
Quảng Ninh quyết tâm thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép”
Với tầm nhìn chiến lược và quyết tâm cao, tỉnh Quảng Ninh nỗ lực thực hiện "mục tiêu kép”, vừa sắp xếp, tổ chức lại bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả, vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế đạt trên 14% trong năm 2025. Đây là nhiệm vụ đòi hỏi sự nỗ lực, sáng tạo và đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân toàn tỉnh.
Sắp xếp bộ máy “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”
Quảng Ninh là địa phương tiên phong trong cả nước thực hiện cuộc cách mạng xây dựng bộ máy "tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả” theo chủ trương của Trung ương Đảng. Điều này thể hiện rõ ngay sau khi Trung ương có chỉ đạo thực hiện tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW (ngày 25/10/2017) của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Tỉnh ủy sớm chỉ đạo các cơ quan tham mưu triển khai xây dựng các đề án và ban hành quyết định kết thúc hoạt động, thành lập các Đảng bộ trực thuộc; HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về việc thành lập, tổ chức lại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh.

Trong bối cảnh nhiều tỉnh khẩn trương thực hiện các phương án sắp xếp bộ máy trong cả nước, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã công bố thành lập Đảng bộ Các cơ quan Đảng tỉnh và Đảng bộ UBND tỉnh; hợp nhất Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Tỉnh ủy; HĐND tỉnh ban hành nghị quyết thành lập 7 cơ quan chuyên môn và tổ chức lại 6 cơ quan khác thuộc UBND tỉnh.
Cụ thể, thành lập Sở Nội vụ (trên cơ sở hợp nhất Sở Nội vụ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), Sở Tài chính (trên cơ sở hợp nhất Sở Tài chính với Sở Kế hoạch và Đầu tư), Sở Xây dựng (trên cơ sở hợp nhất Sở Xây dựng và Sở Giao thông - Vận tải), Sở Khoa học và Công nghệ (trên cơ sở hợp nhất Sở Khoa học và Công nghệ với Sở Thông tin và Truyền thông), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (trên cơ sở hợp nhất Sở Văn hóa và Thể thao với Sở Du lịch), Sở Nông nghiệp và Môi trường (trên cơ sở hợp nhất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Sở Tài nguyên và Môi trường), Sở Dân tộc và Tôn giáo (trên cơ sở Ban Dân tộc và tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ thuộc lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng từ Sở Nội vụ).

Các cơ quan được tổ chức lại, gồm: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở Tư pháp, Sở Công Thương, Sở Ngoại vụ và Thanh tra tỉnh Quảng Ninh. Như vậy, sau thành lập, tổ chức lại, UBND tỉnh Quảng Ninh có 14 cơ quan (giảm 6 cơ quan so với hiện nay), bao gồm 13 cơ quan sắp xếp, cơ cấu lại và Văn phòng UBND tỉnh.
Trong buổi làm việc tại Quảng Ninh ngày 19/3/2025, Chủ tịch nước Lương Cường đã biểu dương tỉnh Quảng Ninh có cách làm sáng tạo, đi trước so với cả nước trong việc thực hiện tinh gọn bộ máy. Đặc biệt là hết sức chủ động trong ban hành kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức các hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt nghiêm túc, bài bản và khoa học các nghị quyết, chỉ thị; thành lập ban chỉ đạo, ban hành các quy định, quy chế, quy trình để tổ chức thực hiện; cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận bằng chương trình hành động và chỉ đạo các cấp ủy cơ sở, cấp ủy trực thuộc, chủ động việc tổ chức học tập, quán triệt triển khai.
Bước vào giai đoạn 2 của cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, chấm dứt hoạt động của cấp huyện và sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, dựa trên kinh nghiệm có được, tỉnh Quảng Ninh là một trong những địa phương tiên phong trong cả nước chủ động rà soát, xây dựng các phương án, đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã theo các tiêu chí định sẵn của Trung ương.

Bà Bùi Thị Bính, Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết: Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và yêu cầu ngày càng cao của sự phát triển, việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy hành chính nhà nước là một đòi hỏi khách quan, tất yếu. Nhận thức rõ điều này, Quảng Ninh đã chủ động, tích cực triển khai các giải pháp đồng bộ để tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối trung gian, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Một trong những trọng tâm của công tác này là sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, phường.
Trên cơ sở rà soát, đánh giá kỹ lưỡng các tiêu chí về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, tình hình kinh tế - xã hội, tỉnh đã quyết định sáp nhập một số xã, phường có quy mô nhỏ, hoạt động kém hiệu quả vào các đơn vị lân cận. Tại Kỳ họp thứ 26 (Kỳ họp chuyên đề), HĐND tỉnh khóa XIV đã thông qua nghị quyết cho ý kiến về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Quảng Ninh, trong đó tán thành chủ trương sắp xếp 171 đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Quảng Ninh thành 51 đơn vị, gồm: 27 phường, 21 xã, 3 đặc khu (Vân Đồn, Cô Tô, Móng Cái), giảm 120 đơn vị, đạt tỷ lệ 66,67%; trường hợp không thành lập đặc khu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh còn 54 đơn vị hành chính, gồm: 30 phường, 22 xã và 2 đặc khu (Vân Đồn, Cô Tô), giảm 117 đơn vị, đạt 66,67%.
Việc sáp nhập các xã, phường ở Quảng Ninh được thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo sự đồng thuận của người dân, không gây xáo trộn lớn đến đời sống kinh tế - xã hội và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương. Tại các hội nghị lấy ý kiến nhân dân vào đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã ở thôn, khu phố trên địa bàn tỉnh, người dân đều thống nhất, đồng thuận rất cao và cho rằng đây là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân.
Ông Nguyễn Hồng Minh (cán bộ hưu trí xã Hạ Long, huyện Vân Đồn), cho biết: Tôi thấy việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã ở Quảng Ninh thật sự bài bản, khoa học và chịu sự lắng nghe ý kiến của nhân dân. Mặc dù việc triển khai đã có tác động nhất định đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tuy nhiên trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân mạnh mẽ thay đổi về tư duy, tầm nhìn, thống nhất về nhận thức, tư tưởng, hy sinh lợi ích cá nhân; vượt qua những băn khoăn, lo lắng, tâm lý, thói quen bình thường; vượt qua những tâm lý, tâm trạng vùng miền để hướng tới tư duy, tầm nhìn rộng lớn hơn.
Hiện nay, phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh được Quốc hội xem xét và sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ 9. Đây là tiền đề quan trọng để các cấp, các ngành có thẩm quyền tiếp tục triển khai các bước tiếp theo nhằm sớm kiện toàn lại tổ chức, bộ máy, ổn định tình hình để tăng tốc, bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Quyết tâm đạt tăng trưởng kinh tế trên 14%
Bước vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức đan xen thuận lợi, khi đây là năm cuối cùng thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025, trong bối cảnh những tháng đầu năm dành toàn bộ thời gian cho việc thực hiện sắp xếp các cơ quan, đơn vị. Do thời điểm năm 2024, cơn bão số 3 đã gây ra nhiều thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế của tỉnh, khiến cho năm 2024, tỉnh Quảng Ninh chỉ đạt tăng trưởng kinh tế 8,42%, thấp hơn so với kế hoạch đề ra là trên 2 con số.

Ngay từ đầu tháng 12/2024, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 31-NQ/TW (ngày 2/12/2024) về phương hướng, nhiệm vụ năm 2025; HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 237/NQ-HĐND (ngày 6/12/2024) về nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2025; UBND tỉnh đã ban hành một loạt kế hoạch, văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện, trong đó đã ban hành kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 và đã được điều chỉnh, bổ sung một vài lần cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh đã quyết định điều chỉnh, tăng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 từ 12% lên trên 14%, cao hơn 2% so với Chính phủ giao, cho thấy sự quyết tâm, quyết liệt của tỉnh Quảng Ninh trong việc đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của cả nước, đạt 8% như Quốc hội, Chính phủ đề ra.
Một loạt những trụ cột tăng trưởng kinh tế đã được tỉnh hoạch định với nhiều giải pháp, nhiệm vụ căn cơ được vạch ra, được giao cụ thể cho các cấp, các ngành triển khai thực hiện. Trong đó, xác định tăng trưởng công nghiệp - xây dựng tăng khoảng 14,33%; tăng trưởng dịch vụ tăng 16,45%; thuế sản phẩm tăng 8,95%; tăng trưởng nông - lâm - thủy sản tăng 3,0%. Các mục tiêu này đều tăng cao hơn từ 2-8% so với năm 2024.

Rất nhiều giải pháp đã được tỉnh triển khai cụ thể, như: Đổi mới tư duy, sáng tạo trong ban hành chính sách; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền, nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thuộc trách nhiệm của tỉnh; nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức thực hiện; phát huy vai trò dẫn dắt tăng trưởng của các vùng động lực, tuyến hành lang kinh tế và các mũi đột phá; đẩy mạnh và làm mới động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tháo gỡ các điểm nghẽn, đảm bảo giải phóng toàn bộ nguồn lực cho đầu tư phát triển; phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Ông Phạm Hồng Biên, Giám đốc Sở Tài chính, cho biết: Đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh kịp thời bổ sung 7 nhiệm vụ, giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 14% và giao chỉ tiêu tổng giá trị sản phẩm tại địa bàn các địa phương theo chỉ tiêu quy định tại Quyết định số 05/QĐ-TTg (ngày 24/2/2023) của Thủ tướng Chính phủ ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.
Từ những nhiệm vụ, giải pháp được triển khai, đến hết tháng 4/2025, các trụ cột tăng trưởng chính của tỉnh Quảng Ninh đều đạt ở mức cao, trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 14,01% so với cùng kỳ 2024; khu vực dịch vụ tăng 18,3% so với cùng kỳ; thu ngân sách nhà nước đạt 18.484 tỷ đồng, bằng 33% dự toán Trung ương giao, bằng 32% dự toán tỉnh giao, đứng thứ 7 cả nước và thứ 3 trong các tỉnh Đồng bằng sông Hồng.
Trong các chỉ số thành phần, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò là động lực mới cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh (tăng 28,03% so với cùng kỳ 2024). Trong đó, có đến 9/14 sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo đạt và vượt tiến độ kế hoạch 6 tháng đề ra.

Phát biểu tại nhiều hội nghị gần đây, đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, khẳng định: Quảng Ninh không vì thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính mà ảnh hưởng đến các mục tiêu phát triển KT-XH trên địa bàn. Đặc biệt, không để ngắt quãng, gián đoạn, bỏ trống địa bàn, lĩnh vực trong quá trình chấm dứt hoạt động cấp huyện, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp mà cần phải tận dụng thời cơ, tăng tốc, bứt phá ở những ngành có thế mạnh, còn dư địa phát triển.
Với những giải pháp quyết liệt, tin tưởng Quảng Ninh thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép”, vừa sắp xếp tổ chức, bộ máy tinh gọn, hiệu quả, vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế đạt 14% trở lên trong năm 2025. Đây là tiền đề quan trọng để Quảng Ninh tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, trở thành một trong những địa phương giàu mạnh, văn minh, hiện đại của cả nước trong kỷ nguyên vươn mình cùng đất nước.
Ý kiến ()