20
18
/
978250
Thảo luận tại tổ và hội trường: Nghiêm túc, sôi nổi, đi vào vấn đề trọng tâm
longform
Thảo luận tại tổ và hội trường: Nghiêm túc, sôi nổi, đi vào vấn đề trọng tâm

 

Sáng 7/12, Kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh khóa XIII đã tiến hành phiên thảo luận ở tổ và hội trường. Các phiên thảo luận diễn ra nghiêm túc, dân chủ, sôi nổi, đi thẳng vào vấn đề, ngắn gọn, có trọng tâm, trọng điểm nhằm thảo luận, xem xét, quyết định mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách và đầu tư phát triển năm 2020; các biện pháp, cơ chế, chính sách nhằm tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của tỉnh trong thời gian tới; tham gia cụ thể vào nội dung các dự thảo nghị quyết trình tại Kỳ họp, nhất là nghị quyết về cơ chế, chính sách có tác động trực tiếp đến an sinh xã hội, đời sống nhân dân và sự phát triển của tỉnh.

Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa XIII diễn ra trong bối cảnh Quảng Ninh đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu KT-XH quan trọng, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 12,1%, vượt 0,5 điểm % so với chỉ tiêu đề ra, đây là mức tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 44.030 tỷ đồng, trong đó thu nội địa ước đạt 33.530 tỷ đồng, chiếm 76,2% tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, tăng 10% so với cùng kỳ. Tổng sản phẩm bình quân đầu người (GRDP) ước đạt 6.121 USD/người/năm, gấp hơn 2 lần bình quân chung cả nước.

Dựa trên kết quả này, UBND tỉnh đề ra những chỉ tiêu KH-XH chủ yếu cho năm 2020, như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng trên 12% và phấn đấu thực hiện cơ cấu kinh tế theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh- Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 48.000 tỷ đồng, trong đó, thu ngân sách nội địa 37.000 tỷ đồng, thu xuất nhập khẩu trên 11.000 tỷ đồng… Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện là: Tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; Đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược; Cải thiện mạnh mẽ và thực chất hơn môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cấp sở, ngành, địa phương; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành thu, chi ngân sách; Phát triển toàn diện lĩnh vực văn hóa, xã hội…

Thảo luận về giải pháp để phát triển KT-XH năm 2020 và những năm tiếp theo, các đại biểu đều nhất trí cao với báo cáo và công tác chỉ đạo điều hành cũng như những nhiệm vụ, giải pháp mà UBND tỉnh đề ra, đồng thời cho rằng UBND tỉnh cần có những giải pháp quyết liệt hơn nữa. Thảo luận tại hội trường, đại biểu Đặng Văn Tuấn, Tổ đại biểu Đầm Hà, cho rằng: Mục tiêu, các chỉ tiêu chủ yếu mà tỉnh ta xác định trong năm 2020 là rất trọng tâm sát với tình hình thực tiễn của các địa phương trên địa bàn tỉnh. Để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong báo cáo, Tổ đại biểu Đầm Hà đề xuất: Đẩy mạnh phát triển dịch vụ, du lịch theo hướng nâng cao tỷ trọng và chất lượng dịch vụ; đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng để thu hút các dự án đầu tư về lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao thân thiện môi trường; tập trung hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai các dự án tại các KKT, KCN; tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm…

Thảo luận về “Phát triển doanh nghiệp đến năm 2020”, đại biểu Phạm Văn Thể, Tổ Đại biểu TX Đông Triều, cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh có trên 19.000 doanh nghiệp, tuy nhiên theo chỉ tiêu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển doanh nghiệp Quảng Ninh cần đạt mục tiêu đến năm 2020 phải có 25.000 doanh nghiệp. Qua các cuộc khảo sát, hiện nay, các hộ kinh doanh vẫn chưa mặn mà với việc thành lập doanh nghiệp mới. Các doanh nghiệp thành lập mới chủ yếu hiện nay là sinh viên đại học mới ra trường và con em của các hộ kinh doanh làm ăn mở rộng mới vận động và phát triển thành lập. Đồng chí đề nghị tỉnh tiếp tục xem xét, ban hành các chính sách để tạo điều kiện hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn.

Về vấn đề này, đại biểu Trần Văn Lâm, Tổ đại biểu TP Uông Bí, Tổ trưởng Tổ thảo luận số 3, cho rằng: Tỉnh cần sớm phân tích, đánh giá những khó khăn, tồn tại của việc phát triển doanh nghiệp để tháo gỡ cụ thể, đồng thời có cơ chế, chính sách mạnh hơn để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch cũng phải được quan tâm chú ý, tránh việc vài năm lại điều chỉnh, thay đổi…

Năm 2019, Quảng Ninh chọn chủ đề công tác “Nâng cao chất lượng và hiệu quả dịch vụ”. Hiện nay, cơ cấu kinh tế của tỉnh đang là: KV I: Nông - lâm - thủy sản 6,02% (giảm 0,47% so với năm 2018); KV II: Công nghiệp - Xây dựng 48,10% (tăng 0,25%); KV III: Dịch vụ 45,88% (tăng 0,22%). Tỉnh đang phấn đấu năm 2020, có cơ cấu kinh tế công nghiệp 48%, dịch vụ 47%, nông - lâm - ngư nghiệp 5%.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 15 diễn ra ngày 6/12, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng khu vực dịch vụ cũng là một trong 3 nội dung được Chủ tọa Kỳ họp gợi ý cho các đại biểu hỏi – đáp. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký cũng khẳng định: Theo đánh giá, hiện phát triển dịch vụ dư địa còn rất lớn, các dự án hạ tầng dịch vụ tầm quy mô vốn lớn đang chờ hoàn thiện thủ tục đầu tư, do đó chúng ta hoàn toàn tin tưởng năm 2020 sẽ có cơ cấu kinh tế dịch vụ chiếm 47%.

Do đó, nâng cao chất lượng dịch vụ, du lịch được nhiều đại biểu đưa ra thảo luận. Đại biểu Trần Văn Lâm, Tổ đại biểu TP Uông Bí, Tổ trưởng Tổ thảo luận số 3, cho rằng: Hiện Quảng Ninh mỗi năm đón khoảng 14 triệu lượt du khách, tuy nhiên phải làm sao để khách lưu trú lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn, chứ không chỉ đến ngắm cảnh rồi về. Điều lo ngại nhất là số lượng du khách đông, chi tiêu ít nhưng ảnh hưởng nhiều đến môi trường. Do đó, chúng ta phải tiếp tục có giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ, du lịch để thu hút khách du lịch. Đặc biệt, tỉnh nên có cơ chế, chính sách đối với các di tích quốc gia đặc biệt, tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch vùng, thu hút nhà đầu tư chiến lược, tạo sản phẩm du lịch chất lượng cao giữ chân du khách, hút lượng khách có mức chi tiêu lớn về các di tích.

Còn đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Tổ đại biểu Đầm Hà, phân tích: Thời gian qua, số lượng các homestay từ căn hộ cho thuê đang bùng nổ ở TP Hạ Long, nhất là vào dịp cao điểm du lịch. Tuy nhiên, việc cư trú tại một số homestay vẫn chưa được quản lý chặt chẽ như: Chất lượng cơ sở vật chất, an toàn PCCC, an ninh trật tự… Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát loại hình kinh doanh này để nâng cao chất lượng dịch vụ; đồng thời không để xảy ra tình trạng mất an toàn, an ninh trật tự khu vực.

Tại Kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ thảo luận  để quyết nghị thông qua 26 nghị quyết, trong đó nhiều nội dung quan trọng về các biện pháp, cơ chế, chính sách nhằm tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của tỉnh trong thời gian tới. Điển hình như: Thông qua phương án giá các loại đất trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2024; danh mục các dự án có thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; hủy bỏ các danh mục đã được thông qua nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng quá 03 năm chưa có quyết định thu hồi; thông qua Đề án công nhận thị xã Quảng Yên là đô thị loại III, thị trấn Tiên Yên mở rộng, huyện Tiên Yên là đô thị loại IV.; nghị quyết về thí điểm hợp nhất Sở Nội vụ với Ban Tổ chức Tỉnh ủy thành Cơ quan Tổ chức – Nội vụ tỉnh Quảng Ninh; chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, hợp đồng lao động, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, bản, khu phố bị tác động do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã và sáp nhập, giải thể thôn, khu; chính sách về chế độ chi mời thỉnh giảng, chính sách tạo nguồn giảng viên tiếng Nhật và chính sách thu hút học sinh, sinh viên học các ngành nghệ thuật tại Trường Đại học Hạ Long…

Đây là những cơ chế, chính sách quan trọng, được cử tri quan tâm, theo dõi sát sao. Hiểu được trách nhiệm của mình, các đại biểu đã có sự trao đổi thẳng thắn, các đại biểu khách mời cũng tham gia phân tích, đóng góp nhiều nội dung quan trọng để hoàn thiện các dự thảo nghị quyết. Chẳng hạn, đối với Nghị quyết quy định bảng giá các loại đất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thực hiện từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2024, có đại biểu đề nghị xem xét một số vị trí đất ở TP Hạ Long giảm hơn so với giai đoạn 2014-2019. Nghị định Chính phủ có giao UBND tỉnh xây dựng mức giá được phép cao hơn 30% so với khung mức giá quy định của Chính phủ. Theo báo cáo giải trình của Sở Tài nguyên và Môi trường: Bảng giá đất giai đoạn 2020-2-24 phải nằm trong khung giá đất do Chính phủ quy định tại Nghị định 104/2-14/NĐ-CP. Các vị trí đại biểu có ý kiến đã được tính toán đảm bảo mức giá tối đa trong khung theo quy định của Chính phủ và đã nhân với 130% -hệ số vượt khung. Đối với các khu vực có giá đất năm 2019 cao hơn Bảng giá đất giai đoạn 2020-2024 thì sẽ có đề xuất xây dựng hệ số giá đất để triển khai thực hiện từ năm 2020.

Về lĩnh vực Nội vụ-Pháp chế, nhiều đại biểu có ý kiến thống nhất chủ trương đưa công an chính quy về xã, tuy nhiên việc khó khăn là sắp xếp trưởng, phó công an xã; điều kiện ăn ở, làm việc cho công an chính quy… Đại biểu Mạc Thành Luân, Tổ đại biểu Vân Đồn, khẳng định:  Tại Vân Đồn đã có 6 xã có công an chính quy về xã; thời gian tới sẽ bố trí công an chính quy về các xã còn lại. Thực tế cho thấy, đội ngũ công an chính quy xuống địa bàn đảm nhận các chức danh công an xã là giải pháp cần thiết, đúng đắn để đảm bảo ANTT của xã luôn được ổn định, củng cố niềm tin của nhân dân đối với lực lượng Công an nhân dân. Địa phương rất ủng hộ chủ trương này. Tuy nhiên, đề nghị tỉnh có chủ trương, chế độ cho các công an viên cũng như công an chính quy về xã, đảm bảo có sự thống nhất trên địa bàn tỉnh…

Đảm bảo an sinh xã hội, quan tâm tới các hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào vùng khó trên địa bàn tỉnh… cũng là một trong những nội dung được các đại biểu thảo luận sôi nổi, trách nhiệm tại tổ và hội trường.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Quyên, Tổ đại biểu Cẩm Phả, phát biểu: Qua giám sát với vai trò đại biểu HĐND tỉnh về lĩnh vực kinh tế - xã hội đã cho thấy vẫn còn một số tồn tại hạn chế: Kết quả về đích Đề án 196, Chương trình 135 chưa thật sự bền vững; số hộ nghèo ở 29 xã vùng khó khăn còn chiếm tỉ lệ cao; khoảng chênh lệch mức sống giữa vùng đô thị - vùng khó khăn còn cao; thiết chế văn hóa – thể thao ở vùng DTTS, miền núi, hải đảo, các khu công nghiệp còn nghèo nàn, chưa được quan tâm nhiều trong công tác quy hoạch, dành quỹ đất.

Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, việc thu hút xã hội hóa đầu tư vào trường chất lượng cao còn ít; hiệu quả hoạt động và đầu tư của các cơ sở giáo dục mầm non tư thục về điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị... còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu giáo dục toàn diện cho trẻ. Trong đó, số đông là con em vùng sâu, vùng xa, hoàn cảnh khó khăn.

Đại biểu đề nghị HĐND tỉnh cần sớm đánh giá hiệu quả các mô hình hỗ trợ sản xuất theo Đề án 196; sớm nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh từ mầm non đến bậc học phổ thông; tiếp tục quan tâm bố trí nguồn lực ngân sách để đầu tư các thiết chế văn hóa - thể thao, nhất là ở các vùng khó khăn, khu công nghiệp... để nâng cao chất lượng sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người dân.

Về giảm tỉ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, đại biểu Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết: Đến thời điểm này, tỷ lệ hộ nghèo trên toàn tỉnh còn 0,52%, giảm 0,68%. Đây là kết quả đáng ghi nhận trong công tác xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ cận nghèo vẫn còn cao, trên 6.000 hộ dân, chiếm 1,64% dân số. Vì vậy, trong năm 2020 và các năm tới, đề nghị UBND tỉnh quan tâm, nhấn mạnh đến giải pháp để tập trung giải quyết, xây dựng kế hoạch giảm tỷ lệ hộ cận nghèo, hạn chế tối đa tình trạng tái nghèo.

Đại biểu khách mời Trần Việt Dũng, Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà, chia sẻ: Trong những năm gần đây thu nhập đầu người của Quảng Ninh tăng, vượt xa nhiều so với các địa phương trên cả nước. Nhưng ở khu vực vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, trong đó, vấn đề sức khỏe của trẻ em cần được quan tâm. Bởi lẽ, sức khỏe của trẻ em khu vực này vẫn còn yếu, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn cao, khoảng 10%. Đối với cấp mầm non, quy định về dinh dưỡng đã được quan tâm nhưng các cấp học bán trú chưa đồng đều. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh cần có quy định cụ thể về cơ chế hỗ trợ ăn bán trú cho học sinh vùng khó để học sinh có chế độ dinh dưỡng tốt hơn. Từ đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, lao động trong tương lai…

Thực hiện: Hoàng Quý - Lưu Linh - Hoàng Giang - Hoàng Quỳnh

Ảnh: Hùng Sơn

Trình bày: Đỗ Quang

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu