
Ứng dụng KHCN hiện đại trong lĩnh vực lâm nghiệp
Tăng cường ứng dụng KHCN hiện đại trong lĩnh vực lâm nghiệp đã mang lại hiệu quả rõ rệt, vừa nâng cao về hiệu quả kinh tế, vừa đáp ứng được các yêu cầu bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Những năm qua, tỉnh đã quan tâm chỉ đạo các sở, ngành chức năng tập trung xây dựng chương trình nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành lâm nghiệp. Các chương trình nghiên cứu và sản xuất tập trung vào một số lĩnh vực chính, như: Ứng dụng công nghệ hiện đại vào chọn, nhân giống cây lâm nghiệp; ứng dụng công nghệ viễn thám vào công tác quản lý rừng; ứng dụng công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới trong lĩnh vực chế biến và bảo quản lâm sản... Nổi bật như tại Trung tâm Khoa học và sản xuất lâm, nông nghiệp (Sở NN&MT) đã áp dụng thành công công nghệ nuôi cấy mô phục vụ cho việc phát triển các dòng bạch đàn và keo mô, cung cấp hàng triệu cây giống chất lượng cho người dân các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Người trồng rừng và các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp cũng được hướng dẫn, tập huấn, khuyến khích việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào quản lý nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng giống. Mục tiêu đặt ra là tăng nhanh tỷ lệ sử dụng kỹ thuật sản xuất mới cho sản xuất đại trà, từng bước chủ động nguồn cây giống lâm nghiệp; quan tâm phục tráng giống cây bản địa gắn với xây dựng thương hiệu địa phương...

KHCN cũng được ứng dụng mạnh mẽ tại các doanh nghiệp sản xuất và chế biến lâm sản. Cụ thể, trên địa bàn Quảng Ninh hiện có gần 280 cơ sở đang hoạt động, nhìn chung đều có những chuyển biến tích cực về đầu tư đổi mới trang thiết bị, dây chuyền sản xuất, kỹ thuật và quan tâm đào tạo đội ngũ lao động. Nhờ đó, giúp tăng năng suất, đảm bảo chất lượng sản phẩm và giảm thiểu tác động đến môi trường.
Nhằm thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, thời gian qua Chi cục Kiểm lâm tỉnh (Sở NN&MT) đã triển khai nhiều cách làm sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động. Bên cạnh việc nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, Chi cục đã tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, nổi bật là sử dụng phần mềm theo dõi diễn biến tài nguyên rừng tích hợp ngay trên điện thoại thông minh. Với phần mềm này, cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh và các hạt kiểm lâm ở cơ sở có thể truy cập, kiểm tra, trích xuất được những thông tin chính xác về vị trí lô, khoảnh, chủ rừng, loại rừng... một cách thuận tiện, nhanh chóng.

Việc cập nhật thường xuyên, kịp thời biến động về rừng và đất lâm nghiệp cũng phục vụ tốt cho công tác quản lý tài nguyên rừng, cũng như lập quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương được chính xác, đúng thực tế. Các phương án phân định vùng rừng, chủ động phương án và huy động phương tiện, lực lượng bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng... cũng được triển khai chủ động, ít tốn kém hơn. Đồng thời, công tác thực địa cũng được tối ưu, nâng cao hiệu quả khi giảm thiểu việc sử dụng bản đồ giấy cùng nhiều trang thiết bị khác liên quan.
Có thể thấy, việc ứng dụng KHCN là yêu cầu cấp thiết của ngành lâm nghiệp trong xu thế hội nhập hiện nay, là cơ sở để xây dựng hệ sinh thái lâm nghiệp số toàn diện, từ quản lý rừng, khai thác tài nguyên, đến bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, nâng cao năng lực quản lý, giám sát tài nguyên rừng một cách chính xác, kịp thời. Đồng thời, góp phần minh bạch thông tin nguồn gỗ hợp pháp, truy xuất nguồn gốc và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp... Như vậy, ứng dụng KHCN sẽ góp phần mở ra những hướng đi mới trong chuyển đổi sản xuất lâm nghiệp Quảng Ninh.
Theo Quyết định số 646/QĐ-UBND ngày 5/3/2025 của UBND tỉnh về việc phê duyệt kết quả theo dõi diễn biến rừng và công bố hiện trạng rừng tỉnh Quảng Ninh năm 2024, tổng diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng trên địa bàn tỉnh đến hết năm 2024 là 433.665,93ha, diện tích đất có rừng là 321.273,57ha, trong đó: Diện tích rừng, đất rừng thuộc quy hoạch rừng đặc dụng là 30.034,1ha; diện tích rừng, đất rừng thuộc quy hoạch rừng phòng hộ là 132.814,59ha; diện tích rừng, đất rừng thuộc quy hoạch rừng sản xuất là 270.807,23ha.
|
Ý kiến ()