
Đòn bẩy cho kinh tế tư nhân phát triển bứt phá
Đất nước, địa phương giàu mạnh khi người dân, doanh nghiệp giàu mạnh, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, ngoài nhà nước. Xác định tầm quan trọng của kinh tế tư nhân, doanh nghiệp tư nhân, Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, rõ rằng, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, công nghiệp hoá, hiện đại hóa.
Ngày 4/5/2025 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Với những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại nghị quyết sẽ tạo đòn bẩy giúp khu vực kinh tế tư nhân phát triển, trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.
Nghị quyết nêu rõ, sau gần 40 năm đổi mới, kinh tế tư nhân nước ta đã từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, trở thành một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khu vực kinh tế tư nhân hiện có khoảng hơn 940 nghìn doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và sử dụng khoảng 82% tổng số lao động; là lực lượng quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống xã hội. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã phát triển lớn mạnh, khẳng định thương hiệu và vươn ra thị trường khu vực, thế giới.

Tuy nhiên, kinh tế tư nhân hiện vẫn đối mặt với nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển, chưa bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh, chưa đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng là lực lượng nòng cốt của kinh tế đất nước. Hầu hết doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa; tiềm lực tài chính và trình độ quản trị hạn chế; phần lớn có năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo thấp; năng suất lao động, hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh chưa cao; tư duy kinh doanh thiếu tầm nhìn chiến lược, thiếu kết nối với các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Để kinh tế tư nhân phát triển xứng tầm, Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị và các chủ trương, đường lối khác của Đảng. Phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân. Có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đạt khoảng 10-12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp khoảng 55-58% GDP, khoảng 35-40% tổng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho khoảng 84-85% tổng số lao động; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5-9,5%/năm.
Trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu khu vực châu Á.
Về tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết xác định kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế; phấn đấu đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; đóng góp khoảng trên 60% GDP.
Để Nghị quyết số 68-NQ/TW sớm đi vào cuộc sống, phát huy ngay hiệu quả, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, với 429/434 đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết gồm 7 chương, 17 điều, quy định về cải thiện môi trường kinh doanh; hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh; hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công; hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực; hỗ trợ hình thành doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong.

Với Quảng Ninh, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 12.000 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc đang hoạt động; tổng vốn đăng ký trên 369.000 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân chiếm 97,8%. Tính riêng từ đầu năm 2025 đến nay, Quảng Ninh có 309 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2024, xếp thứ 6 vùng đồng bằng sông Hồng; 269 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2024.
Những năm qua, Quảng Ninh luôn cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi với tinh thần: “Thành công của doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng chính là thành công của Quảng Ninh”. Tỉnh luôn lắng nghe, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, với mục tiêu tạo dựng những doanh nghiệp lớn mạnh, phát triển bền vững, xây dựng các hệ sinh thái phát triển trong từng lĩnh vực. Cộng đồng doanh nghiệp cũng đã và đang chủ động chuyển hóa khó khăn thành cơ hội, tái cấu trúc mô hình sản xuất, đẩy mạnh đầu tư vào ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.
Tin tưởng rằng, với những chính sách, chủ trương kịp thời, hiệu quả từ Nghị quyết số 68-NQ/TW, cùng sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương để nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, thì lĩnh vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp tư nhân sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của Đất nước nói chung, tỉnh Quảng Ninh nói riêng.
Ý kiến ()