
Tạo lập thương hiệu thực phẩm an toàn
Quảng Ninh đang nỗ lực xây dựng và phát triển thương hiệu thực phẩm an toàn, hướng tới mục tiêu vừa đáp ứng nhu cầu nội địa, vừa mở rộng thêm thị trường xuất khẩu.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 28.124 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản. Để xây dựng và phát triển thương hiệu thực phẩm an toàn, tỉnh đã quy hoạch vùng sản xuất tập trung, cấp mã số vùng trồng, đăng ký nuôi trồng thủy sản, đồng thời áp dụng các tiêu chuẩn an toàn như VietGAP và hữu cơ nhằm tăng độ tin cậy cho sản phẩm.

Diện tích trồng trọt được chứng nhận VietGAP đạt 322,35ha; diện tích nông nghiệp hữu cơ là 329ha quế, với 54 mã số vùng trồng trên tổng diện tích 1.049,32ha (34 mã phục vụ xuất khẩu, 20 mã nội tiêu) và 7 mã số cơ sở đóng gói, giúp truy xuất nguồn gốc minh bạch, tạo nền tảng vững chắc cho thương hiệu địa phương trên thị trường.
Các tổ chức, hội, đoàn thể cũng vận động đoàn viên, hội viên tích cực tham gia xây dựng các chuỗi sản xuất thực phẩm an toàn trên địa bàn. Tiêu biểu Hội Nông dân đã hỗ trợ vốn giúp xây dựng, phát triển các hình thức kinh tế liên kết sản xuất, mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp đảm bảo an toàn thực phẩm. Đến nay, tổng dư nợ cho vay nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh đạt 32,535 tỷ đồng, triển khai qua 39 dự án, 379 hộ hội viên được vay vốn.
Song hành với việc xác lập vùng sản xuất an toàn, Quảng Ninh còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ. Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn được bổ sung, cập nhật, phục vụ cấp tài khoản cho các tổ chức, cá nhân. Việc truy xuất nhanh qua mã QR không chỉ giúp cơ quan quản lý giám sát chất lượng mà còn nâng cao uy tín thương hiệu trên các kênh phân phối hiện đại và thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, tỉnh còn chú trọng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP nhằm tôn vinh các sản phẩm đặc trưng, góp phần quảng bá hình ảnh an toàn, chất lượng. Công tác này được tổ chức chặt chẽ, khách quan; đồng thời, tỉnh sẵn sàng thu hồi giấy chứng nhận với sản phẩm không đáp ứng yêu cầu, đảm bảo giữ vững niềm tin của người tiêu dùng.

Không chỉ dừng ở sản xuất, công tác xúc tiến thương mại và kết nối tiêu thụ được triển khai linh hoạt, hiệu quả. 6 tháng đầu năm 2025, tỉnh đã tổ chức 2 chương trình xúc tiến thương mại cấp quốc gia và cấp tỉnh, khởi động 6 hội chợ kết hợp OCOP, đồng thời lập khu trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền. Tích cực triển khai các hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm, đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại thông qua tổ chức bố trí khu gian hàng quảng bá hoạt động thương mại điện tử. Điều này đã tạo điều kiện, hỗ trợ cho các HTX, doanh nghiệp, đơn vị sản xuất các sản phẩm OCOP được tiếp cận với hình thức bán hàng trực tuyến.
Quảng Ninh còn tích cực mở rộng kết nối thị trường quốc tế. Các hoạt động giao thương, xúc tiến tại địa phương biên giới được triển khai nhằm duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu. Tỉnh cũng phối hợp triển khai đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”, hướng tới tiêu chuẩn Halal, mở ra cơ hội tiếp cận thị trường các nước Hồi giáo.
Đến nay, các doanh nghiệp, HTX tham gia chuỗi sản xuất an toàn đều ghi nhận sự tăng trưởng về doanh số và mức độ nhận diện thương hiệu. Nhiều nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP báo cáo đầu ra ổn định, giá bán cao hơn 10-15% so với sản phẩm đại trà.
Tỉnh đã duy trì việc bố trí nguồn kinh phí hằng năm để hỗ trợ truyền thông, tập huấn, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm. 6 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh đã tổ chức 131 hội nghị, tập huấn bồi dưỡng kiến thức về an toàn thực phẩm cho 10.158 lượt người, trong đó có quản lý của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Hiện Quảng Ninh đã và đang xây dựng nền tảng vững chắc cho thương hiệu sản xuất thực phẩm an toàn bằng cách quy hoạch vùng nguyên liệu, áp dụng tiêu chuẩn chất lượng, nâng cao khả năng truy xuất nguồn gốc và đẩy mạnh xúc tiến thương mại cả trong và ngoài nước. Qua đó, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và mở rộng thị trường cho sản phẩm địa phương, hướng đến phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh.
Ý kiến ()