Thiên chức phụ nữ
Mỗi dịp “đại lễ” của chị em phụ nữ, như ngày 8-3 hay ngày 20-10 chẳng hạn, báo chí, truyền thông lại đua nhau ngợi ca “Thiên chức” của họ. Mà không chỉ những dịp đó, trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày, đặc biệt là trong các cuộc tuyên truyền về bình đẳng giới, tuyên truyền “Vì sự tiến bộ của phụ nữ” v.v.. các tuyên truyền viên vẫn luôn nhấn mạnh cái gọi là “Thiên chức phụ nữ”; thậm chí có người còn không nói “Thiên chức phụ nữ” một cách chung chung, mà đề cao, nhấn mạnh nó như là một nét đẹp của và chỉ của phụ nữ Việt Nam(!).
Vì sao khi muốn đề cao vai trò, vị trí của người phụ nữ, người ta lại thường nhấn mạnh đến “Thiên chức” của họ? Điều này cũng dễ hiểu; bởi “Thiên chức” - theo lối “chiết tự” - có thể hiểu là chức trách, bổn phận thiêng liêng mà “ông trời” đã ban cho. Hiểu như vậy, “Thiên chức phụ nữ” là những công việc tự nhiên chỉ phụ nữ mới làm được; đó là sinh nở, là nuôi con bằng bầu sữa của mình v.v.. Rõ ràng đây là những công việc cao quý, thiêng liêng; nó khẳng định vị thế, vai trò của người phụ nữ trong xã hội cũng như trong gia đình. Nếu phụ nữ không làm tròn “Thiên chức” của mình thì gia đình nói riêng, xã hội nói chung, làm sao mà phát triển được! Vậy nên, nói: “Phụ nữ là số một” thì cũng không có gì là quá lời cả!
Nhưng có một thực tế, nhất là trong hoạt động truyền thông, tuyên truyền hiện nay, đôi khi người ta hay lạm dụng khi nói đến “Thiên chức phụ nữ”; theo đó, “Thiên chức phụ nữ” không chỉ những thứ chỉ phụ nữ mới làm được, mà là tất tần tật những công việc vốn do thói quen truyền thống, phụ nữ hay làm, như chăm sóc con cái, nội trợ bếp núc v.v.. (có lẽ vì quan niệm như vậy nên mới có cái gọi là “Thiên chức phụ nữ Việt Nam”, trong khi đã là phụ nữ, dù da đen hay da trắng, da màu v.v.. đều có “Thiên chức” như nhau cả chăng?).
Từ cách hiểu có phần lệch lạc như thế, khi tuyên truyền đề cao “Thiên chức phụ nữ”, người ta thường nhấn mạnh vai trò quán xuyến công việc gia đình, từ chăm sóc con cái đến nội trợ, bếp núc v.v.. là của chị em. Hay nói một cách văn hoa, họ là những người “xây tổ ấm”! Nói vậy không sai, nhưng không toàn diện; bởi tuỳ hoàn cảnh cụ thể mà sự phân công lao động trong mỗi gia đình có sự khác nhau, đâu phải chỉ phụ nữ mới làm được những công việc ấy! Tại sao phụ nữ gương mẫu thì cứ phải vừa “giỏi việc nước” vừa “đảm việc nhà”, trong khi nam giới thì không nhất thiết phải làm tốt cả hai? Rõ ràng đó là không bình đẳng, là “yêu nhau như thế khác gì phụ nhau”...
Nói điều này có thể ai đó cho là hơi... làm lớn chuyện, “bé xé ra to”... Nhưng ngẫm lại sẽ thấy, đây là “cái gốc” trong quan niệm về bình đẳng giới. Nếu “cái gốc” không được xác định đúng đắn thì còn thuyết phục ai được nữa...
Trung Luận
Ý kiến ()