Thế giới 7 tỷ người
Theo tính toán của Quỹ Dân số Liên Hợp quốc, tính đến ngày hôm qua (31-10), dân số thế giới đã tiệm cận ngưỡng 7 tỷ người. Điều này đã nói lên các chính sách, hoạt động chăm lo cho con người của các quốc gia trong nhiều năm qua đã được quan tâm, chú trọng. Trong đó đặc biệt là công tác chăm sóc sức khoẻ, ngăn chặn dịch bệnh, tăng cường các dịch vụ y tế và đảm bảo an sinh xã hội... đã góp phần nâng cao tuổi thọ của người dân, giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em.
Tuy nhiên, cùng với thành tựu và những điều đáng ghi nhận đó thì với con số 7 tỷ dân của thế giới cũng đặt ra rất nhiều thách thức đối với từng quốc gia cũng như phạm vi toàn cầu. Cụ thể, đó là những thách thức, lo ngại về an ninh lương thực, thực phẩm; nhà ở; biến đổi khí hậu; ô nhiễm môi trường; tắc nghẽn giao thông; suy giảm nguồn nước; sự cạn kiệt của tài nguyên khoáng sản v.v..
Đứng trước thực trạng tăng dân số tự nhiên ở nhiều quốc gia, trong đó tập trung ở các nước đang phát triển và chậm phát triển, các tổ chức quốc tế cũng như chính phủ các quốc gia có liên quan đã quan tâm đến các biện pháp giảm tỷ lệ tăng dân số, đảm bảo có cơ cấu dân số hợp lý.
Ý thức được vai trò, ý nghĩa của công tác dân số đối với sự phát triển của quốc gia, từ những năm 60 của thế kỷ trước, Đảng, Nhà nước ta đã rất quan tâm đến công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình bằng việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân; ban hành các chính sách, biện pháp hạn chế tăng dân số với mô hình mỗi gia đình chỉ có từ 1 đến 2 con. Theo cuộc tổng điều tra dân số gần đây thì hiện nay dân số Việt Nam đang có “cơ cấu vàng”, có nghĩa số người trong độ tuổi lao động đang chiếm ưu thế và cơ cấu này rất khó lặp lại lần thứ hai. Tuy nhiên, bên cạnh ưu thế về cơ cấu dân số thì chúng ta lại đang phải đối mặt với sự mất cân đối về giới tính khi sinh do quan niệm trọng nam khinh nữ. Cụ thể là tỷ lệ trẻ có giới tính nam đã cao hơn giới tính nữ khá nhiều. Sự mất cân đối này sẽ tác động không tốt đến xã hội trong thời gian tới mà thực tế ở một số quốc gia trong khu vực đã chứng minh.
Vì vậy, cùng với sự vui mừng đón chào công dân thứ 7 tỷ trên thế giới, cũng đặt ra trách nhiệm cho từng quốc gia và mỗi người dân phải hành động tích cực hơn nữa để ngăn chặn, hạn chế những tác động tiêu cực do sự gia tăng dân số gây ra. Điển hình ở đây là nạn đói nghèo, thất nghiệp, bệnh tật, biến đổi khí hậu, tai nạn và ùn tắc giao thông, khai thác các nguồn tài nguyên không tái tạo, mất cân đối về giới tính, phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em...
Thanh Tùng
Ý kiến ()