn vị cũng tiến hành các hình thức kiểm tra, sát hạch, làm cơ sở đánh giá trình độ, năng lực và phân loại cán bộ, công chức một cách khách quan và chính xác; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức; bố trí sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức phù hợp vị trí việc làm. Qua các đợt kiểm tra, sát hạch, các địa phương đã tổ chức rút kinh nghiệm đối với những đơn vị có công chức không đạt yêu cầu. Hầu hết các đơn vị, UBND xã, phường đã có sự điều chỉnh, bố trí, sắp xếp lại công việc cho phù hợp với cán bộ, công chức; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng phù hợp.
Việc sát hạch đã khích lệ cán bộ, công chức của các đơn vị tích cực tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, rèn luyện năng lực thực tiễn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ; công việc triển khai được nền nếp hơn, chất lượng tham mưu tốt hơn. Nhờ vậy, những năm gần đây, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đã dần được nâng lên.
Đặc biệt, với vai trò nòng cốt, Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ thời gian qua đã tổ chức và phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho hàng nghìn lượt cán bộ, công chức cấp xã. Nổi bật, nhà trường đã triển khai đề tài khoa học cấp tỉnh “Đánh giá chương trình, hiệu quả sau bồi dưỡng và đề xuất giải pháp bồi dưỡng cán bộ cấp xã tại tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022-2025”.
Trên cơ sở phân tích thực trạng hiệu quả chương trình bồi dưỡng giai đoạn 2015-2021 và phân tích nhu cầu bồi dưỡng của đội ngũ cán bộ cấp xã trên địa bàn tỉnh thời gian tới, nhóm nghiên cứu đã đề xuất chương trình bồi dưỡng theo vị trí việc làm nhằm đáp ứng yêu cầu mới trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, nhóm nghiên cứu đã phân chia đội ngũ cán bộ cấp xã thành 4 nhóm đối tượng, bao gồm: Nhóm đối tượng 1: Bí thư, phó bí thư cấp ủy cấp xã; nhóm đối tượng 2: Chủ tịch, phó chủ tịch HĐND cấp xã; nhóm đối tượng 3: Chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp xã; nhóm đối tượng 4: Chủ tịch MTTQ và trưởng đoàn thể chính trị - xã hội cấp xã.
Với mỗi nhóm đối tượng sẽ được thiết kế các chuyên đề bồi dưỡng phù hợp với vị trí việc làm nhằm trang bị thêm kiến thức, kỹ năng, giúp đội ngũ cán bộ cấp xã hoàn thành tốt công việc trong bối cảnh hiện nay. Theo đó, khối kiến thức chung gồm 4 chuyên đề: Hệ thống chính trị cơ sở với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư; hệ thống chính trị ở cơ sở với công cuộc chuyển đổi số toàn diện; xây dựng và phát triển văn hóa, con người góp phần xây dựng tỉnh Quảng Ninh giàu đẹp, văn minh, hiện đại; phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và những vấn đề đặt ra đối với hệ thống chính trị cơ sở.
Nội dung các chuyên đề cập nhật những quan điểm chỉ đạo mới nhất của Trung ương, của tỉnh, đặc biệt là đề cập đến những vấn đề cần thiết trong bối cảnh hiện nay như công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và chuyển đổi số. Với các chuyên đề cụ thể, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất những chuyên đề thiết thực gắn trực tiếp với chức trách của đối tượng bồi dưỡng.
Ngoài chương trình của tỉnh, việc bồi dưỡng cán bộ cấp xã được thực hiện ở các huyện, thị xã, thành phố và MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các ban, ngành cấp tỉnh theo những chương trình khác nhau. Nhìn tổng quát, các chương trình bồi dưỡng cơ bản đáp ứng được yêu cầu cập nhật thông tin và trang bị kỹ năng cho cán bộ cấp xã trong quá trình thực thi công vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong thời gian tới.
Ý kiến ()