
Doanh nghiệp chung tay tiết kiệm điện
Theo thống kê của Công ty Điện lực Quảng Ninh, tổng sản lượng điện tiết kiệm năm 2024 trên địa bàn toàn tỉnh gần 140 triệu kWh (chiếm 2,05% trên tổng thương phẩm toàn Công ty), đáp ứng yêu cầu của Chính phủ là phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ. Kết quả này có được nhờ nhiều doanh nghiệp đã và đang tích cực thực hành tiết kiệm điện và tối ưu năng lượng sạch trong sản xuất.
Công ty Amata Hạ Long là đơn vị thực hiện đầu tư dự án KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên) đồng thời thực hiện chức năng phân phối điện cho các khách hàng thứ cấp trong KCN. Tính đến thời điểm này, KCN Sông Khoai đã có 20 nhà đầu tư thứ cấp, trong đó có 2 nhà máy đi vào hoạt động, 6 nhà máy đang chạy thử và 12 nhà máy đang xây dựng. Phần lớn các nhà đầu tư thứ cấp đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Thụy Điển và chủ yếu đầu tư trong lĩnh vực sản xuất chế biến, chế tạo, công nghệ cao như: Điện tử, phụ tùng ô tô, cơ khí… với mức độ tự động hóa cao, nhu cầu sử dụng công suất điện lớn.
Có thời điểm, tổng công suất vận hành của KCN Sông Khoai cao nhất lên tới 165MW với sản lượng điện tiêu thụ gần 1 tỷ kWh/năm. Xác định xây dựng doanh nghiệp trên nền tảng phát triển xanh, bền vững, ngay từ khâu quy hoạch, thiết kế, sử dụng năng lượng, Công ty Amata Hạ Long đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp tiết kiệm điện. Trong đó, nổi bật như: Lựa chọn, đầu tư các thiết bị phân phối tiên tiến hàng đầu thế giới vừa đảm bảo hiệu suất cao mà mức tổn hao thấp; tối ưu hóa mạng lưới cấp điện thông qua việc đầu tư xây dựng trạm biến áp 110kV số 1 ngay tại trung tâm trong KCN, qua đó đã giảm chiều dài đường dây phân phối 22kV từ trạm biến áp 110kV đến phụ tải khách hàng; lắp đặt hệ thống tụ bù, giảm tổn thất điện năng trên lưới. Đặc biệt, trong năm 2024, Công ty đã đầu tư xây dựng Trung tâm điều khiển xa, giúp các kỹ sư vận hành theo dõi 24/24h tình trạng hoạt động của hệ thống cung cấp điện để phát hiện và xử lý sự cố… Qua đó, trung bình mỗi năm Công ty tiết kiệm hơn 1 triệu kWh.
Ông Nguyễn Văn Dân, Giám đốc Quản lý vận hành điện, KCN Sông Khoai, cho biết: Trong thời gian tới, với sự gia tăng của các nhà đầu tư thứ cấp và nhiều nhà máy đi vào hoạt động, công suất cũng như sản lượng tiêu thụ điện năng trong KCN chắc chắn sẽ tăng trưởng mạnh. Hiện Công ty đã lên kế hoạch phối hợp với các nhà đầu tư thứ cấp trong KCN lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái tự sản, tự tiêu. Mục tiêu là đến năm 2030 sẽ lắp đặt công suất lên đến 200MWp để góp phần giảm tải cho hệ thống điện quốc gia cũng như tổn thất trên lưới điện truyền tải.
Để đảm bảo sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, nhiều doanh nghiệp sản xuất lớn, các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn tỉnh cũng đã áp dụng mô hình quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 500001. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp trong ngành Than, sản xuất xi măng đã thực hiện thay thế các công nghệ mới sử dụng tối thiểu điện năng, tối ưu hóa các thông số vận hành thiết bị, dịch chuyển biểu đồ phụ tải, qua đó góp phần giảm tải điện năng tiêu thụ.

Điển hình, như Công ty CP Than Hà Lầm, là đơn vị sản xuất than hầm lò với sản lượng than khai thác trên 2 triệu tấn/năm, lượng điện năng tiêu thụ của Công ty là rất lớn, có thể lên tới 20 triệu kWh điện/năm. Để vừa tiết kiệm điện vừa đảm bảo năng suất hoạt động của các hệ thống thiết bị máy móc, Công ty CP Than Hà Lầm đã xây dựng nhiều phương án sử dụng điện hiệu quả, tập trung và các hoạt động tiêu thụ điện năng lớn nhất. Theo đó, Công ty đã áp dụng công nghệ biến tần phòng nổ cho các băng tải dốc xuống lò, khởi động mềm cho các tuyến vận tải chính, điều chỉnh tốc độ quạt gió, hẹn giờ cho hệ thống phun sương dập bụi cao áp tại các kho than…
Nhờ triển khai đồng bộ, hằng năm Công ty CP Than Hà Lầm đã tiết giảm 1,5-2 triệu kWh, góp phần đáng kể trong việc giảm chi phí sản xuất than và làm tốt trách nhiệm của một doanh nghiệp trọng điểm trong lĩnh vực an ninh năng lượng của quốc gia.

Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp nặng, chế biến chế tạo, tiểu thủ công nghiệp, cơ khí… cũng đang triển khai nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng. Theo thống kê của Công ty Điện lực Quảng Ninh, năm 2024 và quý I/2025, toàn tỉnh có khoảng 20.000 khách hàng ký cam kết tiết kiệm điện, trong đó có 190 khách hàng lớn (sản lượng tiêu thụ từ 1 triệu kWh/năm).
Ông Phạm Duy Thanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương khẳng định: Theo tính toán của ngành Điện, mức tiêu thụ điện cao điểm vào mùa hè 2025 có thể tăng 10-15% so với trung bình năm. Trước nguy cơ tiếp tục thiếu hụt điện trong mùa cao điểm nắng nóng, việc các đơn vị, doanh nghiệp chung tay với ngành điện thực hiện tối ưu hóa các giải pháp sẽ giảm bớt khó khăn do thiếu điện gây ra và thúc đẩy nền kinh tế xanh, phát triển bền vững.
Ý kiến ()