
Ngành Than bứt phá nhờ chuyển đổi số và công nghệ
Trước yêu cầu phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã xác định chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ là hướng đi chiến lược mang tính sống còn. Qua đó, từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng “mỏ thông minh”, hiện đại và thân thiện với môi trường.
Phân xưởng Cơ điện - Vận tải, Công ty CP Than Hà Tu là một điểm sáng. Đơn vị đã khẳng định vai trò tiên phong trong ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo. Là bộ phận phụ trách trực tiếp bảo dưỡng thiết bị cơ giới, phương tiện vận tải, mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất, phân xưởng đã mạnh dạn ứng dụng phần mềm số hóa để theo dõi vận hành, bảo trì thiết bị định kỳ.
Giải pháp này giúp rút ngắn thời gian dừng máy, tối ưu nhân lực và vật tư. Hiện nay, phân xưởng phụ trách quản lý, bảo dưỡng hệ thống thiết bị cơ giới và phương tiện vận tải - mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất. Trước đòi hỏi về tiến độ, chất lượng và an toàn, đơn vị đã đẩy mạnh ứng dụng phần mềm số hóa thiết bị, theo dõi lịch sử vận hành, dự báo bảo dưỡng định kỳ, nhờ đó chủ động bảo trì, giảm thời gian dừng máy và tối ưu nhân lực, vật tư.
Đồng thời, phân xưởng triển khai đồng bộ các giải pháp kỹ thuật hiện đại như camera 360 độ, hệ thống GPS giám sát xe vận tải, cảnh báo sớm hỏng hóc thiết bị… giúp kiểm soát hành trình, nâng cao tính kỷ luật, đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả. Nhiều thiết bị công suất lớn như xe tải CAT777E, máy xúc gầu 12m³, máy khoan gạt hiện đại đã được đơn vị tiếp nhận, khai thác hiệu quả. Để làm chủ công nghệ, đơn vị đặc biệt coi trọng công tác đào tạo tại chỗ, gắn lý thuyết với thực hành, đồng thời chủ động phối hợp với chuyên gia để tiếp nhận và chuyển giao kỹ thuật mới.
Từ thực tiễn lao động, đội ngũ kỹ sư, công nhân đã không ngừng phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đem lại hiệu quả thiết thực, khẳng định năng lực đổi mới và sáng tạo của người thợ mỏ Than Hà Tu. Song hành với đó, các phong trào thi đua như “Người thợ mỏ - Người chiến sĩ”, “Tổ sửa chữa tiết kiệm”, “Tổ xe an toàn” được triển khai sâu rộng, tạo khí thế sôi nổi, khơi dậy tinh thần trách nhiệm và thi đua lao động sáng tạo trong toàn phân xưởng.
Ở khâu khai thác, việc đưa vào sử dụng các thiết bị công suất lớn, hiện đại như máy khoan thủy lực tự hành, máy xúc điện gầu lớn, xe tải siêu trọng… đã làm thay đổi phương thức sản xuất. Tại các mỏ hầm lò, nhiều đơn vị đã sử dụng giàn chống mềm ZRY, hệ thống băng tải liên tục, thiết bị khoan xoay, đo khí mêtan tự động, giúp tăng năng suất, giảm lao động thủ công và đảm bảo an toàn. Nhờ áp dụng đồng bộ các công nghệ hiện đại, ngành Than đang từng bước hiện thực hóa mô hình “mỏ thông minh”, với hệ thống giám sát điều hành tích hợp cảm biến, tự động hóa và nền tảng số.

Không dừng lại ở thiết bị, TKV còn tập trung xây dựng hệ sinh thái số toàn diện. Các phần mềm quản trị tích hợp (ERP, HRM, PMIS…) đang thay thế quy trình thủ công, giúp minh bạch hóa dữ liệu, tăng hiệu quả điều hành. Hệ thống giám sát sản xuất theo thời gian thực, quản lý thiết bị, kho vật tư, nhân lực và an toàn lao động đều đã được số hóa. Ở một số mỏ lộ thiên và nhà máy tuyển than, việc điều hành sản xuất được thực hiện tại trung tâm điều khiển, giảm tối đa rủi ro.
Ông Nguyễn Văn Tuân, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, cho biết: Hiện Tập đoàn đang triển khai hiệu quả mô hình “Trung tâm điều hành sản xuất tập trung”, kết nối toàn bộ các hệ thống khai thác, vận tải, bốc xếp than thông qua mạng lưới cảm biến, dữ liệu số và camera giám sát. Mô hình này giúp rút ngắn thời gian phản hồi khi có sự cố, đồng thời nâng cao năng suất và giảm rõ rệt chi phí sản xuất.
Song song với việc hiện đại hóa công nghệ, TKV đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực số. Nhiều cán bộ, công nhân kỹ thuật đã được đào tạo chuyên sâu về thiết bị số, tự động hóa, từ đó góp phần lan tỏa kỹ năng số sâu rộng trong từng tổ, đội sản xuất. Không chỉ dừng lại ở sản xuất, TKV còn đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tạo bước phát triển đồng bộ và bền vững. Việc triển khai hệ thống quan trắc tự động, xe tưới nước công suất lớn, phun sương dập bụi, xử lý nước thải thông minh… đã và đang góp phần xây dựng môi trường làm việc xanh - sạch - hiện đại tại nhiều đơn vị trong toàn Tập đoàn.
Tuy nhiên, hiện nay việc chuyển đổi số của TKV cũng gặp không ít thách thức. Đó là tình trạng thiếu đồng bộ công nghệ giữa các đơn vị, nhân lực chưa đáp ứng, tâm lý e ngại thay đổi vẫn tồn tại. Để vượt qua, TKV đang yêu cầu các đơn vị cần có chiến lược đầu tư bài bản, xây dựng lộ trình chuyển đổi số cụ thể phù hợp từng loại hình khai thác; đồng thời phát huy sáng kiến từ cơ sở, tạo điều kiện cho cán bộ kỹ thuật và công nhân được tiếp cận công nghệ mới ngay trong môi trường làm việc. Đặc biệt, sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ từ Tập đoàn đến đơn vị sẽ là nhân tố then chốt tạo đà chuyển mình mạnh mẽ, bền vững.
Với tư duy đổi mới, chiến lược công nghệ đúng hướng và sự đồng lòng từ mỗi người lao động, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng ngành Than hiện đại, thông minh, thân thiện với môi trường, đáp ứng kỳ vọng về một ngành năng lượng chủ lực của quốc gia trong thời đại mới.
Ý kiến ()