
TKV đẩy mạnh tuyển sinh nghề mỏ hầm lò
Thiếu hụt nhân lực hầm lò tác động lớn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của ngành Than, nhất là khi Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đang tiếp tục triển khai các dự án khai thác xuống sâu. Để giải bài toán này, TKV tiếp tục chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyển sinh, tuyển dụng nghề mỏ hầm lò theo hướng tìm kiếm các thị trường lao động bền vững.
Trong nhiều năm, Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam liên tục mở rộng hệ thống tuyển sinh trong cả nước. Trường tập trung tuyển sinh tại các địa phương thuộc khu vực Bắc Trung Bộ với mạng lưới tuyển sinh vươn tới tận các thôn, xã. Ở những địa bàn này, nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương và nhân dân trong công tác tuyên truyền, quảng bá về điều kiện đãi ngộ, môi trường làm việc tại các doanh nghiệp thuộc TKV.
Ông Nguyễn Huy Trường, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam, cho biết: Trong quá trình tuyển sinh, Nhà trường áp dụng hình thức quảng bá về TKV và phương pháp đào tạo nghề mỏ hầm lò một cách trực quan, sinh động thông qua các video, phóng sự truyền hình đã phát sóng trên các kênh của Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh và các địa phương. Cách tuyển sinh trực tiếp này thu được hiệu quả khá cao, với tỷ lệ chiếm 60-70% số lượng học viên đăng ký tham gia các khóa đào tạo mỗi năm.
Một trong những đổi mới trong công tác tuyển sinh của Nhà trường thời gian qua là tăng cường khai thác thị trường lao động miền Đông tỉnh Quảng Ninh. Đây là khu vực dồi dào nguồn lao động trẻ, có điều kiện cư trú, đi lại thuận tiện hơn so với những lao động ngoại tỉnh. Theo đó, Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam giải quyết được cùng lúc hai nhiệm vụ là tuyển sinh các nghề mỏ hầm lò và góp phần đảm bảo công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Qua nhiều năm thực hiện đồng bộ các giải pháp, công tác tuyển sinh nghề mỏ hầm lò có nhiều khởi sắc. Đặc biệt, việc các mỏ như Than Mông Dương, Than Khe Chàm, Than Hạ Long bố trí phương tiện đưa đón công nhân đi làm và trở về nhà sau ca đã giúp chất lượng tuyển sinh, tuyển dụng ở khu vực này đạt hiệu quả cao. Sau nhiều năm khai thác thị trường lao động này, các mỏ khu vực miền Đông duy trì lực lượng lao động khá ổn định.

Từ khi được tuyển sinh để đào tạo nghề mỏ hầm lò tại Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam, thợ lò Loan Văn Nghiệp (quê ở xã Hoành Mô) đã xác định sẽ gắn bó lâu dài với ngành Than. Thời gian học tại trường, Loan Văn Nghiệp đã nhanh chóng thể hiện khả năng tiếp thu và thích ứng với nghề, thành thạo kỹ thuật từ công việc đào lò, khai thác đến các hạng mục an toàn trong lao động. Sau khi tốt nghiệp và được nhận vào làm việc tại Công ty Than Mông Dương, Nghiệp đã nhanh chóng khẳng định tay nghề, bậc thợ.
Anh Ngô Xuân Tình, Phó Quản đốc Phân xưởng Đào lò 6, Công ty CP Than Mông Dương - Vinacomin, cho biết: Không chỉ là công nhân có ngày công cao, thu nhập cao với mức từ 18-25 triệu đồng/tháng trong phân xưởng, Loan Văn Nghiệp còn có nhiều sáng kiến giúp nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh.
Nhận thấy tương lai tươi sáng với nghề mỏ, hằng năm Nghiệp đều tích cực giới thiệu, động viên anh em, họ hàng, thanh niên đến độ tuổi lao động tại địa phương đi học nghề và về công tác tại Công ty CP Than Mông Dương. Anh chia sẻ: Giờ đây tôi đã tích góp đủ để xây dựng một tổ ấm khang trang. Ngôi nhà luôn tràn ngập tiếng cười của gia đình nhỏ là nguồn động lực giúp tôi vững vàng gắn bó lâu dài với nghề mỏ, với ngành than.
Bằng một loạt giải pháp tổng thể cải thiện điều kiện làm việc, ứng dụng công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất của TKV, rất nhiều thợ lò đã chạm đích thu nhập ngàn đô/người/tháng. Ngành Than đã và đang đem lại nhiều cơ hội đổi đời đối với không ít lớp thanh niên trẻ tại các vùng miền xa xôi.

Để tiếp tục tuyển sinh, tuyển dụng hiệu quả hơn, các doanh nghiệp trực thuộc TKV đều tăng cường mọi chế độ chính sách nhằm nâng cao đời sống cho người lao động. Đặc biệt, về chế độ tiền lương, thưởng, các đơn vị ngành Than ngày càng dành những đãi ngộ tốt cho người lao động.
Chủ tịch Công đoàn TKV Lê Thanh Xuân cho biết: Để thu hút lao động, TKV tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao sức hấp dẫn nghề nghiệp, gồm tiền lương và các chính sách phúc lợi đối với người lao động. Các đơn vị thành viên của TKV đã dành nguồn lực lớn để cải thiện điều kiện làm việc, đi lại, vận chuyển cho thợ lò, nâng cao thời gian sản xuất hữu ích trong ca, giải phóng sức lao động cho công nhân, tạo điều kiện tối đa để người lao động nâng cao năng suất và tăng thu nhập.
Công nghệ, chính sách, con người đồng hành là hướng đi đúng của TKV trong công tác tuyển sinh nghề mỏ hầm lò, nhằm xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng, phục vụ sự phát triển bền vững của ngành Than.
Ý kiến ()