
Ngành Than: Những dấu ấn vẻ vang
Quảng Ninh, nơi thấm đẫm những dấu chân đầu tiên của người thợ mỏ Việt Nam từ hơn một thế kỷ trước. Từ những ngày tháng bị thực dân áp bức, những người thợ mỏ đã trải qua bao cuộc đấu tranh kiên cường, để rồi khi Vùng mỏ hoàn toàn giải phóng (1955), chính họ đã trở thành lực lượng tiên phong tiếp quản, xây dựng ngành Than độc lập, tự chủ của người Việt Nam. Những dấu ấn vẻ vang trên chặng hành trình 70 năm qua của các thế hệ thợ mỏ ngành Than đã đưa thương hiệu Than Việt Nam vươn ra thế giới.
Trước khi rút khỏi Khu mỏ, thực dân Pháp đã phá hủy gần như toàn bộ nhà xưởng, thiết bị với âm mưu: “Ít ra cũng phải 20 đến 25 năm nữa người An Nam mới đào được than và đưa sản xuất trở lại”. Bởi vậy, khi những người công nhân tiếp quản mỏ từ tay thực dân Pháp, họ đối diện với một thực tại khắc nghiệt vô cùng. Máy móc hư hỏng, hầm lò đổ nát, tài liệu kỹ thuật bị phá hoại.
Những người công nhân mỏ khi đó đã làm việc trong điều kiện thiếu thốn trăm bề để nhanh chóng khôi phục các hệ thống vận tải, phục vụ sản xuất. Đó là tuyến đường trục vận chuyển than từ Đèo Nai ra Cửa Ông; là sửa chữa các tuyến đường sắt; cải tạo xe ô tô cũ. Than không chỉ là vàng đen của nền kinh tế mà còn là nguồn nhiên liệu cho chiến thắng. Ba năm sau ngày tiếp quản, sản lượng than Khu mỏ đã đạt gần 3 triệu tấn - con số đã từng khiến người Pháp phải ngỡ ngàng.
Ngày đất nước thống nhất, ai cũng nghĩ đến một thời kỳ phục hồi mạnh mẽ. Nhưng những năm sau chiến tranh, nền kinh tế đất nước kiệt quệ, ngành Than cũng không ngoại lệ. Những người thợ mỏ phải đối diện với những thử thách mới, cơ sở hạ tầng xuống cấp, thiếu thốn máy móc, thiết bị. Có những thời điểm, sản lượng than sụt giảm nghiêm trọng, đời sống công nhân mỏ chật vật, cơm không đủ ăn, áo không đủ ấm.
Khi làn gió đổi mới thổi bùng lên sức sống cho ngành Than, cơ chế kế hoạch hóa bao cấp dần được thay thế bằng cơ chế thị trường. Năm 1994, Tổng Công ty Than Việt Nam ra đời, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng. Công nhân mỏ bắt đầu nghĩ đến chuyện cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất.
Công nghệ khai thác mới được đưa vào, phương thức quản lý hiện đại hơn, đời sống của thợ mỏ được cải thiện từng ngày. Người thợ mỏ không còn chỉ dựa vào sức người, mà bắt đầu làm chủ những thiết bị hiện đại, đưa ngành Than Việt Nam tiến gần hơn với thế giới. Những người từng chấp nhận ăn cơm độn khoai, lương trả bằng phiếu thực phẩm, giờ đây đã có những bữa ăn đủ đầy, những mái nhà kiên cố. Những đoàn tàu chở than lăn bánh đều đặn, những chuyến hàng xuất khẩu cũng bắt đầu hành trình vươn ra biển lớn.

Năm 2005, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam được thành lập, tiếp tục đưa ngành Than lên một tầm cao mới, trở thành trụ cột đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Những mỏ than lớn như Cao Sơn, Đèo Nai - Cọc Sáu, Vàng Danh, Hà Lầm, Mạo Khê được hiện đại hóa, cơ giới hóa. Hệ thống vận chuyển than từ các mỏ đến nhà máy nhiệt điện, xi măng được băng tải hoàn toàn, đồng bộ với các dây chuyền sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, ngành Than cũng đối diện với bài toán khó, đó là làm sao để phát triển bền vững khi nguồn tài nguyên có hạn. Các bãi thải được hoàn nguyên, những dự án kinh tế tuần hoàn bắt đầu được tính toán, hệ thống khai thác hiện đại đồng bộ ngày một tiến sâu vào lòng đất. Mọi dây chuyền đều được áp dụng công nghệ khai thác ít gây ô nhiễm. Người thợ mỏ hôm nay không chỉ là người khai thác, mà còn là người bảo vệ thiên nhiên, giữ gìn nguồn tài nguyên cho thế hệ mai sau.
Dù trải qua nhiều biến cố thăng trầm ở từng giai đoạn và thời điểm khác nhau nhưng giá trị của hòn than luôn gánh trên mình trọng trách đặc biệt ví như những tấn “vàng đen” phụng sự cho mục tiêu an ninh năng lượng quốc gia.
Nếu như năm 1997, sản lượng than của ngành Than Việt Nam mới chỉ đạt 11,3 triệu tấn, thì đến nay, sản lượng than đều đạt 38-40 triệu tấn/năm, năm 2011 đạt mức cao nhất là 45 triệu tấn. Giai đoạn 2016-2024, trung bình mỗi năm TKV khai thác và tiêu thụ khoảng 39-42 triệu tấn than nguyên khai đáp ứng nhu cầu cung cấp than phục vụ cho các ngành nghề kinh tế.

Đặc biệt, lĩnh vực khai thác than hầm lò đã có sự phát triển mạnh mẽ trên cơ sở không ngừng đổi mới và hiện đại hóa công nghệ, từ chỗ chủ yếu là khai thác thủ công, chống gỗ đã từng bước nâng cao trình độ cơ giới hóa và tiến tới cơ giới hóa đồng bộ với các trang thiết bị tiên tiến, hiện đại. "Sản lượng than hầm lò tăng từ 1,8 triệu tấn năm 1994 lên 27 triệu tấn năm 2024 và tăng 15 lần. Công suất lò chợ đã tăng từ 20-50 ngàn tấn/năm lên bình quân 200 ngàn tấn/năm, hệ số tổn thất than giảm từ mức 40-50% xuống còn 19,02%" - Phó Tổng Giám đốc TKV Nguyễn Huy Nam cho biết.
Trong chiến lược phát triển dài hạn, TKV tập trung hoàn thiện định hướng phát triển bền vững dựa trên cơ sở các quy hoạch phát triển các lĩnh vực thăm dò, khai thác khoáng sản; Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia; Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đặc biệt, 2 năm trở lại đây, với sự đồng hành, ủng hộ của tỉnh Quảng Ninh và Chính phủ, TKV đã thúc đẩy mạnh mẽ tiến độ triển khai nhiều dự án phát triển mỏ nhằm đảm bảo mục tiêu chiến lược về an ninh năng lượng quốc gia.

Ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ Than Quảng Ninh nhấn mạnh: 70 năm đã trôi qua từ ngày những người thợ mỏ giương cao ngọn cờ đỏ trên vùng than Quảng Ninh, tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” vẫn là mạch nguồn chảy mãi trong từng nhát cuốc, từng mét lò. Dù ở giai đoạn nào, “Kỷ luật và đồng tâm” vẫn luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt hành trình xây dựng, phát triển bền vững của ngành Than với những thế hệ thợ mỏ miệt mài lao động sáng tạo từ trong gian khó, đưa từng tấn vàng đen cống hiến cho Tổ quốc đẹp giàu.
Ý kiến ()