
Tác phẩm dự thi Giải Búa liềm vàng Quảng Ninh năm 2025: Để thợ lò "bám" mỏ Kỳ 1: Còn đó những trăn trở
Khoảng 15 năm trở về trước, nghề thợ lò là niềm mơ ước của nhiều thanh niên các tỉnh đồng bằng phía Bắc nhưng giờ đây Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) phải mở rộng địa bàn tuyển dụng lực lượng lao động này lên các tỉnh miền núi. Làm thế nào để thợ lò cảm thấy an toàn, yên tâm gắn bó với ngành than là điều mà Đảng bộ TKV và Đảng bộ Than Quảng Ninh đang rất chú trọng trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo các đảng bộ trực thuộc triển khai thực hiện.
Khó từ khâu tuyển sinh
Lâu nay, nghề khai thác than hầm lò vẫn được biết đến là nghề nặng nhọc, nguy hiểm cho dù trong thực tế, số vụ tai nạn lao động thấp hơn so với nhiều ngành nghề công nghiệp khác. Phải chăng là do dư luận nghĩ tới những rủi ro rình rập bởi thợ lò phải làm việc sâu trong lòng đất?
Tính trung bình mỗi năm, các đơn vị khai thác than thuộc TKV cần tuyển mới và đào tạo khoảng trên 4.500 người để bổ sung nhân lực nhưng càng ngày việc hoàn thành chỉ tiêu này càng không dễ dàng. Với số lượng thợ lò hiện tại chỉ có thể đáp ứng nhu cầu sản xuất trước mắt của Tập đoàn, còn để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo thực sự rất khó khăn.

Trước đây, TKV chỉ tuyển thanh niên đã tốt nghiệp trung học phổ thông nhưng những năm gần đây phải hạ tiêu chuẩn xuống nhiều so với trước. Mặc dù vậy, cả 4 phân hiệu của Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam đều giảm đáng kể học sinh theo học. Năm 2024, Trường chỉ tuyển được 3.500 học sinh trong khi theo kế hoạch cần đến 4.500 người. Từ khi địa bàn tuyển sinh thợ lò vùng đồng bằng Bắc bộ bị thu hẹp, khoảng hơn chục năm trở lại đây, TKV phải mở rộng phạm vi lên các tỉnh miền núi phía Bắc. Tuyển sinh đã khó, việc “giữ chân” học sinh cũng không dễ. Dù được đào tạo, ăn, ở miễn phí và đảm bảo sau khi tốt nghiệp có việc làm ngay với mức lương cao cùng nhiều chế độ đãi ngộ hấp dẫn nhưng vẫn khó thu hút thanh niên học nghề. Một cán bộ tuyển sinh của nhà trường chia sẻ: Thanh niên dân tộc thiểu số có xu hướng cộng đồng nên nếu một người bỏ về là có thể nhiều người bỏ theo. Khi nhà trường muốn quay lại nơi đó tuyển sinh rất khó vì thông tin thợ lò bỏ việc là do nghề này vất vả đã được lan truyền khắp thôn bản. Ngoài việc khó tuyển sinh, thợ lò sau khi tốt nghiệp đi làm cũng bỏ việc khá nhiều mà mất một thợ lò nghĩa là các công ty mất thời gian đào tạo với mức kinh phí từ 40 đến 100 triệu đồng/người.

Đi tìm nguyên nhân
Vì sao thợ lò trẻ, được đào tạo bài bản, có sức khỏe, có tay nghề lại hay bỏ việc cho dù sau đó họ phải vất vả bươn chải, tìm kiếm cơ hội khác? Trước đây, bước chân vào nghề thợ lò tuy không biết gắn bó bao lâu nhưng không ai tính đến lúc thôi việc dù biết rằng đây là nghề vất vả bởi thời đó tìm được việc làm ổn định không dễ. Còn thế hệ thợ lò ngày nay xác định rõ ràng ngay từ đầu là làm vài năm, kiếm chút tiền sẽ về quê làm việc khác vì có không ít cơ hội xin việc ở quê khi ngày càng nhiều khu công nghiệp mở ra với ngành nghề đa dạng, điều kiện tuyển dụng dễ dàng. Ở đó, người lao động chỉ cần đào tạo ngắn ngày trong khi thời gian đào tạo 1 khóa sơ cấp nghề mỏ phải học 4 tháng, còn trung cấp phải học hơn 1 năm. Vậy nên cho dù làm ở quê tiền công thấp nhưng vẫn là sự lựa chọn của nhiều lao động trẻ. Còn ngành khai thác than hầm lò mặc dù thu nhập tốt hơn nhưng đòi hỏi cường độ lao động cao trong khi đời sống tinh thần, cơ hội thăng tiến… chưa đủ sức lôi cuốn lớp trẻ. Đối với thợ lò vùng cao, kiếm đủ tiền mua vài con trâu, con bò, có chút vốn là họ thường trở về quê làm nông nghiệp.

Lý do tiếp theo tác động đến tư tưởng thợ lò là vấn đề về an toàn mặc dù theo thống kê, số vụ tai nạn lao động trong hầm lò xảy ra có đến 90% do lỗi chủ quan của công nhân. Những năm gần đây, TKV không ngừng đổi mới công nghệ, tăng tỉ lệ cơ giới hóa và điều kiện làm việc trong lò được cải thiện đáng kể nhưng ý thức chấp hành quy trình an toàn của một bộ phận thợ lò chưa tốt đã làm tăng nguy cơ xảy ra sự cố cho người và thiết bị.

Một lý do khác ảnh hưởng lớn đến tư tưởng thợ lò là vấn đề về “an cư”. Việc cải thiện thu nhập, cải thiện điều kiện làm việc để đảm bảo an toàn và giảm bớt cường độ lao động cho thợ lò có thể thực hiện được nhưng việc tạo dựng hậu phương ổn định ngay tại vùng mỏ cho họ không đơn giản. Cuộc sống của nhiều thợ lò hiện nay chỉ “quanh quẩn” đi làm rồi về nhà tập thể ngủ, thiếu tình cảm đôi lứa, xa vợ con, gia đình. Còn thợ lò trẻ hầu hết khó có cơ hội lập gia đình ở đất mỏ, đặc biệt là thợ lò vùng cao bởi tâm lý chung của các ông bố, bà mẹ người Quảng Ninh không muốn gả con gái cho thợ lò quê ở vùng núi xa xôi. Vì vậy, nhiều thợ lò thu nhập vài chục triệu/tháng nhưng chấp nhận về quê làm lương thấp để được đoàn tụ gia đình. Ngoài ra còn những nguyên nhân khác như có nhiều thợ lò tư tưởng lập trường không vững vàng, chưa chăm chỉ lao động dẫn đến thu nhập thấp sinh ra chán nản; nhiều thợ lò bị lôi cuốn vào các tệ nạn phải đi vay nặng lãi, bị chủ nợ đòi, đành bỏ việc về quê trốn nợ.

Từ những nguyên nhân trên, cho dù hiện nay, TKV chưa thiếu thợ lò nhưng vẫn luôn đang ở trong thế “bấp bênh” về nguồn lực trong tương lai. Đứng trước tình hình này, Đảng bộ TKV và Đảng bộ Than Quảng Ninh xác định để người lao động quay trở lại gắn bó với ngành than như trước đây là vấn đề cần phải làm ngay và cần có sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng đồng lòng vào cuộc ở chặng đường phía trước.
Ý kiến ()