
Thông cáo báo chí số 9, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV
Thứ Tư, ngày 14/5/2025, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV tiếp tục ngày làm việc thứ chín tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
BUỔI SÁNG
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (lần thứ nhất) và dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) (phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam).
Tại phiên thảo luận có 37 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu, trong đó có 4 lượt đại biểu Quốc hội tranh luận, cụ thể như sau:
Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013: có 22 lượt ý kiến góp ý. Đa số các ý kiến đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; phạm vi sửa đổi, bổ sung và nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; thống nhất hình thức văn bản là Nghị quyết của Quốc hội.
Bên cạnh đó, nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, các đại biểu tập trung thảo luận về các quy định liên quan đến: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội; Công đoàn Việt Nam; quyền trình dự án luật, dự án pháp lệnh của các tổ chức chính trị-xã hội; tổ chức đơn vị hành chính.
Có một số ý kiến đại biểu đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành về việc “đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân” tại khoản 2 Điều 115 của Hiến pháp; đề nghị sửa đổi Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn cho phù hợp với nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013.
Ngoài ra, có ý kiến đại biểu cho rằng, trong dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) đã khẳng định việc tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp, tuy nhiên, dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 lại không nêu rõ vấn đề này, nên đề nghị bổ sung vào dự thảo Nghị quyết để đảm bảo sự đồng bộ.
Về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi): có 28 lượt đại biểu Quốc hội góp ý. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội thống nhất cao với việc sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo trình tự, thủ tục rút gọn tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về: nguyên tắc tổ chức đơn vị hành chính và điều kiện thành lập, giải thể, sáp nhập, chia tách đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính; thẩm quyền quyết định và trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, sáp nhập, chia tách đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới, đổi tên đơn vị hành chính; phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương; phân quyền, phân cấp, ủy quyền; nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương; quy định chuyển tiếp.
Ngoài ra, có ý kiến đại biểu đề nghị cần quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong thực hiện hoạt động đối ngoại; xem xét bổ sung tiêu chí miền núi tương đương với các đơn vị hành chính khác, như: nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt vào dự thảo Luật; đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan đến thương hiệu địa phương, chỉ dẫn địa lý để các địa phương có cơ sở pháp lý, chiến lược truyền thông thống nhất, xây dựng bản đồ du lịch mới để kịp thời phát huy nguồn lực kinh tế quan trọng cho phát triển đất nước khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) có hiệu lực thi hành.
Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
BUỔI CHIỀU
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, tiến hành các nội dung sau:
- Nội dung 1: Quốc hội nghe: (i) Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; (ii) Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Ngân sách nhà nước.
- Nội dung 2: Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Tại phiên thảo luận có 24 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu, trong đó đa số ý kiến đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Cán bộ, công chức nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến đội ngũ cán bộ, công chức.
Bên cạnh đó, nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu tập trung thảo luận các quy định về: phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức; phân loại cán bộ, công chức; chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ; chính sách đối với cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số; nghĩa vụ của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ; quyền của cán bộ, công chức về tiền lương, tiền thưởng và các chế độ liên quan đến tiền lương; văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức; những việc cán bộ, công chức không được làm; phương thức, thẩm quyền tuyển dụng công chức; đánh giá công chức; đào tạo, bồi dưỡng công chức; vấn đề liên thông công chức; vị trí việc làm và ngạch công chức; khen thưởng, xử lý kỷ luật cán bộ, công chức.
Có ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung các quy định về: chế độ làm việc từ xa, làm việc trực tuyến của cán bộ, công chức sau sáp nhập đơn vị hành chính; chuyển đổi số trong thi hành công vụ; việc không xử lý cán bộ, công chức sinh con thứ ba để thống nhất với quy định của Đảng.
Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Thứ năm, ngày 15/5/2025,
Buổi sáng: Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, tiến hành các nội dung: (i) nghe Tờ trình, thảo luận và biểu quyết thông qua việc điều chỉnh chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV; (ii) nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; (iii) nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; (iv) nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội; (v) thảo luận ở hội trường về dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
Buổi chiều: Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, tiến hành các nội dung (i) nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân; (ii) nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về các nội dung: (iii) Dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; (iv) Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân; (v) Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Ý kiến ()