20
18
/
983886
Tinh gọn bộ máy, biên chế - Quảng Ninh mở đường
longform
Tinh gọn bộ máy, biên chế - Quảng Ninh mở đường

 

 

Nhận rõ những bất cập về bộ máy của hệ thống chính trị chưa tinh gọn, chức năng, nhiệm vụ ở một số cơ quan, đơn vị còn chồng chéo, bất hợp lý, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, bước vào đổi mới, ngay từ sớm, Quảng Ninh tiến hành giảm đầu mối các ban tham mưu, giúp việc của các cơ quan Đảng, cùng với việc tinh giản bộ máy nhà nước, góp phần quan trọng và có tính quyết định tới việc chuyển biến căn bản cơ chế quản lý cũ sang cơ chế thị trường.

Thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, công tác tổ chức tiếp tục được tăng cường. Tỉnh ủy xây dựng và thực hiện đề án điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cải cách hành chính của từng ngành, từng huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Thành lập và sắp xếp một số tổ chức bộ máy, như: Đoàn khảo sát lâm nghiệp, Ban Quản lý cửa khẩu Hoành Mô, Trung tâm tư vấn điện, Ban Giải phóng mặt bằng quốc lộ 18... bảo đảm tinh gọn và hiệu quả. Hệ thống tổ chức bộ máy, các cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc cấp ủy được củng cố, kiện toàn thường xuyên ngay sau các kỳ Đại hội Đảng, đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ. Cũng trong thời kỳ này, các cấp ủy đã chú trọng sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế trong hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khóa VIII), góp phần triển khai có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) “Về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn” và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) “Về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị”, từ đó đề ra các chủ trương, giải pháp nhằm giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và toàn xã hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Đặc biệt, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2015-2020) ghi dấu ấn việc tiến hành mạnh mẽ việc sáp nhập, hợp nhất các cơ quan, đơn vị của tỉnh có cùng chức năng, nhiệm vụ hoặc chức năng, nhiệm vụ tương đồng, theo hướng “một chức năng, một nhiệm vụ chỉ có một người hoặc một đơn vị chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm” và nhất thể hóa một số chức danh lãnh đạo, quản lý cấp ủy, chính quyền, đoàn thể.  Tỉnh đã chủ động, tích cực thực hiện các Nghị quyết, kết luận của Trung ương về công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị của các nhiệm kỳ trước đó, đã xây dựng Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” (Đề án 25), ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 03/3/2015, chỉ đạo triển khai thực hiện trong toàn hệ thống chính trị.

Quá trình thực hiện sắp xếp bộ máy, biên chế ở Quảng Ninh đã có những đóng góp quan trọng vào kho tàng lý luận của Đảng và các quyết sách chính trị của Trung ương nhằm khắc phục tình trạng đã kéo dài nhiều năm về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế chưa chuyển biến rõ rệt, tổ chức và phương thức tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị còn cồng kềnh, thiếu hợp lý, hiệu lực, hiệu quả còn hạn chế; bộ máy biên chế của nhiều cơ quan còn chồng chéo, trách nhiệm cá nhân chưa thật rõ. Đơn cử, Nghị quyết số 19-NQ/TU, ngày 3/3/2015, của Tỉnh ủy Quảng Ninh, về “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” là một sáng kiến chính trị nổi bật, trở thành nguồn cảm hứng chính trị để nhiều địa phương khác trong cả nước học tập, làm theo, là một cơ sở khoa học - thực tiễn quan trọng để Trung ương tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Cụ thể, tỉnh đã thí điểm áp dụng các mô hình mới như thực hiện nhất thể hóa các chức danh, hợp nhất các cơ quan tương đồng về nhiệm vụ... Cụ thể, thực hiện nhất thể hóa chức danh nhằm giảm quy trình, tăng tính thống nhất, rút ngắn thời gian từ khâu ban hành chủ trương đến tổ chức thực hiện: Bí thư đồng thời là chủ tịch UBND tại 3 địa phương cấp huyện = 21,4% (Tiên Yên, Cô Tô, Đông Triều); bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND ở 7 địa phương cấp huyện. Cấp xã: Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND ở 88 xã, phường, thị trấn (47,3%), bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND ở 90 đơn vị cấp xã (48,4%); 1.562/1.565 bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố (99,74%). Trong quá trình nhất thể hóa các chức danh, tỉnh đã thực hiện tốt các cơ chế kiểm soát quyền lực thông qua thực hiện đúng các nguyên tắc, quy chế làm việc của cấp ủy và quy định của pháp luật Nhà nước. Đồng thời, tăng cường kiểm soát quyền lực từ cấp trên, phát huy dân chủ trong tập thể cấp ủy, lãnh đạo, nhất là trong công tác cán bộ; thực hiện công khai, minh bạch trong mọi hoạt động.

Cùng với đó, Quảng Ninh cũng thí điểm hợp nhất một số cơ quan tham mưu giúp việc của cấp ủy với cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp có chức năng, nhiệm vụ tương đồng theo nguyên tắc thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo; bổ sung thẩm quyền, tối ưu chính sách, chuẩn hóa ngạch bậc. Đồng thời, thí điểm thực hiện cơ quan tham mưu giúp việc chung Khối MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội ở 14/14 đơn vị cấp huyện và cấp tỉnh; chủ động xây dựng Đề án, đề xuất và được Ban Bí thư đồng ý chủ trương và thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh trực thuộc Tỉnh ủy trên cơ sở hợp nhất các cơ quan thông tin, báo chí của tỉnh gồm: Báo Quảng Ninh, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Hạ Long (thuộc Hội Văn học nghệ thuật tỉnh), Trung tâm Thông tin tỉnh thuộc Văn phòng UBND tỉnh (từ ngày 01/01/2019). Đặc biệt, tại kỳ họp cuối năm 2019, với 100% đại biểu tán thành, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã thông qua Nghị quyết về việc thống nhất chủ trương thí điểm hợp nhất Sở Nội vụ với Ban Tổ chức Tỉnh ủy thành Cơ quan Tổ chức - Nội vụ tỉnh Quảng Ninh. Cơ quan mới này sẽ thực hiện chức năng tham mưu, giúp việc cho cấp ủy cấp tỉnh về công tác tổ chức, cán bộ và tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực nội vụ.

Việc hợp nhất các tổ chức, cơ quan cùng cấp tại Quảng Ninh không đơn giản là sự sáp nhập mang tính cơ học, mà là quá trình tối ưu hóa mô hình tổ chức, tương thích các chức năng tương đồng, kết nối hài hòa hơn các mắt khâu, bộ phận cấu thành, trên cơ sở sự nghiên cứu, soát xét cẩn trọng. Qua đó, xây dựng, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn nhưng đủ mạnh; tập trung chức năng, chia sẻ nhiệm vụ, khắc phục được sự cồng kềnh, chồng chéo; tinh giản được biên chế; tạo môi trường cọ sát, cạnh tranh để rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức gắn với phát huy tối đa sở trường, năng lực, sức sáng tạo. Tuy nhiên, do đây là vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ trong cả nước, nên quá trình trên vừa được tiến hành, vừa thường xuyên đúc rút kinh nghiệm, kịp thời phát hiện những bất hợp lý để tiếp tục có những điều chỉnh phù hợp.

Về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đến hết năm 2018, toàn tỉnh đã giảm 622 biên chế công chức (khối Đảng, đoàn thể giảm 161; khối chính quyền giảm 461) và 1.314 người làm việc (biên chế viên chức) so với năm 2015; bảo đảm sử dụng biên chế bằng số Trung ương giao và số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách do Bộ Nội vụ thẩm định; thực hiện lộ trình đến 2020 giảm 10% so với năm 2015. Qua đó, đã góp phần sử dụng hợp lý nguồn ngân sách dành cho chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển (năm 2015 chi thường xuyên là 47,4%, chi đầu tư phát triển là 52,6%; đến năm 2018 chi thường xuyên là 33,4%, chi đầu tư phát triển là 66,6%).

Thực tế cho thấy, việc đổi mới và kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị được Tỉnh ủy Quảng Ninh hết sức coi trọng, đều hướng tới mục tiêu nâng cao vai trò của tổ chức bộ máy của Đảng phải mạnh từ cấp tỉnh tới cơ sở, bộ máy công tác tinh gọn, có chất lượng, đủ sức tham mưu cho cấp ủy các cấp những quyết sách phát triển lớn. Trên quan điểm xuyên suốt và nhất quán đó, ở mỗi nhiệm kỳ, trong từng điều kiện cụ thể, nhiệm vụ trên đều được thực hiện ở các mức độ khác nhau và đạt những kết quả tích cực.

Thực hiện: Bảo Bình

Trình bày: Đỗ Quang

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu