
Thúc đẩy cơ khí TKV đổi mới và phát triển
Khối công nghiệp cơ khí của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) hiện có 11 đơn vị, trong đó có 10 công ty sản xuất và 1 Viện nghiên cứu chuyên ngành. Doanh thu hằng năm của cơ khí TKV đạt khoảng 6.000 tỷ đồng. Để thúc đẩy ngành cơ khí đổi mới và phát triển, TKV đang có nhiều giải pháp tham gia vào sản xuất, lắp ráp ô tô và đường sắt trong nước.
Theo quy hoạch và định hướng phát triển trước đây, cơ khí TKV được thiết kế, đầu tư trang thiết bị và các quy trình sản xuất chủ yếu phục vụ công tác sửa chữa các thiết bị chuyên ngành trong khai thác mỏ lộ thiên, hầm lò và chế biến than. Trong 10 năm gần đây, TKV chủ trương đẩy mạnh việc chuyển đổi từ cơ khí sửa chữa sang cơ khí chế tạo, từng bước làm chủ về thiết kế, công nghệ để chế tạo các thiết bị, phụ tùng thay thế hàng nhập khẩu. Các đơn vị sản xuất của cơ khí TKV đã đầu tư, trang bị mới nhiều thiết bị công nghệ hiện đại đồng bộ trong các công đoạn gia công chính xác và đang dần từng bước tự động hóa các khâu sản xuất. Một số công đoạn sản xuất đã sử dụng rô-bốt để tăng độ chính xác trong gia công, nâng cao năng suất và cải thiện điều kiện lao động.
Song song với việc cung cấp dịch vụ sửa chữa để phục vụ các ngành nghề sản xuất chính, cơ khí TKV hiện đang đẩy mạnh công tác nghiên cứu, chế tạo các sản phẩm thay thế nhập khẩu phục vụ trong công nghiệp khai thác, chế biến, vận tải than, khoáng sản cũng như các lĩnh vực nhiệt điện và sản xuất Alumin. Nhờ đó, thay vì phải nhập khẩu toàn bộ thiết bị, máy móc từ nước ngoài, hiện TKV đã làm chủ công nghệ và chế tạo thành công nhiều sản phẩm.

Nổi bật, máy xúc EKG-10 có dung tích gầu đến 10m3; ô tô tải có trọng tải đến 35 tấn; máy đào lò liên hợp Com-bai AM-50Z; máy xúc thủy lực phòng nổ trong hầm lò có dung tích gầu từ 0,15-0,6m3; đầu tàu điện sử dụng ắc quy phòng nổ dùng trong hầm lò có lực kéo đến 120kN. Các nhà máy cơ khí của TKV cũng nội địa hóa và lắp ráp các loại xe ô tô vận tải chuyên dùng như xe trộn nạp thuốc nổ công nghiệp, xe chở vật liệu nổ. Đặc biệt, đã đóng mới các phương tiện thủy, trong đó có tàu chở hàng khô trọng tải đến 15.000 tấn; thiết kế, chế tạo xe vận chuyển người, thiết bị, vật tư trong các đường lò dốc; chế tạo các loại giàn chống tự hành, giá khung di động trong lò chợ cơ giới hóa đồng bộ; các loại cột chống, xy lanh thủy lực phục vụ khai thác than hầm lò có đường kính đến 280mm; trạm biến áp phân phối đến 250MVA-220kV; các tủ điện, máy biến áp, khởi động từ phòng nổ đến 1.250kVA-10/0,4kV có chất lượng cao.
Trong bối cảnh khoa học công nghệ của Việt Nam đang trong giai đoạn đổi mới và phát triển với rất nhiều cơ hội ở phía trước, nhất là sau khi Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW (ngày 22/12/2024) về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, TKV xác định với những năng lực hiện có trong lĩnh vực sản xuất cơ khí chế biến, chế tạo, đây là cơ hội để cơ khí của TKV có thể đổi mới, tăng tốc phát triển và tham gia sâu rộng hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam.

Theo đó, với ngành công nghiệp lắp ráp ô tô, cơ khí TKV hiện đã có dây chuyền lắp ráp xe ô tô vận tải với công suất 1.500 xe/năm. Các nhà máy cơ khí TKV đẩy mạnh công tác chế tạo, nội địa hóa các phụ tùng trong quá trình lắp ráp. Trong giai đoạn đầu, cơ khí TKV đã đạt tỷ lệ nội địa hóa khoảng 16% và đã xây dựng, triển khai lộ trình để đạt tỷ lệ nội địa hóa đến 40% đối với dòng xe vận tải Kamaz của Liên bang Nga. Trong các năm gần đây, cơ khí TKV đã tham gia chế tạo, cung cấp một số phụ tùng gia công chính xác cho các quốc gia khác như Nhật Bản, Na Uy. Như vậy, trong lĩnh vực này, TKV sẵn sàng tham gia lắp ráp, cải tạo, nội địa hóa các phương tiện vận tải siêu trường, siêu trọng dùng trong công nghiệp khai thác khoáng sản và các thiết bị vận tải dùng trong lĩnh vực công nghiệp lưỡng dụng, cũng như lắp ráp các dòng xe thương mại.
Đối với chế tạo phụ kiện, phụ tùng cho ngành vận tải đường sắt, trong nhiều năm qua, TKV đã chế tạo các bộ giá chuyển hướng toa xe (khổ đường 1.000mm) và đóng mới các xe chở hàng có tải trọng 35 tấn với chất lượng ngang bằng các sản phẩm nhập khẩu dùng trong vận tải khoáng sản. Thời gian tới, khi các dự án đường sắt triển khai, ngành đường sắt chủ trì tiếp nhận chuyển giao các công nghệ sản xuất toa xe, chế tạo trục bánh xe, hệ thống hãm, giá chuyển hướng … và liên kết với các doanh nghiệp cơ khí để sản xuất một số vật tư, phụ tùng, thiết bị đường sắt đô thị và đường sắt tốc độ cao, đạt tỷ lệ nội địa hóa phương tiện 30-40%. Ở lĩnh vực này, TKV sẵn sàng tham gia chế tạo, đóng mới các toa xe chở hàng hóa, các trạm phân phối điện, hệ thống giá chuyển toa xe… trên đường sắt quốc gia và tham gia chế tạo, cung ứng các vật tư, phụ tùng thuộc kết cấu hạ tầng đường sắt.
Đại diện lãnh đạo TKV, cho biết: Để nhanh chóng tham gia vào các chuỗi kinh tế toàn cầu, trong đó, có các chương trình phát triển công nghiệp ô tô và đường sắt, TKV mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành và tỉnh Quảng Ninh có các giải pháp cụ thể và cơ chế hỗ trợ về nguồn vốn đầu tư cho các lĩnh vực cơ khí trọng điểm, xây dựng chuỗi liên kết, cung ứng trong nước để phát huy các thế mạnh của các doanh nghiệp sản xuất trong nước, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu và linh kiện từ nước ngoài; cụ thể hóa các quy định, hướng dẫn trong công tác lắp ráp, cải tạo, đăng kiểm các loại xe vận tải cỡ lớn sử dụng trong công nghiệp khoáng sản. Đồng thời, tạo điều kiện để các nhà máy cơ khí chủ lực của TKV được ổn định về vị trí, môi trường sản xuất thông qua chính sách thuê đất và đảm bảo ổn định nguồn cung năng lượng cho sản xuất.
Ý kiến ()