
Tác phẩm dự thi Giải Búa liềm vàng Quảng Ninh năm 2024: Để thợ lò "bám" mỏ Kỳ 2: Kỳ vọng sức hút thợ lò đến với ngành than
Hiện nay, Đảng bộ TKV và Đảng bộ Than Quảng Ninh đang chỉ đạo các đảng bộ trực thuộc được giao nhiệm vụ khai thác than hầm lò tích cực triển khai chủ trương “3 hóa” vào sản xuất gồm: cơ giới hóa, tin học hóa và tự động hóa với mục tiêu đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ ở tất cả các khâu sản xuất. Song song với đó, các đảng bộ trực thuộc đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các chi bộ thực hiện đồng bộ các giải pháp từ chăm lo đời sống đến đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng tư tưởng thợ lò. Hơn bao giờ hết, công tác thu hút, “giữ chân” thợ lò được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng lúc này đối với sự phát triển bền vững của ngành Than - Khoáng sản Việt Nam.
Nhiều giải pháp hiệu quả
Để ổn định nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp sản xuất than, Đảng bộ TKV và Đảng bộ Than Quảng Ninh đang tập trung chỉ đạo để giải quyết vấn đề lớn nhất hiện nay là tiếp tục hiện đại hóa công nghệ khai thác nhằm giải phóng sức lao động và đảm bảo an toàn cho thợ lò. Các đơn vị đẩy mạnh đổi mới công nghệ, chống lò hoàn toàn bằng vì sắt, cột thủy lực đơn và giàn chống tự hành; sử dụng máy khấu than thay cho nổ mìn thủ công; dùng máy xúc đất đá lật hông đào lò; áp dụng cơ giới hóa hạng nhẹ và cơ giới hóa từng phần vào khai thác. Nhằm giảm thiểu tai nạn lao động, các đơn vị chú trọng khoan thăm dò nước, khoan tháo khí và duy trì hệ thống cảnh báo để phát hiện kịp thời nguy cơ cháy nổ.
Từ giữa năm 2024, TKV thực hiện lộ trình tăng tiền lương cho toàn bộ người lao động, áp dụng cơ chế trả lương theo vị trí công việc và tăng cường cải thiện đời sống cho thợ lò như: lắp đặt phương tiện hỗ trợ vận chuyển người và vật liệu vào lò; phục vụ cơm tự chọn với món ăn đa dạng; phục vụ tắm, giặt tại chỗ; tổ chức cho thợ lò ngâm khoáng nóng và đi du lịch cùng gia đình…

TKV có khoảng 50 doanh nghiệp tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh với hơn 80 nghìn lao động, trong đó lao động ngoại tỉnh chiếm tỷ lệ lớn. Do nhu cầu nhà ở của công nhân ngày càng cao nên các đơn vị chú trọng xây các chung cư tập thể cho thợ lò. Đồng hành cùng chuyên môn, Công đoàn TKV luôn tạo điều kiện cho người lao động được mua nhà ở xã hội, hỗ trợ công nhân xây, sửa nhà “Mái ấm Công đoàn” và nhận vợ của thợ lò có hoàn cảnh đặc biệt vào làm việc.

Nhằm hạn chế tình trạng thợ lò tham gia các tệ nạn xã hội, một mặt Đảng bộ các công ty than phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các giải pháp đẩy lùi các tụ điểm tiêu cực, một mặt quan tâm chỉ đạo góp phần làm phong phú hơn đời sống tinh thần cho công nhân tại các khu tập thể; tổ chức các chương trình giao lưu, làm cầu nối giữa thợ lò với lực lượng nữ lao động đang làm việc ở các doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Để góp phần nhân rộng đội ngũ thợ lò sản xuất giỏi, từ năm 2020 đến nay, Đảng bộ Than Quảng Ninh chỉ đạo đảng bộ các cơ sở phát động phong trào xây dựng hình ảnh “Người thợ mỏ - Người chiến sĩ”. Từ kết quả của quá trình lao động sản xuất trong 5 năm qua, toàn Đảng bộ Than Quảng Ninh đã có trên 15 nghìn tấm gương lao động được vinh danh tại các đảng bộ trực thuộc trong đó có 6 nghìn thợ lò. Những thợ lò được tôn vinh đang là lực lượng nòng cốt, là những tấm gương sáng góp phần bồi đắp lý tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị và trình độ cho thợ mỏ trẻ của TKV.

Thực tế ở một đơn vị đặc thù
Công ty Cổ phần Than Núi Béo - Vinacomin là đơn vị duy nhất trong TKV chuyển công nghệ sang khai thác hầm lò sau hơn 25 năm khai thác lộ thiên. Chính vì vậy, công tác tuyển dụng lao động của Công ty khó khăn hơn các đơn vị khác vì phải tuyển từ lớp thợ lò đầu tiên và phải tuyển đúng vào thời điểm ngành khai thác mỏ không còn là lựa chọn hấp dẫn đối với lực lượng nam thanh niên.
Xác định công tác thu hút, “giữ chân” thợ lò là nhiệm vụ quan trọng, trực tiếp quyết định đến sự phát triển ổn định của Công ty, Đảng bộ Công ty đã tập trung chỉ đạo Công ty triển khai chủ trương “3 hóa” vào sản xuất, kịp thời giải quyết nguyện vọng chính đáng của người lao động và đầu tư, đưa vào sử dụng hiệu quả nhiều công trình phục vụ thợ lò như: nhà ăn tự chọn, nhà chờ xe đủ công năng, sân tập luyện thể thao hiện đại, hệ thống tàu điện song loan chở công nhân ra vào lò… Công ty đang chuẩn bị khởi công xây chung cư tập thể cho thợ lò với mức đầu tư 300 tỷ đồng. Công trình được xây dựng tại vị trí cách khai trường sản xuất chỉ vài trăm mét để tạo thuận lợi cho thợ lò di chuyển và sau khi hoàn thiện có thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho khoảng 500 thợ lò cùng lúc. Trong lúc chờ chung cư hoàn thiện, Công ty hỗ trợ tiền thuê nhà cho toàn bộ thợ lò từ mức 400 nghìn đến 600 nghìn đồng/người/tháng. Những nỗ lực này đang dần tạo sức hút cho nam thanh niên ở các địa phương chọn Công ty là điểm đến, qua đó giúp Than Núi Béo từng bước tháo gỡ khó khăn về nhân lực để phấn đấu nâng công suất thiết kế đạt 2 triệu tấn than/năm trong thời gian tới.

Theo thống kê tại Công ty Than Núi Béo, số lượng thợ lò bỏ việc chủ yếu là mới vào nghề, còn những thợ lò lâu năm, làm việc chăm chỉ rất ít người bỏ việc. Thợ lò Hoàng Công Dương có tuổi nghề 16 năm trong đó có 8 năm làm việc tại Than Núi Béo. Bình quân hàng tháng anh có mức thu nhập trên 35 triệu đồng. Từ thu nhập của nghề, anh đã mua được ngôi nhà 2 tầng khang trang và đưa vợ, con từ quê ra Quảng Ninh lập nghiệp. Anh Tráng A Vàng Tủa, dân tộc H’Mông quê ở huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, làm việc tại Công ty từ năm 2016 đến nay. Với mức lương bình quân trên 35 triệu đồng/tháng, anh đã đưa vợ và 2 con ra Quảng Ninh định cư. Còn thợ lò Sùng A Nhè - dân tộc H’mông sau khi bỏ việc về quê chỉ tìm được việc thu nhập thấp đã quyết định quay trở lại Công ty làm việc...

Hiện nay ở Than Núi Béo, nhiều thợ lò có thâm niên, kinh nghiệm, làm đủ công thường đạt mức thu nhập từ 30 đến 45 triệu/tháng và không ít thợ lò có mức thu nhập từ 45 đến 50 triệu/tháng. Thế mới biết nghề thợ lò vẫn có sức hút riêng nhưng không phải ai cũng chịu hiểu như vậy, đặc biệt là lớp thợ lò trẻ. Chính vì vậy, Đảng ủy Công ty luôn quan tâm nắm bắt tâm tư, tình cảm của đối tượng thợ lò mới vào nghề, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng để lớp thợ trẻ tận mắt chứng kiến thành quả lao động các thợ lò đàn anh có được khi làm việc lâu dài tại Công ty, từ đó góp phần ổn định tư tưởng và tạo động lực cho lớp thợ lò trẻ phấn đấu.
Có thể nói, chủ trương tăng cường cơ giới hóa sản xuất, chú trọng cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập cho thợ lò mà Đảng bộ TKV và Đảng bộ Than Quảng Ninh đang lãnh đạo, chỉ đạo các đảng bộ trực thuộc triển khai hiện nay chính là nguồn động lực để lực lượng thợ lò yên tâm lao động và cống hiến tại ngành than. Đây không chỉ là trách nhiệm đơn thuần của các đảng bộ mà còn vì mục tiêu xây dựng một thế hệ thợ lò hạnh phúc hơn, gắn bó với ngành than lâu dài, qua đó dần làm thay đổi tư duy từ bị động chấp nhận thợ lò bỏ việc sang chủ động làm để thợ lò “bám” mỏ.
Ý kiến ()