
Kỳ họp thứ 29, HĐND tỉnh khóa XIV Thảo luận, quyết nghị nhiều nội dung quan trọng cho năm cuối nhiệm kỳ
Kỳ họp thứ 29 - kỳ họp thường lệ giữa năm 2025 của HĐND tỉnh khoá XIV có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển KT-XH của Quảng Ninh. Trong ngày đầu diễn ra kỳ họp, đại biểu HĐND tỉnh đã nghe các báo cáo và tờ trình; đồng thời dành nhiều thời gian xem xét, thảo luận các nội dung quan trọng, đặc biệt là những định hướng phát triển cho nửa cuối năm 2025 - năm có ý nghĩa bản lề đối với nhiệm kỳ 2020-2025 và chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo của tỉnh.
Khơi dậy động lực phát triển
Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối của nhiệm kỳ và kế hoạch 5 năm (2021-2025); năm tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Với ý nghĩa quan trọng đó, Kỳ họp thứ 29 của HĐND tỉnh không chỉ là dịp để đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm, đề ra phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của tỉnh, mà còn là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng để cụ thể hóa, quán triệt sâu sắc và triển khai kịp thời, đồng bộ các nghị quyết, luật của Quốc hội vào thực tiễn địa phương. Đây cũng là kỳ họp đầu tiên của HĐND tỉnh sau khi hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã. Toàn tỉnh chính thức bước sang giai đoạn vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, đặt ra những yêu cầu cao hơn về chất lượng quản trị và mức độ phục vụ người dân. Điều này đòi hỏi HĐND tỉnh có những quyết sách mang tính đột phá và hiệu quả để đảm bảo bộ máy hành chính hoạt động thông suốt, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân và doanh nghiệp.
HĐND tỉnh đã tiến hành xem xét, thảo luận đối với các báo cáo kết quả hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các ban của HĐND tỉnh và của các ngành: Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh. Qua đó nhằm đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH; kết quả công tác phòng chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác xét xử, thực hành quyền công tố, thi hành án dân sự và thông báo của Ủy ban MTTQ tỉnh về công tác tham gia xây dựng chính quyền 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025.
Trên cơ sở đánh giá khách quan, phân tích sâu sắc tình hình, làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân khách quan, chủ quan, đồng thời đúc kết bài học kinh nghiệm, các đại biểu sẽ đề xuất giải pháp hiệu quả để hoàn thành toàn diện mọi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KT-XH, QP-AN trong 6 tháng cuối năm và của cả năm 2025.
Bên cạnh đó, HĐND tỉnh sẽ xem xét 22 dự thảo nghị quyết do UBND tỉnh trình. Các nghị quyết nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy vào điều kiện thực tế của địa phương; tạo cơ chế, chính sách nhằm phát huy tiềm năng và thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Đáng chú ý, có tới 15 nghị quyết là văn bản quy phạm pháp luật, đây là khối lượng nghị quyết quy phạm pháp luật lớn nhất trong một kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Điều này cho thấy sự chủ động, quyết liệt của tỉnh trong việc tạo hành lang pháp lý vững chắc cho việc điều hành phát triển KT-XH. Đồng thời, HĐND tỉnh cũng sẽ xem xét, bãi bỏ 9 nghị quyết không còn phù hợp với thực tiễn triển khai và các quy định mới của pháp luật hiện hành.

Tại kỳ họp này HĐND tỉnh cũng xem xét, thảo luận các báo cáo kết quả giải quyết các kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 và những kiến nghị chưa được giải quyết dứt điểm trong các kỳ họp trước của HĐND tỉnh; báo cáo giám sát chuyên đề 6 tháng đầu năm của HĐND tỉnh, Thường trực và các ban của HĐND tỉnh; xem xét việc điều chỉnh chương trình giám sát năm 2025 của HĐND tỉnh. Đồng thời, trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng, xem xét toàn diện, cân đối giữa các lĩnh vực, Thường trực HĐND tỉnh lựa chọn chuyên đề giám sát trình HĐND tỉnh xem xét, quyết nghị thông qua chương trình giám sát của HĐND tỉnh năm 2026.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Những nội dung HĐND tỉnh xem xét, quyết định tại kỳ họp có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển KT-XH của tỉnh. Đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh và đại biểu tham dự kỳ họp nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, tích cực tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến, thể hiện rõ quan điểm về từng nội dung, nhất là những vấn đề còn ý kiến khác nhau. Qua đó tạo sự thống nhất cao của HĐND tỉnh để có những quyết định đúng đắn và thông qua các nghị quyết trình tại kỳ họp nhằm triển khai, tổ chức thực hiện, nhanh chóng ổn định bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, kịp thời phục vụ nhân dân, doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào kết quả phát triển KT-XH, QP-AN và thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Trí tuệ, trách nhiệm vì sự phát triển đổi mới
Với tinh thần trách nhiệm cao, các phiên thảo luận diễn ra nghiêm túc, dân chủ, không khí sôi nổi, thu hút nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn, tâm huyết. Đại biểu tập trung phân tích, đánh giá khách quan những kết quả nổi bật trong thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm; chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và đề xuất phương hướng, giải pháp cho 6 tháng cuối năm. Các đại biểu đã tham gia góp ý cụ thể vào nội dung các dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp, nhất là về giải pháp khắc phục hạn chế được nêu trong dự thảo nghị quyết nhiệm vụ phát triển KT-XH; các cơ chế, chính sách liên quan trực tiếp đến an sinh xã hội, đời sống người dân và sự phát triển chung của tỉnh. Qua đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm vận hành hiệu quả mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới.
Thảo luận về tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, các đại biểu đều bày tỏ sự nhất trí cao với báo cáo, cũng như công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh. Để hoàn thành tốt nhất kế hoạch năm, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 14%, nhiều ý kiến cho rằng UBND tỉnh cần triển khai đồng bộ, quyết liệt hơn nữa các giải pháp. Trong đó, nhấn mạnh việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành thu - chi ngân sách; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khơi thông và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Đồng thời, chú trọng phát triển kinh tế tư nhân; đẩy mạnh ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; tiếp tục cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh... Đây chính là những giải pháp then chốt để tỉnh hoàn thành mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, tạo nền tảng phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.
Đại biểu Cao Tường Huy, Bí thư Đảng uỷ đặc khu Vân Đồn, cho rằng: Để đạt được kịch bản tăng trưởng 14% là thách thức không nhỏ, đòi hỏi sự nỗ lực lớn, quyết tâm cao, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và phải tập trung vào các động lực then chốt. Trong đó, ưu tiên đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, xác định rõ các công trình trọng tâm, trọng điểm, tổ chức thi công tăng ca, làm ngày, làm đêm để bảo đảm sản lượng. Đồng thời, tỉnh cần tăng cường thu hút đầu tư ngoài ngân sách, nhất là nguồn vốn FDI. Bên cạnh đó, cần có giải pháp phát triển mạnh thương mại, dịch vụ, nhất là du lịch, tận dụng hạ tầng kết nối hàng không, cảng biển đã được đầu tư đồng bộ để gia tăng lượng khách, tạo sức bật mới cho tăng trưởng.

Các đại biểu cũng tập trung thảo luận, đề xuất thêm nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm vận hành hiệu quả mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm bộ máy hoạt động thực sự hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, ổn định và thông suốt.
Đại biểu Vũ Đình Nhân, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ phường Mông Dương, nhấn mạnh: Để chính quyền xã, phường, đặc khu sớm đi vào hoạt động nền nếp, ổn định, đề xuất UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy, đẩy mạnh bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ cho đội ngũ CBCCVC-NLĐ cấp xã, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mô hình mới. Cùng với đó, cần sớm phê duyệt đề án tổng thể sắp xếp hệ thống y tế theo mô hình 2 cấp; có giải pháp bố trí, cân đối nguồn nhân lực giáo dục phù hợp; chỉ đạo các sở, ngành rà soát các nghị quyết quy phạm pháp luật của HĐND tỉnh để kịp thời điều chỉnh, trình HĐND xem xét quyết định theo đúng thẩm quyền, bảo đảm các nghị quyết được thực hiện hiệu quả, đồng bộ.
Các đại biểu đã dành nhiều thời gian thảo luận, đóng góp ý kiến các tờ trình và dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp liên quan đến những nhiệm vụ trọng tâm như: Phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm; quyết định mức đầu tư, hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp; quy định mức hỗ trợ sản xuất nông nghiệp nhằm khôi phục các vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật; quy định mức chi công tác phí, chi hội nghị đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, các hội sử dụng NSNN; nội dung, mức chi thực hiện đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”; mức chi cho hoạt động tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật và Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng; mức trợ cấp hưu trí xã hội cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội trên địa bàn tỉnh.... Các ý kiến bám sát thực tiễn, góp phần hoàn thiện các nghị quyết, bảo đảm khi ban hành sẽ sớm đi vào cuộc sống, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân, doanh nghiệp và yêu cầu phát triển của tỉnh.
Đại biểu Đào Biên Thùy, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã Quảng Tân, bày tỏ nhất trí với các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp. Đại biểu cho rằng: Năm 2025 với chủ đề “Bứt phá trong phát triển kinh tế, tạo đà cho nhiệm kỳ mới”, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm kỳ 2020-2025, tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp bước đầu hiệu quả, thông suốt. Để đạt mục tiêu tăng trưởng trên 14% và đưa mô hình chính quyền mới vận hành hiệu quả, cần phải tiếp tục cụ thể hoá Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân; đẩy nhanh điều chỉnh quy hoạch, GPMB, tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư. Cùng với đó, tập trung hoàn thiện các dự án trọng điểm như Hạ Long Xanh, Công viên Đại dương, Quang Hanh, sân golf Uông Bí; phát triển mạnh dịch vụ, du lịch chất lượng cao, xây dựng Quảng Ninh trở thành điểm đến “du lịch 4 mùa”, trung tâm du lịch quốc tế theo quy hoạch quốc gia; phát huy tối đa tiềm năng du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, tạo thêm động lực tăng trưởng bền vững cho tỉnh…
Ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp thường lệ giữa năm của HĐND tỉnh đã diễn ra nghiêm túc, trách nhiệm, đạt nhiều kết quả quan trọng. Những nội dung được thảo luận, cho ý kiến sẽ là cơ sở vững chắc để HĐND tỉnh ban hành các quyết sách sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển. Kỳ họp tiếp tục khẳng định tinh thần đổi mới, đoàn kết, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, hướng tới hoàn thành thắng lợi các mục tiêu năm 2025 và cả nhiệm kỳ.
![]() Chủ tịch UBND phường Yên Tử Mạc Xuân Tú:
Có cơ chế đặc thù, linh hoạt trong quản lý và khai thác di sản
Sau khi sáp nhập 3 địa phương là Phương Đông, Phương Nam, Thượng Yên Công, phường Yên Tử đang đứng trước những cơ hội phát triển rất lớn. Đặc biệt, việc Quần thể di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử vừa được UNESCO công nhận là Di sản thế giới là sự kiện mang ý nghĩa lịch sử không chỉ với phường Yên Tử mà còn với cả tỉnh Quảng Ninh và quốc gia.
Di sản thế giới là một danh hiệu đi kèm với trách nhiệm quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững rất cao. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và một tầm nhìn dài hạn, lợi thế này có thể bị lãng phí, hoặc không phát huy được hết danh hiệu. Mong rằng tỉnh sớm hoàn thiện các quy hoạch phân khu, quy hoạch bảo tồn và phát triển không gian di sản gắn với định hướng đô thị du lịch sinh thái - văn hóa đặc thù của Yên Tử; có cơ chế quản lý đặc thù, vừa linh hoạt, vừa chặt chẽ, để đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữa giá trị văn hóa tâm linh với yêu cầu hiện đại hóa hạ tầng và dịch vụ. Đồng thời, trao thẩm quyền cho địa phương, nhất là trong việc phối hợp với các cơ quan chuyên môn về đất đai, đầu tư, quy hoạch, du lịch để chủ động hơn trong điều hành và ứng xử kịp thời với các tình huống phát sinh trong thực tiễn.
|
![]() Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND phường Liên Hoà Tô Duy Tòng:
Nỗ lực hết mình để mỗi nghị quyết, mỗi chính sách được ban hành thực sự đi vào cuộc sống
Tôi nhất trí cao với các chủ trương, chính sách được thảo luận tại Kỳ họp thứ 29, đặc biệt là các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm 2025. Đây là những định hướng quan trọng, kịp thời, sát với thực tiễn, phù hợp với yêu cầu phát triển trong giai đoạn hiện nay.
Với trách nhiệm là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, tôi cùng các đại biểu HĐND phường cam kết sẽ luôn nỗ lực hết mình để mỗi nghị quyết, mỗi chính sách được ban hành thực sự đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực, thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của địa phương. Trên cơ sở rà soát, đánh giá lại toàn diện các tiềm năng, lợi thế sau sáp nhập, cùng với việc kế thừa và vận dụng linh hoạt các chính sách hữu hiệu của Trung ương và của tỉnh, sẽ huy động tối đa các nguồn lực đầu tư để hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông huyết mạch liên vùng; xây dựng cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển mạnh các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chế biến, chế tạo…
|
![]() Chủ tịch UBND xã Lục Hồn Vi Tiến Vượng:
Tập trung bứt phá trong phát triển kinh tế
Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc cụ thể hóa các mục tiêu phát triển KT-XH giai đoạn 2020-2025 của tỉnh và của địa phương. Xã Lục Hồn bám sát chỉ đạo của tỉnh để tập trung tạo bứt phá trong phát triển kinh tế, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Dựa trên đặc thù của địa phương có đất đai màu mỡ, phù hợp cho việc phát triển các loại cây trồng, xã đẩy mạnh việc giúp người dân tiếp cận công nghệ canh tác tiên tiến, từ đó nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hình thành các chuỗi giá trị nông sản sạch. Không chỉ dừng ở sản xuất, xã Lục Hồn tích cực khai thác giá trị văn hóa bản địa như lễ hội, tiếng nói, trang phục dân tộc để tạo dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, trở thành điểm nhấn thu hút du khách.
Bên cạnh sự chủ động của địa phương, rất mong tỉnh có thêm cơ chế chính sách để xã có thêm nguồn lực đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, như tour tham quan di tích lịch sử kết hợp với trải nghiệm văn hóa dân gian. Điều này không chỉ tạo thêm thu nhập cho người dân mà còn giúp quảng bá mạnh mẽ hình ảnh một xã Lục Hồn đang đổi mới và vươn mình.
|
![]() Giám đốc Công ty TNHH Thương mại 166 Hải Hà Nguyễn Văn Đức:Nâng cao năng lực tham mưu, tổ chức thực hiện của cán bộ, công chức Cộng đồng doanh nghiệp rất phấn khởi trước kết quả đạt được của tỉnh trong 6 tháng đầu năm, nhất là công tác triển khai sắp xếp các đơn vị hành chính theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đã phát huy được những hiệu quả tích cực ngay từ những ngày đầu vận hành. Rất nhiều khó khăn, vướng mắc về TTHC, đất đai, thuế quan… đã được lãnh đạo tỉnh, chính quyền địa phương chỉ đạo tháo gỡ kịp thời, tạo động lực để doanh nghiệp mở rộng sản xuất, phát triển thị trường.
Tuy nhiên, để mô hình chính quyền địa phương 2 cấp thực sự phát huy hiệu quả, tôi cho rằng việc tái cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức sau sắp xếp cần tiếp tục được rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, nhất là khi cấp xã được Trung ương trao nhiều quyền hơn. Qua đó, giúp nâng cao năng lực tham mưu, tổ chức thực hiện của các cán bộ, công chức.
|
![]()
Ông Mai Sĩ Nhuần (phường Hà Tu): Tăng cường kiểm soát thị trường và có biện pháp xử lý nghiêm minh
Qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng và tình hình thực tế tại địa phương, tôi cũng như nhiều người dân rất lo lắng trước tình trạng một số loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm không an toàn, hàng giả, hàng buôn lậu... vẫn chưa được quản lý, kiểm soát chặt chẽ. Tôi mong muốn tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và có biện pháp xử lý nghiêm minh; thông tin công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng những cơ sở sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng để bảo vệ cuộc sống yên lành cho nhân dân.
Tỉnh cần tiếp tục bố trí nguồn lực khắc phục các công trình bị thiệt hại do cơn bão số 3 năm 2024 gây ra; nạo vét, cải tạo các suối thoát nước trước mùa mưa lũ; quan tâm bố trí ngân sách để xây dựng mới cũng như nâng cấp các nhà văn hóa cho nhân dân các khu phố; chỉnh trang đô thị, nhất là hệ thống điện chiếu sáng; sớm xử lý, khắc phục các điểm có nguy cơ sạt lở, ngập úng trước mùa mưa.
|
Ý kiến ()