
Tiềm năng từ chứng chỉ rừng
Quảng Ninh đang có hơn 370.000ha đất có rừng, trong đó có khoảng 175.000ha rừng trồng và rừng sản xuất. Về lý thuyết, toàn bộ số rừng trồng và rừng sản xuất của tỉnh đều có thể thực hiện cấp chứng chỉ rừng để nâng cao giá trị.
Bám sát mục tiêu phát triển rừng bền vững theo Nghị quyết 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Nghị quyết 19), các đơn vị chuyên môn của tỉnh đã phối hợp với các tổ chức hỗ trợ chủ rừng, nhất là nhóm chủ rừng hộ gia đình thực hiện quy trình trồng, chăm sóc, khai thác rừng theo các tiêu chí chứng chỉ rừng đề ra; tham khảo hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia (VFCS) cũng như các bước thực hiện chứng chỉ rừng; tham quan các mô hình liên kết thực hiện chứng chỉ rừng ở Quảng Ninh. Riêng năm 2023, Sở NN&MT đã phối hợp với Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (VFCO) và Chi hội Viên nén gỗ Việt Nam tổ chức hội nghị thúc đẩy quản lý rừng bền vững, chứng chỉ rừng và quy định sản xuất hàng hóa không gây mất rừng (EUDR).

Nhờ đó, nhận thức của chủ rừng về phát triển lâm nghiệp bền vững, trong đó có việc cấp chứng chỉ quản lý rừng đã được nâng lên rõ rệt. Anh Nguyễn Thế Thành (xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) cho biết: Việc cấp chứng chỉ rừng cần phải đảm bảo 10 nguyên tắc, gồm các nguyên tắc tuân thủ pháp luật; các quyền của người lao động và điều kiện làm việc; các quyền của người bản địa; quan hệ cộng đồng; các lợi ích từ rừng; giá trị và tác động môi trường; lập kế hoạch quản lý; giám sát và đánh giá; các giá trị bảo tồn cao và thực hiện các hoạt động quản lý. Những chủ rừng như chúng tôi thông thường thấy nhiều nguyên tắc quá cũng ngại thực hiện. Tuy nhiên, được sự hướng dẫn và đồng hành từ nhiều phía, chúng tôi vững vàng lấy chứng chỉ rừng cho rừng.
Thực tế nhiều chủ rừng của Quảng Ninh đã chuyển phương thức sản xuất từ kinh doanh gỗ nhỏ sang kinh doanh rừng gỗ lớn, chủ động sử dụng nguồn giống, phân bón và áp dụng tiến bộ khoa học trong quá trình trồng, chăm sóc rừng; chủ động bỏ kinh phí phục vụ quá trình thẩm tra rừng, thực hiện các TTHC để được cấp mới chứng chỉ rừng và duy trì hiệu lực chứng chỉ rừng… Tại nhiều địa phương có rừng đã hình thành, duy trì hiệu quả mối liên kết dọc giữa doanh nghiệp chế biến với chủ rừng và mối liên kết ngang giữa chủ rừng với chủ rừng, tạo thành nhóm chủ rừng, trong đó các công ty TNHH MTV lâm nghiệp, hoặc các HTX lâm nghiệp giữ vai trò cầm trịch, dẫn dắt
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 19, toàn tỉnh đã nhân rộng diện tích rừng được cấp chứng chỉ rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC từ 15.000ha (năm 2020) lên 36.300ha (năm 2024). Những cánh rừng này cân bằng những giá trị bảo vệ môi trường, lợi ích xã hội với lợi ích kinh tế, được chứng minh rõ ràng về nguồn gốc gỗ sau khai thác. Quan trọng là sản phẩm được tạo thành từ nguồn gỗ có chứng chỉ rừng đủ điều kiện xuất khẩu, mức giá cao hơn từ 10-30%, mang lại lợi nhuận cho chủ rừng cũng như các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu lâm sản. Các cánh rừng có chứng chỉ FSC cũng đồng nghĩa với việc đảm bảo đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, duy trì và gia tăng tỷ lệ che phủ rừng, đáp ứng mục tiêu phát triển rừng bền vững mà tỉnh đề ra.
Được biết Quảng Ninh đang đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có thêm khoảng 20.000ha rừng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Từ mục tiêu này, các đơn vị chuyên môn của tỉnh đang khuyến khích, thu hút và có lựa chọn doanh nghiệp chế biến lâm sản tham gia vào việc cấp chứng chỉ rừng. Các doanh nghiệp này chủ động phối hợp với các chủ rừng, tạo ra mối liên kết với cam kết hướng dẫn chủ rừng thực hiện tốt theo 10 nguyên tắc quản lý rừng bền vững; hỗ trợ chi phí cho chủ rừng chi trả cho hoạt động tư vấn, chi phí mời các tổ chức quốc tế đánh giá chính thức và duy trì hằng năm diện tích cấp chứng chỉ rừng…
Ý kiến ()