20
18
/
1101123
Tết muôn màu...
longform
Tết muôn màu...

Cover

Đón Tết Nguyên đán là phong tục văn hóa đẹp, nhân văn, được cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam lưu giữ qua nhiều thế hệ. Với 43 thành phần dân tộc, mỗi dân tộc ở Quảng Ninh không chỉ có những đặc sắc về ngôn ngữ, trang phục, ẩm thực, lối sống, sinh hoạt mà còn có những phong tục độc đáo đón Tết mang nhiều ý nghĩa, làm nên bức tranh Tết muôn màu ở Quảng Ninh, cùng hướng tới ý nghĩa tốt đẹp là cầu mong năm mới được ấm no, hạnh phúc, may mắn, thịnh vượng. 

Cover

“Chạm” vào những ngày cuối tháng Chạp trong cái lạnh se sắt, những nụ đào phớt hồng e ấp, hoa mận trắng tinh khôi bắt đầu bung nở khắp triền non đón xuân về cũng là lúc người Tày ở Bình Liêu tất bật chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, trong tiếng Tày gọi là “bươn chiêng pi mấu”. Đây cũng là dịp lễ quan trọng nhất trong năm của đồng bào, là thời điểm để mọi người trong gia đình, làng, bản được cùng nhau quây quần, sẻ chia và hân hoan, chờ đón những niềm vui hạnh phúc, an lành trước thềm năm mới.

Ảnh trong văn bản

Không chỉ chờ đến những ngày giáp Tết mà ngay từ giữa tháng Chạp, không khí đón Tết cổ truyền của bà con Bình Liêu đã bắt đầu rộn ràng...

Năm nào cũng vậy, cứ khoảng ngày 25 tháng Chạp trở ra, các thành viên trong gia đình ông Hà Đức Quang (thôn Bản Pạt, xã Lục Hồn) và cả anh em họ hàng lại tụ họp, bắt đầu chuẩn bị cho việc gói bánh chưng, bánh coóc mò để đón không khí Tết sớm. Mỗi người một việc, từ trẻ con đến người lớn, người rửa lá, cắt lá dong, lá cơm lông, người ngâm, vo gạo, thái ướp thịt… cũng đủ khiến cho không khí trở nên nhộn nhịp, tất bật mà ấm áp sum vầy bên mái nhà đất truyền thống của người Tày.

Ảnh với chú thích

Sắc xuân tươi đẹp khắp các bản làng ở Bình Liêu. Ảnh: Hoàng Gái (CTV)

Ông Hà Đức Quang cho biết: Gói bánh chưng là hoạt động truyền thống không thể thiếu của bất cứ gia đình người Tày nào vào dịp Tết. Gia đình tôi hay để anh em sum họp gói cho vui. Bánh gói đủ cho gia đình ăn Tết, cho con trai mang biếu bố mẹ vợ, biếu anh em, họ hàng, bởi người Tày quan niệm, khi nào hết bánh chưng mới hết Tết. Gạo để thổi xôi, gói bánh chưng chính là gạo từ mùa cơm mới tháng 10 âm lịch được các nhà giữ lại để dành ăn Tết nên chiếc bánh lúc nào cũng dẻo thơm mùi gạo mới.

Cùng với gói bánh chưng dài có nhân thịt lợn với lá cơm lông bình thường, theo tập tục truyền thống trước đây, bà con người Tày còn gói một đôi bánh to, nhiều gạo hơn, thường được coi là bánh chưng bố, mẹ. Trong đó, bánh chưng bố là chiếc bánh dài có thêm nhân cá, biểu tượng cho nguồn nước và sự no đủ, thịnh vượng và bánh mẹ là bánh tròn có thêm nhân trứng tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở. Việc gói bánh chưng bố, bánh chưng mẹ đòi hỏi kĩ thuật cao và khéo léo hơn. Việc này thường do những người có kinh nghiệm gói bánh lâu năm thực hiện. Đến ngày 30 Tết, chủ nhà sẽ đặt bánh chưng bố, bánh chưng mẹ lên bàn thờ để cúng tổ tiên.

Ảnh trong văn bản Ảnh trong văn bản
Ảnh trong văn bản

Các gia đình người Tày quây quần cùng nhau gói bánh chưng đón Tết.

Những ngày giáp Tết, chị Vi Thị Hồng, chủ homestay Nhà đất (thôn Hồng Thanh, xã Hoành Mô), không chỉ tất bật với việc chuẩn bị Tết tại nhà riêng mà còn lo sắm sửa, dọn dẹp, trang trí homestay theo phong tục Tết của người Tày để đón du khách đến trải nghiệm. Chị Hồng phấn khởi: Mặc dù mới đi vào hoạt động từ mùa hè năm 2023 song homestay Nhà đất đã trở thành điểm đến được đông đảo du khách yêu thích, lựa chọn. Homestay được chúng tôi xây dựng, sửa chữa trên nền ngôi nhà gạch đất truyền thống của người Tày, đồng thời cung cấp dịch vụ ăn uống, trải nghiệm văn hóa truyền thống, nên khi đến với Nhà đất, du khách sẽ có cảm giác được hòa mình vào cuộc sống, nếp sinh hoạt của người dân bản địa. Chúng tôi rất vui khi dịp Tết này đã có một số đoàn khách đặt phòng để đến vui chơi, tham quan, trải nghiệm văn hóa Tết truyền thống của đồng bào dân tộc Bình Liêu nên mọi công việc chuẩn bị càng cần chu đáo hơn.  

Trong không khí rộn ràng đón năm mới, trong niềm tự hào nhìn quê hương đổi mới từng ngày, có lẽ không chỉ đối với bà con dân tộc Tày mà nhân dân các dân tộc huyện Bình Liêu đều thêm náo nức, hân hoan. Một năm 2023 khép lại, những công trình trường học, đường giao thông to đẹp, hiện đại được đưa vào sử dụng, những ngôi nhà nghĩa tình cho hộ nghèo được xây dựng khang trang, vững chãi đã góp phần đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập, sinh hoạt, lao động, đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân. Nông thôn mới của địa phương ngày một khởi sắc. Du lịch  phát triển mạnh mẽ gắn với khai thác hiệu quả cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và tiềm năng văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ đã đưa Bình Liêu trở thành điểm đến hấp dẫn, không thể bỏ qua trên bản đồ du lịch Quảng Ninh và Việt Nam. Cứ thế, niềm vui nối tiếp niềm vui, từ mỗi mái nhà đến bản làng, quê hương, đâu đâu cũng bừng lên sắc xuân tươi đẹp, với biết bao hy vọng, niềm tin xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Ảnh trong văn bản

Huyện Bình Liêu có trên 96% là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó người Tày chiếm trên 50% dân số. Trải qua quá trình lịch sử, phong tục đón Tết Nguyên đán của người Tày nói chung và người Tày ở Bình Liêu nói riêng vẫn giữ gìn được bản sắc, nét văn hóa độc đáo. Ông Tô Đình Hiệu, Phó Giám đốc Trung tâm TT-VH Bình Liêu, chia sẻ: Trong dòng chảy văn hóa hội nhập mạnh mẽ song những giá trị văn hóa truyền thống nói chung và những phong tục độc đáo, ý nghĩa của ngày Tết Nguyên đán nói riêng vẫn được bà con Tày, Dao, Sán Chỉ ở Bình Liêu gìn giữ, trân trọng. Qua đó, không chỉ gửi gắm mong ước về một năm mới an lành, hạnh phúc đủ đầy mà còn là cách để khắc ghi công lao của tổ tiên, cội nguồn và nhắc nhở, giáo dục con cháu về trách nhiệm gìn giữ, phát huy những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.  

Ảnh với chú thích

Sáng 30 Tết, các gia đình người Tày sẽ bắt đầu dọn dẹp, trang trí nhà cửa, dán giấy đỏ đón may mắn, tài lộc.

Theo phong tục của người Tày bao đời nay, đúng ngày 30 tháng Chạp, từ sáng sớm các gia đình mới thực hiện việc quét dọn nhà cửa, bếp núc, dọn bàn thờ, cất máy móc, nông cụ để nghỉ ngơi ăn Tết. Đặc biệt, các gia đình sẽ cắt và dán giấy đỏ tại một số vị trí trong ngôi nhà, như: Bàn thờ, cửa chính, cửa bếp, chuồng trại, vật dụng, cây cối… với mong muốn đón những điều may mắn, tài lộc trong năm mới, sau đó mới tất bật sửa soạn mâm cơm cúng. Đúng chiều 30, mỗi gia đình chuẩn bị một cây nêu dựng ngay sân nhà. Cây nêu thường được chọn từ những cây vầu ngọt hoặc cây vầu đắng thân thẳng, cao và không có sâu, mọt. Với người Tày, việc cắm cây nêu để loại trừ ma quỷ, giữ đất, giữ nhà.

Mọi công việc đều được làm nhanh chóng cho lễ cúng tất niên tiễn đưa năm cũ, đón năm mới và mời tổ tiên về cùng ăn Tết. Khi nghi lễ cúng được hoàn tất, các thành viên trong gia đình quây quần thưởng thức bữa cơm tất niên. Mâm cơm kính dâng lên các vị thần, tổ tiên có bánh chưng, xôi nếp, khau nhục, thịt gà, thịt ngan, cá chép... Những món ăn tuy mộc mạc nhưng đều là những sản vật của ruộng đồng được bà con nuôi trồng cẩn thận suốt cả một năm để dành làm lễ.

Ảnh với chú thích

Bữa cơm tất niên là thời điểm đoàn tụ, sum họp.

Cùng với mâm cơm cúng trên bàn thờ gia tiên, người Tày còn sắp mâm cúng thần Bếp ở dưới bếp với những món ăn, như: Thịt lợn luộc hoặc thịt gà, bánh chưng, rượu… Trong quan niệm của người Tày, thần Bếp mang ý nghĩa linh thiêng. Thần Bếp trú ngụ ở nơi bếp đun nấu của mọi nhà, chứng kiến mọi sinh hoạt của từng thành viên, là nơi gắn kết các thế hệ trong gia đình. Cuối năm, vị thần này sẽ tổng hợp các việc làm trong cả năm của từng gia đình để báo lên Ngọc Hoàng. Vì vậy, không chỉ Tết đến mà hằng ngày bếp luôn là nơi phải được quét dọn sạch sẽ, gọn gàng, việc cúng thần Bếp còn được thực hiện vào ngày mùng một, ngày rằm hàng tháng để thần Bếp sẽ luôn giữ ngọn lửa ấm, may mắn cho gia đình, dòng tộc.

Ngày đầu tiên của năm mới, người Tày có truyền thống đi lấy nước đầu năm. Lễ vật cho nghi lễ lấy nước - nghi lễ quan trọng nhất mỗi dịp đầu năm của người Tày được người phụ nữ trong gia đình chuẩn bị từ đêm 30, gồm: Xôi vàng, cành hoa dâu, vàng hương. Sớm mùng 1 Tết, xóm làng không ai bảo ai đều dậy sớm, xuống suối để lấy nước mang về rửa mặt.

Bà Hoàng Thị Ninh (thôn Cốc Lồng, xã Lục Hồn), kể: Tại điểm lấy nước, sau khi chọn được hướng nước chảy, cắm cành hoa dâu, cắm hương, người lấy nước sẽ nói “Lấy nước hướng Nam không làm cũng giàu có, lấy nước hướng Đông ăn sung mặc sướng”, rồi múc lấy nước để gánh về dùng. Người Tày quan niệm nước suối là thứ nước mát lành, trong sạch, đem về rửa mặt thì cả năm sẽ được mát mẻ, an lành. Trên đường trở về nhà, người ta lấy vỏ cây dâu buộc lấy một số hòn đá, mang về theo mong ước nuôi được trâu bò đầy chuồng, lợn gà chật sân và xin một vài cành lộc nho nhỏ. Mọi người tin rằng tiền của theo đó mà về dồi dào.

Ảnh với chú thích

Từ đêm 30 Tết, người phụ nữ trong gia đình sẽ chuẩn bị xôi vàng, cành hoa dâu, vàng hương cho nghi lễ lấy nước đầu năm vào sáng mùng 1 Tết.

Ngày mùng 1 Tết, người Tày kiêng ra khỏi nhà, kiêng đến nhà người khác để tránh mọi rủi ro, song có thể đi lễ ở đình Lục Nà, đến các nhà văn hóa thôn, xã để cùng vui chơi, chia sẻ những niềm vui trong năm cũ và chúc cho năm mới sẽ có nhiều may mắn. Giữa sắc xuân tràn ngập khắp các bản làng, người người hòa mình trong những trò chơi dân gian sôi nổi, hào hứng, như: Tung còn, đánh quay, kéo co, đẩy gậy… Đâu đó, tiếng hát Then - đàn Tính mùa xuân ngọt ngào, đắm say như lời tâm tình của người Tày. Họ cất lên tiếng hát, tiếng đàn để quên đi những vất vả, lo toan đời thường, đắm mình trong làn điệu dân ca quê hương để gửi gắm tình yêu đôi lứa, tình yêu gia đình, quê hương, ngợi ca tình đoàn kết cộng đồng, bản làng và mong ước những điều tốt đẹp.

Bắt đầu từ mùng 2 Tết, con cháu sẽ sang nhà hai bên nội, ngoại để chúc tết. Lễ mang theo gồm gà trống thiến, bánh chưng, chai rượu, bánh kẹo làm quà tết và khi về sẽ được bố mẹ cho lại cặp bánh chưng nhỏ không nhân để trao gửi may mắn.

Ảnh trong văn bản Ảnh trong văn bản

Người Tày quan niệm nước suối là thứ nước mát lành, trong sạch, đem về rửa mặt thì cả năm sẽ được mát mẻ, an lành.

Tết của đồng bào dân tộc Tày Bình Liêu hiện lên đầm ấm, yên vui mà bình dị, chân tình như thế. Đâu chỉ là hơi ấm của những nồi bánh chưng bên bếp lửa hồng, đượm mùi nếp thơm nồng mang hương xuân về với mọi nhà, mà còn gửi gắm biết bao ước vọng đầu xuân về cuộc sống thêm no ấm, đủ đầy. Tết còn là những nét phong tục truyền thống đẹp đẽ tiếp tục được gìn giữ, lưu truyền qua ngàn đời và hơn hết là trách nhiệm, niềm tin nhân lên từ mỗi mái nhà, góp sức làm nên những đổi thay tươi đẹp hơn, phát triển hơn trên dải đất biên cương Bình Liêu.

Cover

Theo một số tư liệu cổ, người Sán Dìu vốn là một trong các tộc Bách Việt, di cư vào nước ta cách đây chừng 300 năm. Người Sán Dìu có tiếng nói, chữ viết riêng và phong tục tập quán độc đáo. Bà con giỏi về làm nông, trồng cấy, chữa một số bệnh (đặc biệt như mở khóa đầu)… Người Sán Dìu ở Quảng Ninh hiện nay tập trung nhiều ở Vân Đồn, Cẩm Phả, Tiên Yên, TP Hạ Long và rải rác ở một số huyện, thị khác. Là một trong những dân tộc thiểu số có văn hóa đậm đà bản sắc, mang giá trị nhân văn cao đẹp, lễ - Tết của đồng bào Sán Dìu có nhiều nét văn hóa đặc trưng.

Ảnh trong văn bản

Người Sán Dìu Quảng Ninh gọi Tết Nguyên đán là Tết Cả (hay Thai-nén) tức Đại niên Tết. Người Sán Dìu tổ chức ăn Tết Đại niên to, tạo không khí rộn ràng. Tết cũng là dịp đồng bào làm các món ăn dân tộc truyền thống để kính dâng tổ tiên và cùng nhau quây quần ấm cúng bên mâm cơm gia đình. Thanh niên nam, nữ thì có dịp say đắm bên những câu hát Soọng cô, trẻ em thì thỏa sức tham gia các trò chơi dân gian. 

Ảnh với chú thích

Sau ngày 23 tháng Chạp, người Sán Dìu bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, cắt giấy đỏ trang trí báo hiệu Tết sắp về. 

Về thời gian, người Sán Dìu ở Quảng Ninh cũng ăn Tết cổ truyền như người Kinh và một số bà con các dân tộc khác. Đó là thời điểm xuân về, lúc nông nhàn, lợn, gà đầy chuồng, thóc lúa đầy bồ, đồng bào Sán Dìu tổ chức ăn Tết Cả thật to với rất nhiều nghi thức. Từ trước Tết khoảng một tuần, các gia đình tất bật chuẩn bị dọn nhà, trang hoàng ngõ xóm, mổ lợn. Thanh niên đi rừng hái lá chít (lá cây bông ỏng), chuẩn bị lá dong gói bánh chưng gù. Các xóm, làng vang tiếng cối đá giã gạo của các bà, các cô.

Điểm độc đáo và khác biệt là, ngày 23 tháng Chạp, người Sán Dìu không cúng cá chép mà thay vào đó họ chuẩn bị lá dong, gạo nếp, đỗ xanh để gói bánh chưng, dọn nhà cửa đón Tết. Bánh chưng của người Sán Dìu không có hình vuông mà là hình trụ, hơi nhô lên ở giữa, người Sán Dìu gọi là bánh chưng gù. Từ ngày 28 tháng Chạp thậm chí sớm hơn, các gia đình, dòng họ đã quây quần tổ chức thịt lợn, gói bánh, chuẩn bị các thực phẩm, nông sản tốt nhất để làm cơm cúng tổ tiên.

Ảnh với chú thích

Mỗi dịp lễ, Tết, bà con dân tộc Sán Dìu quan tâm chế biến các món ăn ngon, các loại bánh độc đáo thờ cúng tổ tiên. Ảnh: Bà con Sán Dìu ở Hải Lạng, Tiên Yên gói bánh chưng trong dịp lễ hội.

Thông thường, sáng 30 Tết, mọi người dậy sớm để quét dọn nhà cửa, tỉa chân hương, dán giấy đỏ lên bàn thờ, cửa nhà, bếp…Nhà nào cũng chuẩn bị giấy đỏ, cắt thành từng mảnh dán lên ban thờ, trước cửa ra vào, ngoài cổng, cây cối thậm chí các vật dụng làm nông… Theo quan niệm của đồng bào, dán giấy đỏ để báo hiệu mùa xuân đã về, tượng trưng cho một năm mới tốt lành, nhiều tài lộc, sức khỏe, xua đuổi tà ma.

Chiều 30 Tết, bà con làm cơm cúng tất niên. Trên ban thờ tổ tiên, ngoài bánh chưng có thịt lợn, thịt gà, rượu trắng, bánh kẹo, hoa quả. Người Sán Dìu đặc biệt quan trọng ban thờ gia tiên nên việc dọn dẹp phải chọn ngày kỹ càng, có những nguyên tắc nhất định cho việc dọn dẹp hay thắp hương ở ban thờ…

Người Sán Dìu quan trọng nhất là 3 ngày Tết, ngày mà họ làm cơm mời ông, bà tổ tiên về ăn Tết cùng gia đình. Mâm cúng có gà hoặc một miếng thịt lợn luộc, một chai rượu trắng và vài loại bánh truyền thống. Từ chiều 30 đến hết ngày mùng 2 Tết, người Sán Dìu không quét nhà với quan niệm là để giúp cho những vong linh không nhà, không cửa được ăn Tết. Đến ngày mùng 3 Tết mới quét nhà để tiễn ma nghèo, ma đói. Trong năm mới, tục xông nhà của người Sán Dìu cũng khá đặc sắc. Họ không xem tuổi, xem ngày hay lựa chọn những người hợp mệnh để xông nhà. Với họ, xông nhà là việc tự nhiên chứ không nhờ cậy, sắp đặt...

 

Ảnh với chú thích

Năm mới về, bà con dân tộc Sán Dìu thường dán giấy đỏ trang trí nhà cửa báo hiệu mùa xuân, đón may mắn...

Ngoài ra, người Sán Dìu còn có một số phong tục độc đáo dịp Tết, như: tục giữ bếp đỏ lửa từ Giao thừa, kiêng tắt lửa bếp trong những ngày Tết, tục xin nước đầu năm... Kết thúc ngày Tết, người Sán Dìu làm lễ hóa vàng (sam pha chíu troong) vào giờ tốt, đa phần chọn mùng 6 hay mùng 8, đánh dấu chính thức hết Tết. Đây là tục lệ ở một số địa phương như Vân Đồn và khu vực miền Đông.

Ảnh trong văn bản

Là những cư dân nông nghiệp, từ những sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, người Sán Dìu đã khéo léo chế biến ra nhiều món ăn ngon, độc đáo, để lại ấn tượng khó phai mỗi dịp Tết đến, xuân về. Đây cũng là nét đẹp, đặc trưng mà nhiều người rất quan tâm và yêu thích. 

Ảnh với chú thích

Người dân tộc Sán Dìu giã gạo bằng cối đá để làm bánh dịp Tết.

Ảnh căn phải

Trước hết, đó là bánh chưng có hình tròn, vát 2 đầu, thường được gọi là bánh chưng “gù” gói từ loại gạo nếp thơm dẻo nhất. Xưa, mỗi khi cuối mùa gặt, người Sán Dìu chọn những phần gạo nếp ngon nhất dành lại để gói bánh chưng Tết.

Các nguyên liệu khác để làm bánh cũng như bánh vuông truyền thống nhưng khó nhất chính là kỹ thuật gói bánh gù tròn thủ công hoàn toàn, không hề có khuôn. Điểm thú vị nữa là ngoài lớp áo ngoài bằng lá dong, bánh gù gói bằng lá chít ở bên trong. Tuy màu bánh không xanh bằng lá dong nhưng ăn đậm, thơm và ngon hơn, đồng thời bảo quản được khá lâu, không lo bị ôi thiu.

Món bánh đặc sắc không thể thiếu nữa là bánh bạc đầu, cho thấy sự thăng hoa của hương vị gạo nếp. Món bánh nếp màu trắng, đẹp mắt, có hình tròn được chế biến từ những nguyên liệu sẵn của mùa vụ cuối năm như: Gạo nếp, vừng, lạc và đường. Bánh bạc đầu mang mùi thơm của gạo nếp, lạc, vừng, vị ngọt nhẹ của đường, dễ ăn mà lại không ngán.

Để làm ra chiếc bánh thơm ngon, gạo nếp được ngâm nước trước khi mang đi giã cối đá thủ công hoặc xay kỹ, dùng rây (một dụng cụ như chiếc rổ nhỏ có mắt lưới dày) lọc nhiều lần cho tới khi thành bột nhỏ mịn trắng tinh, sờ thấy mát, luồn qua kẽ tay là đạt.

Ảnh với chú thích

Các thế hệ con cháu người dân tộc Sán Dìu vẫn giữ gìn và phát huy được nghệ thuật làm bánh bạc đầu.

Khâu “làm bột” chính là yếu tố đem lại vị đặc biệt cho món bánh. Bột được đem về hòa nước ấm cắt thành từng miếng tròn nhỏ thả vào nồi nước sôi luộc chín. Quy trình này lặp đi lặp lại 2 lần nhằm đảm bảo bột chín, nhuyễn... Lần cuối, bột được luộc cho tới khi từng lát mỏng bột nổi lên thì đạt. Bột còn nóng được bàn tay nghệ nhân nặn thành từng miếng tròn, mỏng, to bằng miệng bát rồi gói tròn với nhân thành những chiếc bánh trắng xinh xắn. Nhân bánh được làm từ vừng, lạc rang giã nhỏ dậy mùi theo tỷ lệ 1-1 trộn đều với đường trắng xay nhỏ.

Bánh tròn mềm, nhìn như trong suốt, thậm chí thấy cả nhân bên trong, ăn vị thanh, thơm mùi gạo nếp, lạc, vừng. Không giống nhiều món bánh khác, bánh bạc đầu hoàn toàn không cần chiên rán hay hấp mà chỉ luộc nên có hương vị độc đáo, dễ ăn.

Một món ăn công phu và được đông đảo người sành ẩm thực thích thú tìm mua dịp Tết chính là khau nhục, bản hòa ca của thịt lợn và 36 loại gia vị. Được chế biến từ thịt lợn ba chỉ nhưng khau nhục (nhiều nơi gọi là khâu nhục) lại khiến người ăn không thấy ngấy... Khau nhục là một món ăn tiếp nhận kỹ thuật của người Hoa, chế biến rất công phu, tuân theo quy trình, bí quyết riêng.

Từ lâu, món ăn đã trở thành một món đặc sản dùng trong cỗ bàn sang trọng, tiếp đón khách quý hoặc mỗi dịp lễ Tết của người dân tộc Sán Dìu. Người Sán Dìu chọn thịt ba chỉ của những con lợn ngon (khoảng từ 70-80kg), đạt đúng tiêu chuẩn: nửa nạc, nửa mỡ... Thịt ba chỉ được chọn để nguyên miếng to cho vào luộc chín, rồi vớt ra để ráo nước.

Ảnh với chú thích

Khau nhục của người dân tộc Sán Dìu ở xã Sơn Dương (TP Hạ Long) được nấu trong dịp lễ, Tết, nay trở thành sản phẩm OCOP độc đáo.

Khi thịt còn nóng, nghệ nhân tiến hành xâm bì và thịt bằng những cây tăm tre nhỏ nhọn đầu hoặc dùng kim xâm kỹ toàn bộ bề mặt của miếng thịt để loại bỏ mỡ. Mỡ theo những lỗ nhỏ thoát ra được lau bằng khăn sạch, liền đó quét một lớp mật ong để phủ kín lỗ đó và ngấm vào từng thớ thịt nhằm bớt mỡ gây ngấy và tạo hương vị thơm ngon cho miếng thịt.

Sau đó, thịt được cho vào rán trong chảo to, ngập mỡ cho tới khi vàng ruộm. Thịt cắt miếng chừng 300-500 gram được cuộn lại, nhồi và “ôm” nhân gồm 36 loại gia vị, như: Thịt nạc ngon băm nhỏ, mộc nhĩ, nấm hương, tỏi băm, phùi nhủi (một dạng gia vị như ngũ vị hương), rau thồi sôi rửa hết muối (một loại rau muối mặn làm thức ăn của người Hoa và người Tày, Nùng) cùng 12 vị thuốc Bắc như: Hạt sen, ngũ vị hương, húng lìu... Thịt hấp cách thủy 2-3h thậm chí lâu hơn với nhân rắc đều xung quanh.

Trên mâm cỗ ngày Tết còn có bánh tài-lồng-ệp tròn làm từ gạo nếp giã nhuyễn trộn với nước đường phên (một loại đường mía đậm đặc được cô thành bánh) rồi hấp cách thủy với nước gừng cùng nhiều món ngon độc đáo. Ngoài ra, ngày Tết người Sán Dìu còn có các môn thể thao dân tộc, hát Sọong Cô....Tất cả là nghệ thuật ẩm thực và những giá trị văn hoá tinh thần được người Sán Dìu đúc kết từ nhiều đời nay, tạo nên một cái Tết độc đáo. Dù được gìn giữ nhưng đáng tiếc ngày nay, nhiều nét văn hóa độc đáo đã bị phai nhạt hoặc giao thoa, rất cần nhà nước có những cơ chế, chính sách quan tâm gìn giữ, bảo tồn tốt hơn nữa. 

Cover

Người Dao Lô Gang ở Quảng Ninh vốn di cư từ Lạng Sơn đến. Khác với các nhóm người Dao Thanh Y, Dao Thanh Phán sinh sống ở nhiều nơi trong tỉnh, người Dao Lô Gang hiện sinh sống chủ yếu ở các xã Lương Mông, Thanh Lâm, Đạp Thanh của huyện Ba Chẽ. Đồng bào có nhiều phong tục tập quán đón Tết Nguyên đán độc đáo, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hoá dân gian các dân tộc Quảng Ninh.

Ảnh trong văn bản

Người Dao Lô Gang chuẩn bị cho Tết từ rất sớm. Trước đó nhiều tháng, họ đã cấy lúa nếp nương, trồng lá dong, nuôi gà, lợn. Phụ nữ Dao Lô Gang thì chăm chỉ thêu thùa những bộ quần áo mới bằng sợi chỉ màu. Đó là chiếc áo dài bốn thân bổ tà trước ngực, bên trong áo có yếm thêu hoa văn, gắn các ngôi sao bằng bạc và trang trí hạt cườm kèm mũ to bản thêu màu cam cho phụ nữ. Trang phục đàn ông người Dao Lô Gang thì đơn giản hơn nhiều nhưng cũng được đính tua chỉ ngũ sắc để trang trí, quần ống rộng buộc bằng sợi dây gai có đồng xu để giữ.

Ảnh với chú thích

Vui xuân mới không quên việc đồng áng.

Dịp cuối năm, cùng với ăn Tết Nguyên đán như những dân tộc khác, người Dao Lô Gang còn có "Tết năm cũ" hay còn gọi là "Tết qua năm" với những nét độc đáo riêng có được truyền lại từ lâu đời. Theo phong tục của cha ông để lại, sau một năm lao động vất vả, khoảng giữa tháng Chạp, mọi người đều tạm dừng công việc nương rẫy, ruộng đồng để dọn dẹp nhà cửa, bài trí lại bàn thờ tổ tiên, bắt lợn, nhốt gà... và chọn ngày đẹp để tổ chức "Tết năm cũ". Phong tục này có ý nghĩa tổng kết năm tương tự như Tết ông Công ông Táo của người Kinh dưới xuôi.

Trong dịp Tết qua năm, thầy cúng được mời đến để thay mặt gia chủ báo cáo với tổ tiên kết quả một năm lao động sản xuất và cúng giải hạn, rũ bỏ những rủi ro trong năm cũ, đồng thời mời những người đã khuất về ăn Tết... Mâm cỗ cúng thường gồm lợn, gà, tiền vàng được cắt bằng giấy bản bày trước bàn thờ tổ tiên. Mâm cỗ Tết bao giờ cũng phải có rượu được nấu và ủ với men lá, chưng cất từ cây lương thực như lúa, ngô, xôi nhiều màu từ đỏ, xanh, tím, vàng đến trắng… nhuộm màu từ lá cây làm nên hương vị và màu sắc đẹp mắt.

Ảnh trong văn bản Ảnh trong văn bản
Ảnh trong văn bản Ảnh trong văn bản Ảnh trong văn bản

Nhiều trò chơi dân gian được người Dao Lô Gang tổ chức.

Thầy cúng làm lễ cúng Tết năm cũ để cầu cho mọi người ai ai cũng có sức khỏe. Người Dao Lô Gang xưa ăn Tết năm cũ luân phiên trong nhà anh em, họ hàng trong làng. Ăn Tết to nhất là ăn Tết ở nhà người giữ bát hương của họ như từ đường ở nhà trưởng họ của người Kinh. Đối với những nhà khác thì khi ăn Tết năm cũ, người Dao Lô Gang xác định mình là khách mời. Còn những nhà cùng chung bát hương, nghĩa là trong dòng tộc thì họ có nghĩa vụ phải đến. Qua một năm vất vả, giờ là lúc để gặp nhau, trước hết là trong dòng họ, sau là làng bản, xóm xã, anh em họ hàng gần gũi, tương trợ lẫn nhau.

Ảnh trong văn bản

Trong những ngày cận Tết, bà con dân tộc Dao Lô Gang thường có thói quen xuống chợ phiên Lương Mông. Chợ phiên nằm ở vị trí thuộc thôn Đồng Giảng B, phục vụ nhu cầu giao thương, buôn bán của người dân ở xã và các vùng lân cận. Chợ họp định kỳ 3 phiên một tháng vào các ngày mùng 4, 14, 24 (tháng Chạp âm lịch). Chợ quy tụ thành phần tiểu thương bán buôn tại chợ là các cá nhân, hộ gia đình sinh sống trên địa bàn xã Lương Mông, Đạp Thanh, Thanh Lâm và một số tiểu thương ở các xã Đồng Sơn, Kỳ Thượng của thành phố Hạ Long và một số xã thuộc các huyện Sơn Động và huyện Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang. Chị Trần Thị Huê, tiểu thương buôn bán tại Chợ phiên Lương Mông, phấn khởi nói: “Tôi thấy chợ phiên văn hóa vùng cao Lương Mông ngày càng thu hút đông đảo tiểu thương, bà con và du khách đến chơi chợ, mua bán, trao đổi hàng hóa, nhất là phiên chợ áp tết rất nhiều mặt hàng đặc hữu của địa phương được đem ra trao đổi, mua bán. Bản thân tôi rất vui vì bán được nhiều hàng hóa hơn bình thường”.

Ảnh với chú thích

Trong những ngày áp Tết, bà con người Dao Lô Gang đến họp từ sáng sớm. Đi chợ phiên dịp cuối năm, người dân sẽ được cảm nhận và hòa mình vào nét đẹp văn hóa đậm đà màu sắc của các dân tộc nơi đây. Những ngày cận Tết, chợ phiên rất tấp nập, náo nhiệt, người người chen nhau  mua sắm từ các mặt hàng gia dụng, trang phục dân tộc, bánh mứt, kẹo, đồ khô cho đến lương thực, thực phẩm, đào, quất, lá dong, gạo nếp nương…để chuẩn bị cho một năm mới an vui.

Ông Lương Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Mông, cho biết: “Trong thời gian qua, chúng tôi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ tiểu thương và bà con nhân dân là đồng bào dân tộc Dao Lô Gang tham gia các hoạt động trao đổi, giao thương hàng hóa, giao thoa các nét văn hóa tiêu biểu trên địa bàn xã, để tiến tới xây dựng chợ phiên vùng cao Lương Mông trở thành một không gian văn hóa, nơi hội tụ và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc”.

Các mặt hàng được bày bán tại phiên chợ gồm: quần áo, hàng gia dụng, dân dụng; các sản phẩm OCOP của huyện và đa dạng các gian hàng nông, lâm sản và các sản vật đặc hữu của địa phương như thuốc nam, gạo nương, măng mai, củ mài, sâm quy, ngô, khoai, sắn, gà bản, ngan đen; các con giống, cây giống và trang phục dân tộc Dao, Tày... Đặc biệt, du khách và người dân được thưởng thức nhiều món ẩm thực đặc trưng như: Thịt gà bản, ngan đen, thịt chó một nồi, thịt lợn mẹt, dê núi, bò tươi, thịt trâu khô nấu bỗng, thịt trâu khô xào tỏi, chân giò, đầu lợn hấp bia cùng các loại bánh truyền thống của các dân tộc trên địa bàn… 

Ảnh trong văn bản Ảnh trong văn bản

Người Dao Lô Gang xuống chợ.

Trong không khí của chợ phiên những ngày cuối năm, người Dao Lô Gang ở Ba Chẽ đi chợ, vừa là để mua sắm, vừa là để tận hưởng không khí Tết đang về. Họ đi chợ Tết cũng là để tận hưởng không khí đất trời vào xuân; người bán, người mua đều mong cho mình một năm mới ấm no, hạnh phúc. Đi chợ Tết, cảm nhận hương vị ngày Tết, cảm nhận phút giao thời của năm cũ và năm mới, lòng người sẽ hướng đến những điều tích cực hơn, phấn khởi hơn trong cuộc sống khi xuân mới đang về. Chị Vũ Thị Ánh, người dân xã Lương Mông vui vẻ cho biết: “Chúng tôi xuống chợ phiên văn hóa vùng cao cuối năm để mua bán hàng hóa chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Tôi thấy không khí rất sầm uất, vui vẻ và nhộn nhịp. Bà con đến chợ không chỉ đơn thuần mua bán hàng hóa, thưởng thức nhiều món ẩm thực mà còn tham gia nhiều hoạt động giao lưu văn hóa các dân tộc”.

Phiên chợ văn hóa vùng cao Lương Mông được duy trì và phát huy với kỳ vọng không chỉ đáp ứng nhu cầu giao thương, trao đổi hàng hóa của đồng bào các dân tộc mà còn hướng tới trở thành sản phẩm du lịch mới, kích cầu, thu hút khách du lịch đến với huyện; giới thiệu, quảng bá những sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc hữu, góp phần bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa dân tộc, ẩm thực đặc trưng của Ba Chẽ đến với du khách thập phương; tạo tiền đề để tiếp tục phát triển, phát huy giá trị văn hóa của các chợ phiên một số xã khác, từng bước hướng tới xây dựng huyện Ba Chẽ trở thành điểm đến an toàn, thân thiện; nơi hội tụ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.

Ảnh trong văn bản

Khi thóc, lúa, ngô, khoai đầy bồ, khi những gùi hàng Tết đầy ắp từ chợ về đến nhà cũng là lúc người Dao Lô Gang náo nức bước vào một năm mới. Tết năm cũ qua đi, bà con vẫn chuẩn bị gà, bánh chưng, đồ cúng... đón Tết năm mới giống như những dân tộc khác. Họ dọn dẹp nhà cửa khang trang, sắm sửa bánh kẹo, hoa quả. Ai cũng mong đến Tết để nghỉ ngơi vài hôm, đi về nhà đón Tết đoàn tụ cùng gia đình, bỏ hết buồn phiền, gặp nhau vui vẻ, mong sang năm mới công việc suôn sẻ hơn, làm ăn khấm khá hơn.

Ảnh với chú thích

Sáng 30 Tết, mọi người đều thức dậy từ sớm để chuẩn bị mâm cỗ cúng tất niên. Mâm cúng gồm gà, thịt lợn, bánh chưng, hoa quả, bánh kẹo... Bàn thờ của người Dao Lô Gang thường được đặt ở gian giữa trong ngôi nhà được cho là nơi tôn nghiêm. Người Dao Lô Gang tin rằng ở nơi đó, tổ tiên từ Dương Châu trở về chứng giám lễ của con cháu. Hai bên bàn thờ được dựng 2 cây mía và có 4 cây tỏi tươi tượng trưng cho 4 mùa trong năm. Cúng tất niên, gia chủ không mời thầy cúng như Tết năm cũ mà chỉ thắp hương lên bàn thờ, khấn vái. Sau đó, cả gia đình quây quần bên mâm cơm đoàn tụ cuối năm. Đây cũng là dịp để người lớn nhắc nhở, dạy dỗ con cháu những điều hay lẽ phải; nhìn lại những điều đã qua trong năm cũ và bàn bạc, dự tính những việc của gia đình sẽ làm trong năm mới...

Sau bữa cơm tất niên, mọi người trong gia đình đều được tắm bằng nước lá thuốc truyền thống với ý nghĩa gột bỏ những ưu phiền của năm cũ. Họ mặc những bộ trang phục mới nhất, đẹp nhất và cùng chờ đón thời khắc giao thừa. Người Dao Lô Gang quây quần bên nhau, họ cầu chúc cho mọi người trong gia đình một năm mới sung túc, no đủ và bình an... Ngày mùng 1 Tết, sau khi thắp hương trên bàn thờ tổ tiên, người Dao Lô Gang sẽ đến nhà anh em, hàng xóm để chúc Tết, hỏi thăm nhau, chúc cho nhau có những mùa vụ bội thu, tràn trề sức khỏe, cùng cầu mong một năm mới tốt lành đến với tất cả mọi người, mọi nhà.

Ảnh trong văn bản Ảnh trong văn bản

Sau mấy ngày Tết, đám cưới của trai gái người Dao Lô Gang huyện Ba Chẽ cũng thường được tổ chức vào mùa xuân, mùa của sinh sôi ước hẹn. Người Dao Lô Gang quan niệm rằng, mọi điều tốt lành nhất đều bắt đầu khi mặt trời còn chưa thức dậy. Vì vậy, đám cưới của người Dao Lô Gang đều được diễn ra vào ban đêm. Ngay từ 3 giờ sáng, khi cả bản làng còn đang chìm trong giấc ngủ, cô dâu đã phải thức dậy chuẩn bị trang phục để tiến hành các nghi lễ trước khi ra cửa. Một bộ trang phục truyền thống của người Dao Lô Gang bao gồm: Quần, áo, dây lưng, dải yếm, mũ đội đầu và các đồ trang sức... Vào ngày cưới, cô dâu sẽ được các bà, các mẹ hỗ trợ mặc trang phục sao cho xinh đẹp nhất giữa những ngày xuân khi sắc đào vừa bung nở phơi phới.

Không chỉ riêng phong tục đón Tết Nguyên đán, đi chợ Tết, đám cưới mùa xuân mà từ xưa đến nay, người Dao Lô Gang ở Ba Chẽ luôn giữ được nhiều nét văn hoá dân tộc riêng rất độc đáo của mình. Đó là bản sắc văn hoá Dao thuần tuý, không pha trộn từ cách ăn, nếp ở, trang phục, phong tục thờ cúng, tập quán xã hội cho đến lễ hội dân gian…

Cover

Năm nay, Tết của người Sán Chỉ ở xã Đại Dực, huyện Tiên Yên vui hơn những năm trước, bởi đời sống của bà con được nâng cao hơn nhiều. Xã không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn Quốc gia 2021-2025, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 67,7 triệu đồng, vượt xa so với năm 2022 là 54,5 triệu đồng/người/năm.

Đại Dực có 5 dân tộc anh em Kinh, Tày, Dao, Sán Chỉ, Thái sinh sống, trong đó người Sán Chỉ chiếm tới 90% dân số toàn xã. Ông Chìu A Voóng, thôn Khe Ngàn đã 82 tuổi không còn vào rừng được nữa, nhưng từ trước Tết hàng chục ngày, ông Voỏng đã bảo con cháu vào rừng kiếm củi, chất trước nhà. Năm nay, nhà ông Voỏng có nhiều niềm vui mới, đó là cả 2 bố con ông đều được hỗ trợ xây nhà mới, cả gia đình ông thoát nghèo. Vậy mà dịp Tết này, gia đình ông vẫn được hỗ trợ 2 triệu đồng từ phần quà của nhiều nhà tài trợ cho hộ mới thoát nghèo. Ngày Tết, tất cả con cháu tập trung ở nhà ông Voỏng, cùng vây quanh bên bếp lửa sưởi ấm, trông nồi bánh chưng và ăn Tết chung ở gia đình ông.

Ảnh trong văn bản Ảnh trong văn bản

Niềm vui đến với từng gia đình trong xã.

Những năm gần đây, giao thông đến Đại Dực đã tốt hơn trước nhiều, các đơn vị tích cực tiếp thị bếp gas cho xã nhưng bà con vẫn giữ thói quen nấu bếp củi vào dịp Tết như trước đây. Bởi quan niệm của người Sán Chỉ luôn giữ bếp đỏ lửa 3 ngày Tết sẽ đem lại nhiều may mắn. Ngồi quanh bếp lửa trông nồi bánh chưng vừa ấm áp lại vừa vui. Dịp này, ông bà, cha mẹ mới kể cho con cháu nhiều chuyện ngày xưa, hay bảo ban con cháu về việc giữ gìn văn hóa của ông, bà xưa.

Ảnh với chú thích

Từ 27 tháng Chạp, hầu hết các gia đình trong xã đều đã gói xong bánh chưng.

Từ 27 tháng Chạp, đa phần người Sán Chỉ ở Đại Dực bắt đầu lo gói bánh chưng để chuẩn bị Tết. Bánh chưng của họ tròn dài, nhân thịt và đỗ xanh có điểm thêm chút lá cơm lông để nhân bánh có màu đỏ tạo hạnh phúc, may mắn cho năm mới. Ngày Tết, bà con dân bản tụ tập lại với nhau, cùng nhau tổ chức hội xuân. Họ vui các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, đánh quay, đánh cù, ném còn, riêng tục lệ hát Soóng Cọ không thể thiếu trong những ngày này. Họ hát giao duyên, các bản hát đối với nhau, hát nhóm nam, nữ. Nội dung các bài hát đề cập đến tình yêu đôi lứa, tình yêu thiên nhiên, tình yêu quê hương đất nước, yêu lao động. Nhiều đôi trai gái đã nên duyên từ các buổi hát với nhau như thế này.

Những ngày Tết, người Sán Chỉ thường treo phong bao lì xì trước cổng để cầu mong sự may mắn đến với mình. Ông Sằn A Dùng, thôn Khe Mươi, xã Đại Dực, bảo: “Phong bao lì xì là mong muốn người nhận “phát tài, phát lộc” và một năm mới hạnh phúc. Người lớn lì xì cho trẻ con thể hiện sự quan tâm, yêu thương và mong ước con cháu chăm ngoan học giỏi, không đau ốm, bệnh tật… Người già được con cháu mừng tuổi thể hiện lòng kính trọng, lời chúc nhiều sức khỏe, sống thọ cùng con cháu. Như vậy, phong bao lì xì thể hiện trong đó bao mong ước của cuộc sống và được người Sán Chỉ chúng tôi trân trọng treo ở trước cửa”. Ngày nay, nhiều ngôi nhà ở Đại Dực đã được xây cao tầng, đẹp không kém những ngôi nhà dưới xuôi, nhưng bà con vẫn giữ thói quen treo bao lì xì trước cửa.

Ảnh với chú thích

Người Sán Chỉ có tục treo bao lì xì trước cửa vào những ngày Tết.

Chị Chíu Nhì Múi ở thôn Khe Lục, nhà có cô con gái nhỏ, một phần để giữ gìn bản sắc dân tộc mình, một phần nữa để chiều con gái, chị Múi trang trí ngôi nhà rất nhiều mầu sắc. Chị Múi còn là Bí thư đoàn xã Đại Dực. Chị bảo: “Ngày Tết, Đoàn thanh niên phối hợp với nhiều tổ chức, ban, ngành của xã tổ chức nhiều trò vui cho thanh niên, như: Hát Soóng cọ, đánh quay, năm nay xã lại tổ chức giao lưu đá bóng nữ với xã Húc Động (huyện Bình Liêu) sẽ vui lắm”.

Thời còn khó khăn trước đây, xã Đại Dực giống như ốc đảo, nhiều người quanh năm chỉ quanh quẩn trong xã, người ta tìm thú vui từ các buổi hát Soóng cọ bên rừng cây, bên dòng suối hay bên bờ ruộng cạn. Chính vì vậy mà làn điệu Soóng cọ cứ được thế hệ nọ nối tiếp thế hệ kia bảo tồn qua các cuộc vui. Xã Đại Dực giáp với xã Húc Động (huyện Bình Liêu). Đại Dực và Húc Động cùng chung nhau quả đồi Tình rộng khoảng 200ha, trên đồi cỏ non xanh mướt, lác đác xen kẽ những đồi hoa sim, hoa mua về mùa hè nở hoa tím cả một vùng, về mùa xuân cũng có nhiều loại hoa cỏ khác đua nở rực rỡ. Đồi Tình trước đây giống như “ông Tơ, bà Nguyệt” xe duyên cho nhiều đôi trai gái, họ rủ nhau lên đồi, cùng hát Soóng cọ rồi nên duyên.

Ảnh với chú thích

Ngày Tết, bà con đều mặc quần áo mới vui chơi ở Nhà văn hóa cộng đồng xã.

Ảnh với chú thích

Bà con hát Soóng cọ với nhau ở Nhà văn hóa cộng đồng xã.

Ông Tằng Móc Phống, thôn Khe Ngàn, xã Đại Dực năm nay đã hơn 60 tuổi, thời thanh niên từng là “ca sĩ” trên đồi Tình. Ông bảo: “Nhiều đêm có đến hơn trăm người cả nam lẫn nữ cùng lên đồi. Giữa làng nọ, làng kia cùng hát đối Soóng Cọ với nhau. Có khi là một bài hát truyền thống của ông bà khi xưa, hay do nghệ nhân trong làng sáng tác, đôi khi là do chính người hát với nhau rồi tự sáng tác ra, vui lắm”.

Từ chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Đại Dực đã đổi thay rất nhiều, nhất là thuận lợi về giao thông hơn. Lớp trẻ Đại Dực có nhiều chỗ để đến vui chơi hơn, chúng không còn thói quen lên đồi Tình vào buổi tối hay rủ nhau ra rừng, ruộng ca hát, tuy thế các bản sắc dân tộc ở Đại Dực cũng không bị mất đi mà được bảo tồn theo hướng khác.

Ảnh trong văn bản Ảnh trong văn bản
Ảnh trong văn bản

Đẩy gậy, ném quay, bóng đá là các môn chơi không thể thiếu được vào ngày Tết ở Đại Dực, tạo không khí sôi động và đoàn kết liên xã, liên huyện.

Để giúp cho các làn điệu Soóng Cọ vang xa hơn, năm 2017, xã Đại Dực đã vận động người dân hiến đất làm con đường thông sang xã Húc Động và phía bên kia xã Húc Động cũng mở con đường thông sang Đại Dực. Ngày Tết, bà con 2 xã của 2 huyện đã qua lại hò hát, vui chơi với nhau. Ngày nay, cả 2 xã Đại Dực và Húc Động đều phát triển phong trào bóng đá nữ Sán Chỉ, chị em mặc nguyên váy áo truyền thống dân tộc mình đá bóng giống như những bông hoa di động trên sân cỏ, từ đó đã giúp cho nhiều du khách gần xa biết hơn về người Sán Chỉ ở Quảng Ninh và chị em thêm yêu thích hơn với bộ trang phục dân tộc mình. Đại Dực đang bắt tay vào phát triển du lịch và lấy việc bảo tồn bản sắc dân tộc làm thế mạnh để thu hút du khách và từ du lịch sẽ bảo tồn tốt hơn văn hóa dân tộc mình.

Ảnh với chú thích

Lớp trẻ Sán Chỉ hiện giờ đã ý thức hơn và tự hào khi mặc trang phục dân tộc.

Từ năm 2019 trở về trước, Đại Dực là 2 đơn vị hành chính gồm Đại Dực và Đại Thành, sau sáp nhập vào làm một lấy tên chung là Đại Dực. Đặc biệt là với sự quan tâm rất lớn của tỉnh, tuyến đường giao thông nối từ trung tâm xã Đại Dực sang trung tâm xã Đại Thành cũ dài 7,08km đã được hoàn thành, thay thế con đường trước kia dài hơn 17km, nhiều dốc cao, gập ghềnh. Tuyến đường mới giúp các thôn trong xã qua lại với nhau dễ dàng, cùng vui chơi với nhau vào các dịp lễ, Tết thuận lợi hơn.

Vậy là, Tết đến với Đại Dực cứ năm sau vui hơn năm trước. Và dẫu cuộc sống có bao đổi thay thì những nét đẹp truyền thống vẫn được bà con gìn giữ và phát huy theo nhiều cách tích cực hơn. 

Chỉ đạo thực hiện: Phan Hằng
Thực hiện: Nguyễn Dung - Hà Phong - Phạm Học - Công Thành
Trình bày: Tất Đạt
 

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu