
Hấp dẫn du lịch biển đảo
Du lịch biển đảo luôn là thế mạnh của ngành Du lịch Quảng Ninh. Mặc dù mới bắt đầu cao điểm du lịch hè, nhưng lượng khách đi các tuyến biển đảo của tỉnh đã tăng cao. Bên cạnh thị trường khách du lịch nội địa truyền thống, các tuyến biển đảo ghi nhận lượng khách quốc tế tăng vọt.
Khi đến Quảng Ninh, khách quốc tế đặc biệt yêu thích và coi Vịnh Hạ Long là điểm đến nhất định phải trải nghiệm. Trong 4 tháng đầu năm, Vịnh Hạ Long đón trên 1,1 triệu lượt du khách, trong đó, khoảng 900.000 lượt khách quốc tế. Trên Vịnh Hạ Long có khoảng 500 con tàu chất lượng hoạt động, trong đó, nhiều tàu vỏ thép được đóng mới, các du thuyền, siêu du thuyền, tàu nhà hàng mang đến lựa chọn đa dạng và đẳng cấp cho du khách. Các hãng tàu chú trọng bổ sung nhân lực, nâng cao chất lượng dịch vụ, làm mới các trải nghiệm trên vịnh kết hợp ẩm thực và biểu diễn nghệ thuật… Anh Jade Karam, Quản lý Du thuyền Grand Pioneers, cho biết: Khách quốc tế, nhất là khách hạng sang đặc biệt quan tâm đến chất lượng dịch vụ và trải nghiệm văn hóa độc bản của địa phương. Xác định được yêu cầu đó, đơn vị nỗ lực khai thác các giá trị văn hóa biển độc đáo của Quảng Ninh, cùng với đó là nét văn hóa truyền thống của Việt Nam, truyền tải qua các món ăn đặc trưng, các buổi workshop. Đơn vị còn biểu diễn nghệ thuật có bắn pháo hoa và nhiều phần quà bất ngờ để tạo sự thích thú và mới mẻ hơn cho du khách.
Tại huyện Vân Đồn cũng ghi nhận lượng khách quốc tế tăng cao. Riêng đợt nghỉ lễ 30/4-1/5, đã có khoảng 2.000 lượt du khách quốc tế đến Vân Đồn. Bà Lý Thanh Nguyện, Trưởng Phòng Văn hóa - Khoa học và Thông tin huyện Vân Đồn, cho biết: Hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch liên tục được nâng cấp, nhất là các tuyến giao thông kết nối thông suốt như cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, sân bay quốc tế Vân Đồn, Bến cảng Quốc tế Ao Tiên… đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho việc di chuyển của du khách, nhất là du khách nước ngoài. Ngoài ra, công tác truyền thông được triển khai đồng bộ, tập trung vào các nền tảng mạng xã hội, các trang thông tin chính thống của tỉnh, huyện… góp phần tạo hiệu ứng mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm từ cộng đồng du lịch trong và ngoài nước.

Còn tại huyện Cô Tô, đầu cao điểm du lịch hè đã đón lượng lớn khách du lịch quốc tế. Ước tính từ đầu năm đến nay, huyện đón khoảng 1.200 lượt khách. Du khách ưu tiên tham gia và trải nghiệm làm ngư dân cùng người dân địa phương trong các tour "một ngày làm ngư phủ”... Ngoài ra, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ được các địa phương trên địa bàn huyện tổ chức đã thu hút hàng chục nghìn lượt người tham dự, mang lại một không khí lễ hội sôi động, ấn tượng chưa từng có. Năm 2025, các tuyến tham quan như đảo Cô Tô con, đảo Thanh Lân được hoạt động trở lại, mở ra thêm nhiều trải nghiệm khám phá biển đảo hoang sơ cho du khách. Nhiều dịch vụ du lịch như: Lặn ngắm san hô, tour làng chài, chèo kayak, du lịch sinh thái… được khai thác hiệu quả, làm phong phú hành trình và nâng cao trải nghiệm của du khách.
Riêng tại Bến cảng quốc tế Ao Tiên, lượng khách quốc tế đi các tuyến đảo Vân Đồn, Cô Tô từ đầu năm đến nay được ghi nhận đã tăng 4-5 lần so với cùng kỳ năm 2024. Theo ông Lê Minh Mạnh, Cảng trưởng Bến cảng quốc tế Ao Tiên, lượng khách quốc tế tăng cao nhờ hạ tầng giao thông tiện lợi cùng cơ sở lưu trú đã được nâng cấp đầu tư. Các chủ tàu cũng chủ động ứng dụng công nghệ, giúp du khách đặt vé được dễ dàng, từ đó tạo điều kiện cho khách nước ngoài đi các tuyến đảo. Chúng tôi đã tuyển dụng và đào tạo các nhân viên cảng bến giỏi ngoại ngữ để thực hiện thủ tục cho du khách. Đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ tại cảng, giúp du khách trong và ngoài nước có trải nghiệm trọn vẹn và thuận tiện nhất.
Để tiếp tục khai thác tối đa tiềm năng du lịch biển đảo, thu hút đông du khách, nhất là du khách nước ngoài, tỉnh đã xây dựng các kế hoạch để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất tại các bến cảng, bến neo đậu, cầu cảng; cải tạo điều kiện về kỹ thuật, an toàn tại các bến cảng. Cùng với đó, đặt ưu tiên hàng đầu là phát triển các sản phẩm du lịch biển đảo an toàn, bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan. Đồng thời, liên kết phát triển du lịch biển, đảo giữa doanh nghiệp du lịch với ngành thủy sản, nuôi trồng và đánh bắt xa bờ, giao thông hàng hải, vận tải biển, dịch vụ hàng hải…
Các địa phương như: Vân Đồn, Cô Tô cũng hướng tới phát triển du lịch biển, đảo theo chiều sâu, khai thác các dịch vụ nghỉ dưỡng, giải trí, khám phá, thể thao trên mặt biển, dưới đáy biển và ngoài đảo xa; khai thác các tiềm năng, lợi thế từ biển... song hành cùng việc tôn vinh văn hóa biển, đảo, phát huy tối đa sự tham gia của cộng đồng địa phương trong các hoạt động du lịch biển đảo, tạo ra các hoạt động sinh kế, thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, phát triển nguồn nhân lực phù hợp, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ có kiến thức, có kĩ năng, có trình độ ngoại ngữ, tin học, am hiểu văn hóa... để phục vụ cho hoạt động du lịch tại địa phương.
Ý kiến ()