Tinh giản biên chế - "giản" để "tinh"
Tinh giản biên chế, hiểu một cách nôm na theo kiểu chiết tự, là sắp xếp lại bộ máy biên chế sao cho tinh nhuệ và tối giản; từ đó loại bỏ những người thừa, những bộ phận thừa trong hệ thống. Nói vậy để thấy chủ trương tinh giản biên chế lúc nào và ở đâu cũng luôn cần phải làm; trong điều kiện thực tế hiện nay, khi mà bộ máy biên chế nhà nước của ta đang bộc lộ nhiều mặt bất hợp lý, cồng kềnh, lãng phí, thì việc tinh giản biên chế càng có tính cấp bách hơn.
Tuy nhiên, tinh giản biên chế như thế nào cho hợp lý, mang lại hiệu quả cao cho công việc thì lại là vấn đề đáng bàn. Hiện nay đang có một thực tế là ở một số cơ quan, đơn vị, việc tinh giản biên chế dường như chỉ mới tập trung vào một việc, đó là làm sao giảm được số lượng biên chế hiện có; từ đó tìm cách nhập bộ phận này với bộ phận khác, vận động những người trong biên chế đã cao tuổi về hưu sớm v.v.. Tất nhiên, việc này không có gì sai nếu đó là sự sáp nhập hợp lý, mang lại hiệu quả cao hơn cho công việc chung; cũng như vậy, nếu những người trong biên chế cao tuổi mà xét thấy không đáp ứng được công việc hiện tại thì cũng nên vận động để họ nghỉ hưu sớm... Nhưng như nói ở trên, nếu những việc làm này chỉ nhằm để giải quyết tình thế, chỉ để chứng tỏ rằng cơ quan mình, đơn vị mình đã bớt được bao nhiêu biên chế, “giản” được bao nhiêu khâu, bao nhiêu bộ phận v.v.. trong bộ máy thì chẳng khác gì “đánh bùn sang ao”... Ở một trường học nọ, trước đây khối lớp 6 có 3 lớp, mỗi lớp 30 em học sinh; nay để thực hiện tinh giản biên chế, nhà trường nhập vào thành 2 lớp, mỗi lớp 45 em. Với số lượng học sinh mỗi lớp tăng lên, việc bố trí bàn ghế cho các em ngồi phải dày hơn, chật chội hơn; trong khi đó lại thừa ra những phòng học không sử dụng đến(!). Rõ ràng không thể nói việc tinh giản biên chế này không ảnh hưởng đến chất lượng học tập của các em! Cũng như vậy, có những cơ quan, việc sáp nhập bộ phận này với bộ phận khác là cần thiết, nhưng cũng không ít nơi, việc nhập làm một này chỉ mang tính hình thức, thậm chí đôi khi nó còn khiến cho hoạt động của đơn vị trở nên khó khăn hơn, thiếu hợp lý hơn... Trong trường hợp đó, việc giảm biên chế chẳng mang lại kết quả như mong muốn! Hay nói cách khác, việc giảm biên chế vốn là “hệ quả” đã biến thành “mục tiêu” trong quá trình thực hiện chủ trương tinh giản biên chế.
Không phải vô cớ, khi triển khai chủ trương tinh giản biên chế, yêu cầu bắt buộc là các tổ chức, cơ quan, đơn vị phải xây dựng đề án và lộ trình thực hiện mang tính lâu dài. Bởi nếu không biết vị trí nào, bộ phận nào là thừa thì làm sao mà “tinh giản” được! Thậm chí, còn phải xem xét bởi rất có thể trong thời điểm này là thừa, nhưng về mặt chiến lược lâu dài, nó sẽ là cần thiết thì có nên bỏ đi không cũng phải cân nhắc thận trọng. Có như vậy thì việc sắp xếp lại bộ máy, biên chế mới “tối giản” và “tinh nhuệ”...
Nhân bàn về việc tinh giản biên chế hiện nay, xin mạo muội góp đôi điều thiển nghĩ; nếu có gì chưa tới, rất mong được trao đổi để làm sáng tỏ hơn!
Trung Luận
Ý kiến ()